Nét sơ thảo về linh đạo doanh nhân?

Chỉ vài thập niên trước đây thôi, ở Việt Nam, nhiều người vẫn rất dị ứng với các xí nghiệp đa quốc gia nói riêng và doanh nghiệp tư nhân nói chung. Doanh nhân thường bị nhìn với cặp mắt ngờ vực, đố kị hay thù địch. Nhiều lần họ bị quy trách về tình trạng bất công, nghèo đói và lạc hậu của đất nước.

Nhưng lịch sử đã và đang sang trang. Các xí nghiệp đa quốc gia ngày càng đa diện, đa văn hoá và đóng vai trò chủ động trong phát triển kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Các doanh nhân và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ động trong công cuộc phát triển đất nước.

Nhiều nước, trong suốt bao nhiêu năm vốn là thành trì “bế quan tỏa cảng” đối với đầu tư nước ngoài, bây giờ đang trải chiếu mời các xí nghiệp đa quốc gia, với những điều kiện ưu đãi, dễ dàng và có lợi nhuận cao nhất. Khi so sánh mức sống giữa Đông và Tây Âu vào cuối thập niên 80, nhiều kinh tế gia đã đi đến kết luận: sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp đóng góp tích cực để tăng lợi nhuận cho doanh nhân và nâng cao mức sống của mọi người.

Trong chuyển hướng kinh tế này, vị thế và vai trò của các doanh nhân cũng được cải thiện: từ chỗ bị chỉ trích, kết án và loại trừ bước sang giai đoạn chính thức được nhìn nhận và tôn vinh. Chúng ta có thể nói chưa bao giờ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước như hiện nay.

Dưới đây là một số suy nghĩ chung quanh vai trò sáng tạo của doanh nhân, đôi nét sơ thảo về linh đạo doanh nhân.

1- Phá huỷ - sáng tạo

Nếu như vào đầu thập niên 50’ của thế kỷ XX, nhiều người vẫn chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, thì hiện nay chẳng ai dám phủ nhận vai trò quyết định của nó. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới xác nhận rằng “chìa khóa của phát triển trong thế giới hôm nay là việc phổ biến những tiến triển kỹ thuật. Chính kỹ thuật tân tiến cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên với năng xuất cao. Nhờ đó có thể tăng thêm thu nhập trên đầu người và cải thiện phẩm chất của cuộc sống”.

Ngay từ thập niên 30’, giáo sư Joseph Schumpeter đã đưa ra một phân biệt nền tảng giữa phát minh khoa học canh tân kỹ thuật. Theo ông, phát minh khoa học thuộc lãnh vực lý thuyết và rất có thể muôn đời vẫn tồn tại ở dạng lý thuyết đó, trong khi đó canh tân kỹ thuật là một hiện tượng kinh tế - kỹ thuật, chủ yếu áp dụng phát minh khoa học vào thực tại cuộc sống để đưa ra những phương pháp, dụng cụ, máy móc và mô hình sản xuất độc đáo. Theo định nghĩa, mỗi một canh tân kỹ thuật là một “đứt quãng - tiếp nối”: vừa tiếp nối những thành tựu trong quá khứ, vừa triệt để vượt qua những mô hình cũ để đưa ra một thay đổi quan trọng trong hệ thống kinh tế nói riêng và đời sống nhân loại nói chung.

Nhờ canh tân kỹ thuật, các xí nghiệp cải tiến những sản phẩm cũ hoặc chế tạo những sản phẩm mới, tốt hơn và rẻ hơn. Tuy nhiên, tiến trình canh tân kỹ thuật này mang tính bất khả phục hồi và được bổ túc, kiện toàn với thời gian. Tuy nhiên kinh nghiệm cũng cho thấy đây không phải luôn là một tiến trình xuôi xắn và thẳng tắp, trái lại luôn gặp những bất trắc. Có những trường hợp bị thất bại, phá sản và trắng tay.

Khác với giám đốc các doanh nghiệp quốc doanh, người quản lý doanh nghiệp tư nhân phải sáng tạo trong việc tổ chức sản xuất, đề xuất những ý tưởng độc đáo, đưa ra những sản phẩm hay những mô hình sản xuất mới. Chính các nhà quản lý này phải lấy quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm trước thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Mọi người đều biết rõ, bên cạnh những doanh nghiệp thành công, có rất nhiều doanh nhân đã phải trắng tay và phải làm lại cuộc đời nhiều lần. Nhưng từ đống tro tàn của những thất bại hoặc đổ vỡ, sẽ nảy sinh một canh tân độc đáo khác.

Theo Schumpeter, “mỗi một canh tân kỹ thuật khởi đi từ những điều kiện khác hẳn và trong một mức độ nào đó, nó là tác phẩm của những con người mới. Nhiều hy vọng và giá trị cũ hoàn toàn bị phá huỷ để nhường chỗ cho những cái mới”. Ông diễn tả hiện tượng này bằng một diễn ngữ có vẻ nghịch lý : “Phá huỷ sáng tạo”, hủy bỏ cái cũ để khai mở một con đường mới hữu hiệu và tối tân hơn. Thị trường cũng đầy dẫy cạm bẫy và rủi ro như chiến trường. Nếu muốn tránh thảm họa phá sản, tất cả các xí nghiệp phải chấp nhận quy luật cạnh tranh. Canh tân kỹ thuật là một trong những lợi khí để bảo đảm sự thành công trong cuộc chạy đua liên tục này. Chính trong quá trình chạy đua canh tân kỹ thuật này chúng ta gặp thấy tính năng động và sáng tạo độc đáo của tư bản chủ nghĩa.

Suốt dọc lịch sử nhân loại, nhiều cuộc canh tân kỹ thuật đã thay đổi triệt để hệ thống sản xuất, mô hình phát triển và bộ mặt của trái đất. Điển hình nhất là ba cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra trong mấy thế kỷ vừa qua. Chính những cuộc cách mạng này đã giúp nhân loại khám phá những nguồn năng lượng mới, sáng chế máy móc thiết bị tối tân, cũng như tối tân hoá mô hình sản xuất để nâng cao năng xuất lao động của con người, tiết kiệm nguyên liệu thiên nhiên, tăng phẩm chất và giảm giá thành.

Trên bình diện quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế hiện đại, thị trường tự do được coi là cơ cấu hữu hiệu nhất để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, giải quyết một cách nhanh chóng mối tương quan căng thẳng giữa cung - cầu, đồng thời là một yếu tố tích cực để thúc đẩy sáng tạo và tăng hiệu năng kinh tế. Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (PNUD) nhìn nhận vai trò chủ đạo của thị trường trong phát triển kinh tế ở thời đại chúng ta.

Khi đề cao tự do cá nhân, phái tự do kinh tế đã đặt nổi một nguyên tắc căn bản trong phát triển kinh tế: tính năng động và óc sáng tạo trong sinh hoạt kinh tế. Kinh nghiệm lịch sử gần đây cho thấy rõ những giới hạn, khuyết điểm và sai lầm của kinh tế bao cấp, cũng như tính không tưởng và thiếu hiệu năng của nhiều chương trình an sinh xã hội. Quan niệm giáo điều về lý tưởng bình đẳng tuyệt đối nhiều lần đã dẫn đến tình trạng “bình quân trong lầm than” và chủ trương duy ý chí về nhảy vọt kinh tế kết cục chỉ là những bước tụt hậu thê thảm.

Nếu trong một số trường hợp đặc biệt, việc can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh tế được coi là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh phát triển và đảm bảo quân bình xã hội, chế độ bao cấp không những không thành công trong việc phát triển đất nước, mà còn gây nên những hậu quả kinh tế - xã hội nguy hại như tình trạng thiếu hụt thường xuyên về lương thực và hàng hóa, lề lối làm việc bê bối, thiếu hiệu năng, thái độ tắc trách, phung phí nguyên liệu thiên nhiên, thâm thụng công quỹ, nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ...

Đã hẳn, cũng như những hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế khác, kinh tế thị trường chẳng hoàn hảo và lý tưởng gì. Tuy nhiên, thị trường đã đóng một vai trò quan trọng trong việc canh tân và phát triển kỹ thuật. Giáo sư Joseph Schumpeter đặt nổi mối tương quan giao thoa giữa thị trường tự do và canh tân kỹ thuật. Chính cái lô-gích của thị trường bó buộc các xí nghiệp phải không ngừng đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao phẩm chất và giảm giá thành của mỗi sản phẩm, ngõ hầu có thể đối phó với sự cạnh tranh gắt gao của thị trường và đương đầu với áp lực đòi tăng lương. Trên thực tế, các xí nghiệp luôn tìm cách đưa ra những món hàng mới, tốt, đẹp và rẻ hơn, hoặc cải tiến phẩm chất và giảm giá thành những món hàng cũ.



Khi một xí nghiệp thực hiện tốt canh tân kỹ thuật sẽ chiếm ưu thế trên thị trường và có thể đẩy các xí nghiệp đối thủ đến nguy cơ phá sản. Các xí nghiệp sau cùng này, nếu không muốn bị phá sản dĩ nhiên phải canh tân kỹ thuật và thay đổi phương pháp sản xuất. Chính trong qúa trình chạy đua cạnh tranh liên lỷ này biểu lộ tính năng động, sáng tạo và đổi mới kỹ thuật của tư bản chủ nghĩa.

Cạnh tranh thị trường cũng bó buộc các xí nghiệp biết xử dụng hữu hiệu, hợp lý và đúng đắn nguyên liệu thiên nhiên ngõ hầu giảm giá thành của mỗi sản phẩm và tăng lợi nhuận tới mức tối đa. Một trong những hậu qủa của cuộc chạy đua này là hiện tượng hạ giá thành và quần chúng hóa các sản phẩm công nghệ. Dĩ nhiên, sự thành công sẽ trực tiếp đem lại lợi nhuận, giàu sang và vinh dự cho các doanh nhân. Nhưng nó cũng gián tiếp phục vụ xã hội qua việc xã-hội-hóa lợi nhuận và quần-chúng-hoá nhiều tiện nghi. Thật vậy, nhiều sản phẩm công nghệ như xe hơi, máy lạnh, máy giặt, máy truyền hình, video, vi tính, v.v… lúc đầu thuộc loại sản phẩm đắt tiền, dành cho lớp người giàu có, nhưng nay đã trở thành sản phẩm phục vụ đại chúng.

Chính ở nơi đây chúng ta gặp thấy năng động sáng tạo của kinh tế thị trường và sự đóng góp tích cực của các doanh nhân cho đất nước, cho đồng bào. Chắc chắn sinh hoạt kinh tế sẽ khởi sắc, sinh động và phồn thịnh hơn nếu để cho người dân được tự do làm ăn, các nhân tố sản xuất được sử dụng đúng đắn hơn và các doanh nhân có cơ hội để thi thố tài năng.

2- Thách đố của tương lai

Dù chấp nhận hay chống đối, toàn cầu hoá đã là một hiện tượng. Với tiến trình toàn cầu hoá, nhân loại đang tiến sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi nền văn minh trí tuệ hay kinh tế tri thức. Chất xám được coi là tấm hộ chiếu của thế kỷ 21 này. Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, thiết bị máy móc, vốn và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm ngày càng giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng trí tuệ sẽ gia tăng. Sự thành công trong xã hội tương lai phụ thuộc rất nhiều ở nguồn nhân lực sáng tạo, yếu tố quản trị, khả năng nắm bắt cái mới, quyết định lựa chọn đúng đắn và triển khai cụ thể cho từng lãnh vực phát triển.



Ngân hàng Thế giới cũng công nhận “kiến thức là nhân tố chủ động trong công cuộc phát triển cũng như trong mọi lãnh vực: thiếu nó chúng ta sẽ không thể làm được gì. Nói một cách giản dị, để sinh sống chúng ta phải biến đổi tài nguyên sẵn có thành những đồ vật mà chúng ta cần, và để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày mai hơn ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn nâng cao mức sống của riêng mình, cũng như của gia đình hay quốc gia - tình trạng sức khỏe khả quan hơn, con cái có một nền giáo dục tốt hơn và môi sinh được bảo vệ tốt hơn - chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc biến đổi nhiều tài nguyên hơn nữa, bởi vì tài nguyên thiên nhiên luôn thiếu hụt. Chúng ta phải sử dụng chúng làm sao để lao động và đầu tư của chúng ta mỗi ngày tăng năng xuất”.

Suốt hai mươi năm vừa qua, Việt Nam đã chập chững bước vào con đường đổi mới để hoà nhập với dòng chảy chung của nhân loại: thiết lập bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, trở nên thành viên của ASEAN, tham gia APEC và đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Mậu dịch thế giới. Điều kiện và môi trường mới nẩy sinh một số thách đố có tính toàn cầu và mang dấu ấn của khoa học kỹ thuật. Chính ở nơi đây, đất nước cần đến những doanh nhân tài ba, năng động, sáng tạo, có đủ nghị lực và dũng khí để đương đầu với những thách đố của thời đại.

Nhờ đổi mới kinh tế và chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài, đất nước chúng ta đang đi lên. Trong thập niên vừa qua, nhiều người giàu lên nhờ đầu tư vào công nghiệp, thuỷ sản, nông nghiệp... Cuộc sống của người dân nói chung dễ chịu hơn. Hàng hoá bày bán khắp nơi và xe máy tràn ngập đường phố. Xe đạp và nhất là xe xích lô trở nên hiếm hoi ở Tp. HCM và Hà Nội, trong khi đó xe hơi hiệu Nhật, châu Âu, Hoa kỳ và Đại Hàn ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, hố phân cách giàu nghèo cũng tăng cao và tăng nhanh chưa từng thấy. Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay tại Hà N?i m?c chênh l?ch giàu nghèo là kh?ng khi?p nhất. Chính ông đã đưa ra một dẫn chứng điển hình: “Ch? nhà tù H?a Lò cu, nĩ có m?t nhà tr? qu?c t?, giá là 2.800 dô la m?t tháng. Qúa 16h30 mà anh không nh?n tr? thì họ gi? l?y cho anh, nhung m?i gi? họ đòi anh thêm 4 đô la. Có m?t cô ngu?i nu?c ngoài tu?ng r?ng giá cao th? ch?c không d?n lu?t ngu?i Vi?t Nam nên cô ?y d?n ch?m m?t chút. Cô ?y g?p tôi b?o rằng có 20 ch? thì ngu?i Vi?t Nam lấy h?t r?i, không còn ch? cho con cô n?a, l?i ph?i di ki?m nhà tr? khác. Th? t?c là 2.800 đô la không là cái gì. Các anh ch? c? xem mà xem, có r?t nhi?u ngu?i di khám b?nh ? Singapore, di nghỉ, di ch?a b?nh luôn xoành xo?ch, r?i giám d?c di Macao đánh b?c luôn xoành xo?ch. Th? h?i các co quan xu?t nh?p c?nh báo cáo xem nào, nh?ng ai di nhi?u, di đâu lúc này chúng ta sẽ biết”.

Nhìn chung, thu nhập của người Việt Nam còn quá thấp và nền kinh tế của chúng ta chủ yếu vẫn dựa trên lao động rẻ tiền như một trong những lợi thế cạnh tranh. Trong giai đoạn tới, chắc chắn Việt Nam không thể chỉ bằng lòng với việc thuần tuý xuất khẩu nguyên liệu thiên nhiên, những sản phẩm công nghệ thô sơ hay mô hình kinh tế “thâm dụng lao động”, mà phải chuyển dần sang kinh tế “thâm dụng vốn” và “thâm dụng kỹ thuật”. Chắc chắn Đất nước sẽ cần đến một lớp doanh nhấn mới có trình độ cao và tầm nhìn rộng hơn.

Nhiều báo cáo kinh tế cho thấy nếu muốn thành công trên thị trường quốc tế ở giai đoạn toàn cầu hoá này, các doanh nhân phải có khả năng cho thêm “giá trị trí tuệ và sáng tạo” vào mỗi sản phẩm. Ngay cả những sản phẩm bình thường, cũng cần được sản xuất bởi một qui trình kỹ thuật cao, ngõ hầu nâng cao chất lượng và giảm thiểu giá thành. Ngành công nghệ có tương lai và có lợi nhuận cao phải chăng là ngành công nghệ khai thác nhanh và tốt kỹ thuật tiên tiến?

Trong nền kinh tế tri thức và kinh tế số của thời đại chúng ta, phá huỷ sáng tạo trở thành chuyện đương nhiên và tốc độ biến đổi ngày càng nhanh hơn. Doanh nhân chiến thắng trong tương lai phải là người có tầm nhìn chiến lược và có khả năng từ bỏ những đỉnh cao mà mình vừa đạt tới để vươn lên những đỉnh cao mới. Nói tóm lại, điều kiện cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi công nghệ, cải tiến quá trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ, thay đổi những sản phẩm cũ hay đưa ra những sản phẩm mới.

3- Quan điểm của Giáo hội Công giáo

Hiến chế Gaudium et Spes của công đồng Vatican II và các thông điệp xã hội của Giáo hội trong 40 năm vừa qua đã giới thiệu Giáo huấn xã hội Công giáo như một tiến trình mở : vừa tiếp nối truyền thống xa xưa, vừa thường xuyên bổ sung những giải thích mới, nhằm triển khai và áp dụng giáo lý ngàn xưa vào hoàn cảnh mới mẻ của thế giới hiện nay. Cho đến nay, Giáo hội vẫn tiếp tục lên án chủ nghĩa duy kinh tế và chủ nghĩa tiêu thụ. Tuy nhiên, Giáo hội đã có những cái nhìn và cách thức đánh giá mới về thị trường, về lợi nhuận và đặc biệt về vai trò của doanh nghiệp cũng như doanh nhân trong công cuộc phát triển.

Trong chiều hướng “ôn cố tri tân” đó, đức Gioan Phaolô II giải thích lại một số vấn đề kinh tế. Thị trường tự do được coi là cơ cấu hữu hiệu nhất để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, giải quyết một cách nhanh chóng mối tương quan căng thẳng giữa cung - cầu, đồng thời là một yếu tố tích cực để thúc đẩy sáng tạo và tăng hiệu năng kinh tế. Thông điệp “Bách chu niên” công khai nhìn nhận rằng “xem ra trên bình diện quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế, thị trường tự do là phương tiện thích đáng nhất để sử dụng các tài nguyên và đáp ứng hữu hiệu cho các nhu cầu của cuộc sống” ( CA. Số 34).

Nhưng giáo huấn xã hội Công giáo không bao giờ coi thị trường tự do như thuốc thần trị bách bệnh. Chúng ta chẳng bao giờ giải quyết nổi những vấn đề phức tạp của xã hội hiện nay nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn thị trường, càng không thể đo lường mọi giá trị của cuộc sống bằng giá cả của thị trường. Giá trị của cuộc sống, danh dự của người lao động, nhân phẩm của mọi người, quyền lợi chính trị của người công dân, tình mẫu tử, tình vợ chồng, tình bạn, lòng bao dung, đức hy sinh, chẳng hạn, đâu có thể đo đếm bằng giá cả thị trường. Cái khuynh hướng cố hữu của thị trường là thường đãi ngộ quá đáng những siêu sao điện ảnh và thể thao, trong khi đó lại bỏ quên những người đóng góp tích cực cho xã hội như các nhà bác học, nghiên cứu viên, bác sỹ, y tá, kỹ sư, nhà giáo, công nhân, nông dân, các bà mẹ. ..

Hơn thế nữa, “có những nhu cầu tập thể và tâm linh không thể được thỏa mãn do cơ chế của thị trường; có những nhu cầu quan trọng của con người vượt ra khỏi chiều kích của thị trường; có những tài sản, do bản chất của nó, không thể bán hoặc mua được. Chắc chắc cơ chế thị trường đem lại nhiều lợi ích, trong đó phải nói đến việc nó giúp xử dụng đúng đắn hơn nguồn lợi thiên nhiên, cổ võ việc trao đổi sản phẩm và nhất là quan tâm đến ý muốn và ưa thích của con người… Tuy nhiên luôn hàm chứa nguy cơ biến thị trường thành “thuốc thần trị bách bệnh”, tức không ý thức rằng có những tài sản, tự bản chất không phải là và không thể là những hàng hóa đơn thuần” (CA. số 40).

Vấn đề lợi nhuận cũng được tái nghiên cứu và thẩm định giá trị. Chúng ta biết rằng ngày xưa, ở thời kỳ nông nghiệp, các nhà luân lý thường gay gắt lên án lợi nhuận và cấm mọi hình thức cho vay để lấy lãi. Trong giai đoạn “tăng trưởng zero” đó, lợi nhuận của người này thường được coi là kết quả của việc bót lột hay trấn lột của người khác. Tuy nhiên, lịch sử đã và đang sang trang. Chúng ta đang ở vào giai đoạn năng động và tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, Giáo hội đã có những cái nhìn và lối đánh giá khác về lợi nhuận.

Theo thông điệp Bách Chu niên, “Giáo hội nhìn nhận vai trò chính đáng của lợi nhuận như một dấu hiệu cho thấy hoạt động tốt của một doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có lợi nhuận có nghĩa là các yếu tố sản xuất đã được sử dụng thích đáng và các nhu cầu tương ứng của con người đã được thoả mãn đúng đắn”. Nhưng thông điệp cẩn thận nhắc nhở thêm rằng: “Lợi nhuận không phải là tiêu chí duy nhất về tình trạng của doanh nghiệp. Rất có thể sổ sách kế toán đàng hoàng, nhưng con người, nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp, lại bị hạ thấp và bị xúc phạm phẩm giá”. Từ viễn tượng Kitô giáo, “mục đích của doanh nghiệp không phải chỉ để sản xuất lợi nhuận, mà trái lại sự hiện hữu của chính doanh nghiệp như cộng đoàn con người, dưới nhiều dạng thức khác nhau, tìm cách thoả mãn những nhu cầu căn bản của mình và kết tạo thành một nhóm chuyên biệt để phục vụ toàn thể xã hội”. Nói cách khác, “lợi nhuận là một yếu tố điều hoà trong đời sống của doanh nghiệp, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Cần phải quan tâm đến những yếu tố nhân bản và đạo đức khác, mà trong dài hạn cũng quan trọng tương đương cho đời sống của doanh nghiệp” (CA., 35).



Nếu giáo huấn xã hội của Giáo hội vẫn tiếp tục chỉ trích chủ nghĩa tư bản cực đoan, thì lại đặc biệt đề cao vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong thời đại chúng ta. Như một dẫn chứng điển hình, xin trích dẫn bản văn sau đây: “Chính khả năng nhận diện đúng lúc những nhu cầu của người khác và toàn bộ những yếu tố sản xuất thích hợp nhất để thoả mãn những nhu cầu ấy, tạo thành một nguồn quan trọng khách cho sự giàu có trong xã hội ngày nay. Hơn nữa, có nhiều thứ của cải không thể sản xuất được một cách thích đáng bằng công sức của một cá nhân đơn độc, mà đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người trong cùng một mục tiêu. Tổ chức một nỗ lực sản xuất như thế, lên chương trình về thời gian cho nó, lưu tâm để nó đáp ứng các nhu cầu cần được thoả mãn và chấp nhận những mạo hiểm cần thiết, tất cả những cái đó cũng tạo nên một nguồn mang lại giàu có trong xã hội hôm nay”.

Trong việc thẩm định giá trị của doanh nghiệp và doanh nhân, thông điệp đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo, khả năng quản trị, tinh thần lao động tập thể và có kỷ luật... Nói rõ hơn, vốn con người hay tư bản nhân văn được đặc biệt đề cao. “Thật vậy, cùng với trái đất, tài nguyên chính của con người là chính con người. Trí thông minh của con người làm cho họ khám phá được những tiềm năng sản xuất của trái đất cũng như nhiều cách thức nhờ đó các nhu cầu của con người có thể được thoả mãn. Chính lao động có kỷ luật, trong sự cộng tác chặt chẽ với người khác, đã giúp tạo nên những cộng đồng lao động luôn mở rộng. .. Tiến trình này đòi hỏi những đức tính quan trọng như chăm chỉ, cần cù, khôn ngoan trong khi đảm nhận những quyết định liều lĩnh thích ứng, đáng tin cậy và trung tín trong các quan hệ giữa người với người, can đảm trong việc thực hiện các quyết định khó khăn và đau đớn, nhưng cần thiết cho công việc chung của doanh nghiệp và để đương đầu với những rủi ro có thể xảy ra”(CA. số 32).

Nói một cách rõ hơn, lợi nhuận tự nó không phải là xấu. Nhưng chủ trương lợi luận vì lợi nhuân hay phát triển vì phát triển, mà lãng quên hay đánh mất con người, lại là chuyện khác. Cũng thế, “ước muốn sống khá hơn, tiện nghi hơn chẳng có gì là xấu. Tuy nhiên, phải coi là lạc hướng lối sống cho là tốt hơn khi nhằm tích luỹ “cái có” chứ không hướng tới “cái là”, và khi người ta muốn “có nhiều hơn” không phải để “là người nhiều hơn”, mà để tiêu thụ và hưởng thụ nhiều hơn” (CA. 36).

4- Tiến tới linh đạo cho doanh nhân?

Đất nước chúng ta chưa có một truyền thống kinh doanh lâu dài và đặc sắc. Bạch Thái Bưởi chỉ là một con chim én đơn độc trên bầu trời Việt Nam ngày xưa. Tình trạng của các doanh nhân Công giáo càng hiếm hoi và èo ọt hơn.

Từ hơn một thập niên nay hoàn cảnh đã thay đổi và hiện tại Giáo phận Thành phố HCM đã hình thành nhóm “Doanh nhân Công giáo”. Tuy nhiên, thương trường thời mở cửa vẫn đầy dẫy rủi ro: thuế, hải quan, luật doanh nghiệp, đất đai, giao thông, di dời giải toả, luật lệ chồng chéo. .. Theo kết quả cuộc điều tra ở 145 nước, công bố vào tháng 9 năm 2004, của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam bị xếp vào nhóm những nước có môi trường kinh doanh kém thuận lợi nhất thế giới.

Rất mừng là đã có một số tín hiệu tích cực : 4 năm sau khi ban hành Luật doanh nghiệp đã có 75.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời. Có những người từ nước ngoài về đầu tư trong nước, có những người khác từ trong nước mạo hiểm đi tìm thị trường ở những nơi xa xôi như Nam Phi hay Mỹ châu Latinh. Các doanh nhân Việt Nam đang âm thầm đưa đất nước đi lên, bất chấp sự kiện vừa phải gánh chịu “vòng kim cô” nghiệt ngã trong nước, vừa phải đương đầu với sự cạnh tranh ác liệt trên thị trường quốc tế. Nếu được sự yểm trợ tích cực và hữu hiệu của Nhà Nước, như Singapore, Đài Loan và Hàn quốc trước đây đã dành cho các doanh nghiệp của họ, chắc chắn con đường của doanh nhân Việt Nam sẽ thênh thang và tươi sáng hơn.

Đối riêng với các doanh nhân Công giáo, khi chúng ta nhất quyết đọan tuyệt với lề lối làm ăn tất trách, mánh lới rút ruột các công trình xây dựng, hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, tệ nạn đút lót, cửa hâụ. .. để khai mở một thế hệ doanh nhân nhiều sáng tạo, đầy năng động, có khả năng quản trị và tinh thần trách nhiệm cao, phải chăng là một hình thức phá đổ sáng tạo? Khi một doanh nhân nhờ tri thức, tài quản trị, óc tổ chức, tinh thần làm việc hăng say đã giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và năng lượng trong mỗi sản phẩm, phải chăng cũng là một phá hủy sáng tạo?

Khi một doanh nhân nâng cao chất lựợng hay hạ giá thành một sản phẩm hoặc dịch vụ, dĩ nhiên sẽ có lợi thế trên thị trường và sẽ tăng cao lợi nhuận. Sự thành công này sẽ làm giàu cho bản thân, nhưng phải chăng cũng làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, lợi nhuận và cơ hội phát triển cho nhiều người khác? Từ niềm tin Kitô giáo, phải chăng đó cũng là một hành động bác ái gián tiếp?

Ở giai đoạn toàn cầu hoá hôm nay cũng như ở thời kỳ tiền công nghiệp ngày xưa, luôn luôn vẫn còn những cảnh đời bất hạnh, những cảnh động đất, cháy nhà, thiên tại, sóng thần, lụt lội. .. cần đến hành động bác ái trực tiếp của chúng ta. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự cố bất thường. Trong tiến trình bình thường và dài hạn, có lẽ doanh nhân Công giáo nên cố gắng suy nghĩ và đầu tư nhiều hơn cho những hình thức bác ái gián tiếp nói trên. Nếu không tái định hướng nền giáo dục, không đào tạo được những công nhân lành nghề, không tăng số các xí nghiệp tân tiến, không tạo thêm công ăn việc làm, không sáng tạo nhiều “thương hiệu” uy tín, không gia tăng “đầu ra” cho sản phẩm Việt Nam. .. thì dù có cho tiền, người nghèo lại hoàn nghèo và đất nước vẫn lạc hậu.

Theo chiều hướng của Công đồng Vatican II, mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế phải được coi là môi trường riêng biệt, nơi người giáo dân thực hiện sứ mệnh làm người và lý tưởng kitô hữu của mình. Đây chính là môi trường Thiên Chúa gọi họ sống lý tưởng Tin Mừng, bằng chính cuộc sống chứng tá, nhằm biến đổi cuộc đời từ bên trong, theo lý tưởng men trong bột. Họ phải sống giữa trần gian và dấn thân vào tất cả mọi sinh hoạt trần thế với ý hướng biến đổi và thánh hoá môi trường sống đó từ bên trong. Nói cách khác, “giáo dân được đặc biệt mời gọi giúp Giáo hội hiện diện và hoạt động trong tất cả những nơi và tất cả hoàn cảnh mà Giáo hội chỉ có thể trở thành muối trần gian nhờ sự trung gian của giáo dân”.

Môi trường văn hoá, kinh tế, chính trị, là lãnh vực riêng của giáo dân. Người giáo dân cần cố gắng làm sao để ánh sáng Tin Mừng thấm nhập thực tại trần thế này. Khi dấn thân vào các lãnh vực này, giáo dân không nên trông chờ nơi các chủ chăn “một giải pháp cụ thể và tức thời cho mọi vấn đề. .. Tốt hơn, chính giáo dân tự đảm nhận trách nhiệm của mình, dưới ánh sáng của đức khôn ngoan Kitô giáo và trong niềm trung thành với giáo huấn của Giáo hội”(GS. số 33).

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về “ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và giữa trần thế ”(1987) tiếp tục khai triển “tính cách trần thế của người giáo dân”, không những dưới khía cạnh xã hội, mà còn theo quan điểm thần học và chiều kích cứu độ. Thật vậy, “ơn gọi nên thánh đòi hỏi cuộc sống theo Thánh linh phải được thể hiện một cách đặc biệt trong hành động hội nhập của người giáo dân vào thực tại trần thế”. Nói rõ hơn, “giáo dân phải tự thánh hóa trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Để đáp ứng ơn gọi của mình, người giáo dân phải xem đời sống thường nhật như một cơ hội kết hiệp với Chúa và thực hiện ý muốn của Ngài, như một cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ tới hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô”.

Tông thư Giáo hội tại châu Á cũng công khai nhấn mạnh đến sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội hôm nay. Trong “Sứ điệp” gởi cộng đòan Dân Chúa, các giám mục Á châu khẳng định: “Giáo dân có một vai trò quan trọng trong Giáo hội ở ngàn năm thứ ba. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Chúa Thánh Linh đang chuẩn bị để giáo dân giữ một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong Ngàn năm thứ ba, Ngàn năm có thể được gọi là kỷ nguyên của giáo dân. Trong số các dấu hiệu ấy, người ta ghi nhận sự dấn thân của giáo dân trong công cuộc truyền giáo, việc tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội và tích cực hăng hái tham dự các cộng đòan Kitô hữu nền tảng”. Dĩ nhiên, “để giáo dân có khả năng họat động biến đổi các cơ cấu xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế trong thế giới hôm nay”, hàng Giáo phẩm có trách nhiệm “truyền thông cho họ một kiến thức đầy đủ về giáo huấn xã hội Công giáo và giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề luân lý đạo đức”.



Trong viễn tượng đó, phải chăng sống linh đạo doanh nhân là đi theo con đường thánh Matthêu Gẫm, cố gắng xây dựng một thế hệ doanh nhân có khả năng, có tấm lòng và đầy nhiệt huyết: Nhiều nội lực, nhiều sáng tạo, nhiều tài trí, đạt hiệu năng, nhưng cũng chân thành và liên đới hơn.

Trong bối cảnh một nền kinh tế “tranh tối tranh sáng”, đầy dẫy tiêu cực và phân hoá giàu nghèo như ở Việt Nam hiện nay, thiết tưởng hiệu năng và liên đới phải trở thành dấu ấn của doanh nhân Công giáo. Đặc biệt trong năm Thánh Thể này, tất cả những ai hiệp thông với Hy Tế của Đức Kitô đều được mời gọi chia sẻ với nhau bánh từ ruộng đất và bánh của tình thương, như các chi thể của cùng một thân xác. Khi tưởng niệm những gì Đức Kitô đã làm cho chúng ta qua hy tế thập giá, tất cả chúng ta được mời gọi bước theo Ngài để dấn thân xây dựng một thế giới phát triển, đạo đức, công bằng và nhân ái hơn.

Thông điệp “Bí tích Thánh Thể” đặt chúng ta trước những trách nhiệm cụ thể: “Những thách đố đang bao phủ chân trời của chúng ta thật là nhiều. Chỉ cần nghĩ đến nhu cầu cấp bách phải kiến tạo hoà bình, thiết lập mối tương giao giữa người với người, dựa trên nền tảng vững chắc của công lý và liên đới, việc bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết một cách tự nhiên. Và chúng ta sẽ phải nói gì về vô vàn mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hoá”, trong đó những người yếu ớt nhất, không có quyền lực và nghèo nhất dường như không còn chút hy vọng nào! Chính trong thế giới ấy, niềm hy vọng của các Kitô hữu phải toả sáng! Cũng vì lý do đó, Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể để làm cho sự hiện diện của Ngài trong bữa ăn và trong hy tế trở thành lời hứa đổi mới nhân loại bằng tình yêu của Ngài”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng ước mong nỗ lực sống mầu nhiệm Thánh Thể của mỗi Kitô hữu là ánh sáng chiếu soi cho thế giới hôm nay còn nhiều bóng tối. Đặc biệt, ước mong sao lòng mến yêu Thánh Thể làm cho Giáo hội Việt Nam được toả sáng để nhiều người khám phá ra khuôn mặt khả ái của Đức Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại.