Gọi Tiếng Thầy Với Tất Cả Tin Yêu : Thư Gởi Thầy Cô Thuộc Giáo Xứ Tuy Hòa Nhân Ngày Nhà Giáo 2011

Quý Thầy, Cô, và tất cả những ai đã từng tham gia công tác giáo dục rất thân mến,

Tôi xin viết lại mấy câu thơ đã viết trong đoạn cuối của “bức thư ngày Nhà Giáo năm ngoái - 2010, để mở đầu cho bức thư ngỏ của năm nay - 2011 :

Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu ... (Bài thơ “Thầy” trong website yeuchame.com)


Không biết, trong xã hội Việt nam hôm nay còn có được bao em học trò “dễ thương, lễ phép” như thế nữa ; không phải chỉ “lễ phép, dễ thương” với thầy cô chỉ trong “mùa nhà giáo”, để rồi trước và sau cái thời điểm “trả lễ thầy cô”, thì chỉ còn lại những thái độ vô lễ, những lời nói xúc phạm, những cử chỉ vong ân của cả một thế hệ học sinh mà nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã bực bội thốt lên trong bài thơ “Quê hương và chủ nghĩa” :

Chủ nghiã dạy em, thù hận hờn căm
Chủ nghiã dạy em, độc ác bất nhân
Chủ nghiã dạy em, lọc lừa xảo trá
Chủ nghiã dạy em, dối gian trăm ngả
Chủ nghiã dạy em, bội phản vong ân
Chủ nghiã dạy em, giết chết lương tâm
Chủ nghiã dạy em, vô thần đấu tố


Thế nhưng, cho dầu cả xã hội nầy có biến những thế hệ học sinh trở thành những công dân bất hảo, thì đối với những thầy cô mang căn cước Kitô, vẫn cứ phải xã thân để làm trọn sứ vụ “làm thầy, làm cô”, một ơn gọi cao quý và cần thiết cho xã hội muôn nơi và muôn thuở, như xác quyết của Giáo Hội qua “Tuyên Ngôn giáo dục Kitô giáo” của Công Đồng Vatican II :

Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy. … Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội.

Trong khi xã hội đương thời càng ngày càng biến môi trường giáo dục trở nên môi trường kinh doanh và kiếm lợi nhuận, các thầy cô đua nhau vận dụng mọi kẻ hở trong cơ chế giáo dục phản tiến bộ để móc túi các học sinh, thì các thầy cô Công Giáo cần phải luôn tỉnh thức để mình khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất và lợi nhuận bất chính. Giáo dục, theo quan điểm của Giáo Hội được minh xác qua văn kiện của Công Đồng Vatican II, là một đòi hỏi thiết yêu của mỗi một con người sinh ra trong trần thế. Gia đình, xã hội, trong đó có Giáo Hội, và mọi cơ cấu liên quan, đều phải có trách nhiệm cống hiến một nền giáo dục toàn diện và thích hợp cho mỗi người. Việc giáo dục trong đời sống con cái Chúa lại càng được chú trọng và quan tâm cách đặc biệt :

Mọi Kitô hữu, nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những tạo vật mới, được gọi là con Thiên Chúa và quả thực như thế, nên có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo. Nền giáo dục này không chỉ nhằm giúp con người được trưởng thành như vừa trình bày, nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã nhận lãnh trong khi họ được hứơng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Eph 4,22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Eph 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể. Hơn nữa, vì ý thức được ơn kêu gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh chứng niềm cậy trông của mình (x. 1P 3,15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới theo tinh thần Kitô giáo. (GDKTG số 2)

Cho dù ngày nay, trong đất nước Việt Nam nầy, không còn các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý dành riêng cho Giáo Hội, (chỉ có một ít các trường mẫu giáo mầm non do các dòng nữ phụ trách), thì trách nhiệm “chuyển tải và làm chứng” một phương cách giáo dục theo tinh thần Phúc Âm vẫn phải được những người tham gia công tác giáo dục và các thầy cô Công Giáo ý thức và thể hiện bằng mọi cách. Đây không là một việc tùy tiện nhưng là một đòi hỏi cốt yếu trong sứ vụ “ngôn sứ” mà nhiệm tích Thánh Tẩy đã ân ban và chính Đức Kitô đã truyền lệnh :

"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời." (Mt 5,13-16)

Ước mong sao mọi thầy cô Công Giáo, cho dù ở cấp bậc nào, địa vị nào, môi trường nào, đều trở nên những “Chứng Nhân” cho Thầy Giêsu chí thánh ; chứng nhân của sự thật, tình thương, lòng bao dung quảng đại, sự liêm khiết tín trung, sự công bằng và trách nhiệm. Bời vì, chỉ trong tư cách “chứng nhân” mà thiên chức thầy cô mới không bị xói mòn và giữ mãi vẽ đẹp cao quý, để các thế hệ học sinh và muôn người còn “Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu”, hay như lời của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI phát biểu :

“Con người ngày hôm nay tin các chứng nhân hơn các thầy dạy. Nếu họ có tin các thầy dạy, bởi vì đó chính là các chứng nhân”