HẢI PHÒNG (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Hải Phòng vẫn một giọng y hệt như nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đổ lên đầu ông Ðoàn Văn Vươn nhiều thứ tội, đồng thời loan báo “hoàn chỉnh hồ sơ” để truy tố anh em ông Vươn về tội “giết người.”

Trong một bản thông cáo báo chí phổ biến trên báo điện tử Hải Phòng ngày 3 tháng 4, 2012, nhà cầm quyền thành phố loan báo những việc đã làm theo chỉ thị của ông thủ tướng.

Theo đó, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng thu hồi các quyết định “không đúng pháp luật” từ các quyết định “thu hồi diện tích đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng” ban hành các năm 2008 và 2009, đến thu hồi quyết định cưỡng chế ngày 24 tháng 11, 2011.

Nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đòi cướp không đất, cướp không tài sản núp dưới những văn bản không có hiệu lực pháp lý để cưỡng chế, dẫn đến vụ nổ súng chống lại, làm 4 công an và 2 huyện đội bị thương nhẹ ngày 5 tháng 1, 2012.

Ông Ðoàn Văn Vươn (49 tuổi), người em Ðoàn Văn Quý (46 tuổi), người anh Ðoàn Văn Sịnh (55 tuổi), và người cháu Ðoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị bắt giam ngay ngày hôm sau. Tất cả đều bị truy tố về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dù không có ai chết. Ðiều đáng nói là ông Vươn vào ngày đó còn đang cầm đơn đi khiếu nại không có mặt ở chỗ cưỡng chế, tương tự như bà vợ ông và vợ ông Quý.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) vẫn bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ.”

Bản thông cáo báo chí của Hải Phòng lập lại những lời cáo buộc của huyện Tiên Lãng, đổ cho gia đình ông Vươn “lấn chiếm đất,” “phá rừng phòng hộ,” “cho thuê lại đất trái quy định,” không nộp thuế.

Những điều cáo buộc này, bà Thương đã gửi cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lá đơn khiếu nại ngày 23 tháng 3, 2012, trình bày các chứng cứ cho thấy gia đình bà không làm gì trái luật. Bà cho hay nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng vẫn cố tình làm ngược lại quyết định của thủ tướng. Bây giờ, thành phố Hải Phòng cũng làm như vậy.

Bản thông cáo báo chí của Hải Phòng nói rằng: “Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can là: Ðoàn Văn Vươn; Ðoàn Văn Quý; Ðoàn Văn Sịnh; Ðoàn Văn Vệ; Ðoàn Văn Thoại; Phạm Thái về tội giết người. Phạm Thị Báu (vợ Ðoàn Văn Quý); Nguyễn Thị Thương (vợ Ðoàn Văn Vươn) về tội chống người thi hành công vụ. Áp dụng biện pháp tạm giam đối với 4 bị can (Vươn, Quý, Sịnh, Vệ); áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can (Báu, Thương); ra quyết định truy nã và tập trung các biện pháp truy bắt đối với 2 bị can (Thái, Thoại). Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để truy tố các đối tượng trước pháp luật.”

Nếu không có những cái “quyết định” trái luật của nhà cầm quyền Tiên Lãng, đẩy người dân vào đường cùng thì đã không có sự chống đối. Rất nhiều bài phân tích, nhận định phổ biến trên Internet. Kể cả cựu chủ tịch nước, tướng lãnh cũng phải lên tiếng đòi hỏi công lý cho anh em ông Vươn. Dù vậy, họ vẫn bị truy tố, thay vì công nhận họ là những người có quyền tự vệ chính đáng.

Ngày 1 tháng 4, 2012, ông Vũ Ðức Ðam, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, họp báo nói rằng việc xem xét giảm tội đối với ông Ðoàn Văn Vươn, thủ tướng đã kiến nghị với các cơ quan bảo vệ pháp luật.” Những gì đọc được trong bản thông cáo của Hải Phòng không có dấu hiệu gì thay đổi đối với tội danh cho nhóm người đang bị giam giữ.

Còn vụ án truy tố những kẻ đã đốt và phá 2 căn nhà của anh em ông Vươn, bản thông cáo nói công an thành phố đã “làm rõ được toàn bộ vụ án và hành vi của các đối tượng tham gia” nhưng tới giờ, ba tháng sau, vẫn chưa thấy “khởi tố bị can” và không thấy có ai bị bắt hay bị quy trách nhiệm.

Chỉ mấy ngày sau khu vụ cưỡng chế và san bằng hai căn nhà, vét sạch thủy sản dưới đầm, chủ chiếc xe ủi và tài xế đã gặp mặt một số ký giả kể cho biết họ đã được thuê bao nhiêu tiền, ai đứng ra thuê, lúc phá nhà, có mặt những ông quan nào của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang.

Sự lề mề tránh né trong vụ việc này cho thấy những dấu hiệu cù cưa theo kiểu muốn lèo lái theo chiều hướng nào đó của nhà cầm quyền huyện và thành phố, tránh nhìn nhận tội lỗi của mình bằng cách đổ tội cho gia đình Ðoàn Văn Vươn.

Hệ thống báo chí “lề phải” rất hăng hái đưa tin từ khi bùng nổ vụ việc ngày 5 tháng 1, 2012. Nhờ đó, cùng với một số blogs đặc biệt là blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người ta mới biết được bản chất sự việc.

Nhưng ngày 30 tháng 3, 2012 vừa qua, tại “Hội nghị báo chí toàn quốc” tổ chức ở Quảng Ninh, Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng Thông Tin và Truyền Thông đã cáo buộc các báo nhà nước là “có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều” khi đưa tin về vụ cưỡng chế ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng “mặc dù đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin và truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng.”

Dù vậy “vẫn còn một số tờ báo thông tin quá liều lượng thiết...” Họ bị ông Doãn buộc tội là “nhấn mạnh sai phạm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng” mà “nương nhẹ những sai phạm, vi phạm của ông Ðoàn Văn Vươn...”

Nhiều phần vì vậy mà bây giờ, người ta chỉ thấy có một số tờ báo lập lại nội dung cái bản thông cáo báo chí của nhà cầm quyền Hải Phòng. (TN)

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146833&zoneid=1)