ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊDICTÔ XVI THĂM TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ-BIRKENAU



Trong chuyến tông du mục vụ tại Ba Lan trong 4 ngày vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã đến cầu nguyện tại trại giam Đức Quốc Xã Auschwitz-Birkenau. Chính ngài đã yêu cầu ghi vào lịch trình tông du của ngài chuyến đi cầu nguyện này.

Quân Phát Xít Đức đã tiến chiếm Ba Lan vào ngày 1.9.1939. 17 ngày sau, quân đội Liên Xô cũng tiến vào Ba Lan, chia Ba Lan thành hai miền riêng biệt, một do Đức chiếm đóng và một do Liên Xô chiếm đóng. Sau khi tiến chiếm Ba Lan, quân Phát Xít Đức đã lập tức thiết lập những Trại Tập Trung trong những vùng do họ kiểm soát. Trại Tập Trung Auschwitz bắt đầu hoạt động ngày 14.6.1940 và mãi cho đến ngày 27.1.1945 mới kết thúc.

Khi đến trước cổng trại, Đức Giáo Hoàng đã xuống xe đi bộ để tưởng nhớ những kinh hoàng của cuộc diệt chủng mà Đức Quốc Xã đã thực hiện trong Thế Chiến II nhằm vào người Do Thái. Trong khi đi bộ, ĐTC thinh lặng cầu nguyện cho các nạn nhân ở trại này. Tại đây ngài đã cử hành buổi cầu nguyện đại kết, trong đó một người Do Thái hát kinh, còn Đức Giáo Hoàng đọc lời nguyện cho hòa bình bằng tiếng Đức. Sau đó, ngài gặp gỡ một nhóm người còn sống sót của trại giam này, dừng lại trước Bức Tường Tử Thần, nơi nhiều ngàn người đã bị xử tử. Đức Giáo Hoàng cũng đến thăm phòng giam của Thánh Maximilian Kolbe, một linh mục Ba Lan đã tự nguyện chịu tử hình thay cho một bạn tù khi người tù đó bị ép buộc rút thăm và trúng thăm để bị xử tử. Linh mục Kolbe đã được ĐTC Gioan Phaolô II phong thánh.

ĐGH Bênêđictô đã nói tại Auschwitz, “Tại nơi ghê rợn, kinh hoàng này, tại nơi mà các tội ác giết hại tập thể vô tiền khoáng hậu phạm đến Thiên Chúa và con người, hầu như không thể phát biểu được điều gì. Và đặc biệt càng đau khổ và khó nói hơn đối với một Kitô hữu, đối vói một giáo hoàng từ nước Đức. Tại một nơi chốn như thế này, mọi lời nói hoàn toàn thất bại; sau hết chỉ có thể thinh lặng đến khiếp sợ mà thôi. Một sự thinh lặng mà chính nó là tiếng kêu la thống thiết lên Thiên Chúa: Lạy Chúa, tại sao Chúa yên lặng? Sao Chúa lại có thể dung thứ những tội ác tày trời này?

Vậy thì, trong thinh lặng, chúng ta kính cẩn cúi đầu trước hàng dài vô tận những người đã chịu đau khổ và đã bị xử tử tại nơi đây; tuy nhiên sự thinh lặng của chúng ta nay trở thành lời cầu xin ơn tha thứ và hòa giải, cầu xin cùng Thiên Chúa hằng sống đừng bao giờ để sự việc này xảy ra lần nữa"

Cách nay 27 năm, vào ngày 7-6-1979, ĐGH Gioan Phaolô II đã đứng tại nơi này. Ngài nói: “Tôi đến đây hôm nay như một khách hành hương. Như mọi người đều biết, tôi đã từng đến đây nhiều lần rồi. Rất nhiều lần! Và nhiều lần tôi đã xuống tận phòng giam của LM tử tội Maximilian Kolbe, đã dừng lại trước bức tường tử thần, và đã đi giữa đám gạch vụn đổ nát của hỏa lò Birkenau. Tôi không thể không đến đây trong cương vị giáo hoàng.

ĐGH Gioan Phaolô đã đến đây như một người con của dân tộc ấy, một dân tộc đã cùng chung với dân Do Thái, chịu hầu hết đau khổ tại nơi này và, nói chung, trong suốt cuộc chiến. ĐGH nhắc chúng ta nhớ “Sáu triệu người Ba Lan đã chết trong Thế Chiến thứ 2: một phần năm của dân tộc”.

Cũng tại nơi đây, Đức Gioan Phaolô đã long trọng kêu gọi tôn trọng nhân quyền và quyền của các quốc gia, như các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, đã làm, và ngài đã nói thêm như sau: “ Kẻ nói những lời này là người con của một dân tộc, mà trong lịch sử, dân tộc ấy đã chịu quá nhiều đau khổ vì kẻ khác. Người đó nói lên điều này, không phải để tố cáo, nhưng để nhớ lại. Người đó nói lên nhân danh tất cả những dân tộc mà nhân quyền của họ đang bị xâm phạm và bị coi thường…”

ĐGH Gioan Phaolô II đã đến đây như một người con của dân tộc Ba Lan. Tôi đến đây như một người của dân tộc Đức. Chính vì lý do này, tôi có thể và phải lặp lại những lời nói của ngài:

Tôi không thể nào không đến đây. Tôi phải đến. Đây là một bổn phận trước sự thật và sự công chính rất xứng đáng cho tất cả những ai đã chịu đau khổ ở đây, một bổn phận trước mặt Thiên Chúa, đối với tôi đến đây với tư cách là người kế vị Đức Gioan Phaolô II và là người con của dân tộc Đức – một người con của một dân tộc mà một nhóm tội phạm đã nổi lên cầm quyền cai trị bằng những lời hứa giả dối là sẽ trở nên vĩ đại, xuất chúng, thịnh vượng trong tương lai và sẽ lấy lại danh dự dân tộc, nhưng bằng khủng bố và đe dọa, với hậu quả là dân tộc chúng tôi đã bị lạm dụng như một khí cụ để thỏa mãn khát vọng tiêu diệt và phục vụ quyền bính của họ
.”

Nghe những lời thống thiết trên, chúng ta có cảm tưởng ĐGH Bênêđictô XVI vừa nói về Phát xít Đức mà cũng như nói về Cộng sản quốc tế, và đặc biệt như đang nói về tập đoàn Cộng sản Việt Nam... khiến chúng ta hồi tưởng thời kỳ năm 1945 khi mà CSVN nổi lên cướp chính quyền với chiêu bài chống thực dân Pháp và đưa ra những lời hứa hẹn hảo huyền giống như đám côn đồ Đức Quốc Xã, đồng thời cũng sử dụng biện pháp khủng bố làm cho dân lành khiếp sợ. Nay sau khi chiến thắng nhờ bạo lực và tuyên truyền chiêu bài dành quyền sống cho "vô sản", các đồng chí lãnh đạo "đảng ta" đã trở nên giàu sụ bằng vận dụng mọi thủ đoạn gian manh lừa lọc để tham nhũng và tiếp tục đàn áp người dân trong nước để bám giữ cái kho tàng đô-la Mỹ mà họ đã vơ vét trên xương máu của đồng bào. Chúng ta có xuống tận vùng quê hẻo lánh và các vùng cao nguyên nghèo nàn của dân tộc thiểu số và các trại cùi mới có thể nhìn thấy tận mắt cảnh khốn khổ cùng cực của khối đa số quần chúng mà trước đây các cán bộ cộng sản nằm vùng đã từng núp bóng nương tựa mới sống còn tới hôm nay.

Ước gì những lời tuyên bố của ĐGH Bênêđictô được thấm nhập vào tâm tư của mọi thành phần dân tộc Việt Nam chúng ta. Những trại tù cải tạo vẫn còn đó, những cuộc đấu tố dã man giết hại các đại điền chủ tại Miền Bắc, vụ Việt Cộng thảm sát dân lành vô tội một cách vô cùng dã man dịp Tết Mậu Thân tại Huế, tất cả vẫn còn khắc ghi sâu đậm trong lòng mọi người Việt Nam

Chúng ta trân trọng ghi khắc vào trong tim chúng ta tâm tình thắm thiết của Đức Giáo Hoàng về Trại Tập Trung Auschwitz sau đây: “Vâng, tôi không thể không đến đây được. Ngày 7-6-1979, tôi đã đến với tư cách là Tổng Giám Mục Munich-Freising, đi cùng với nhiều giám mục khác tháp tùng Đức Giáo Hoàng, đã nghe những lời nói của ngài và đã cùng ngài cầu nguyện. Năm 1980, tôi đã trở lại nơi kinh hoàng này với một phái đoàn các giám mục người Đức, kinh hãi trước sự độc ác của nó, nhưng rất biết ơn về sự kiện này là bên trên đám mây đen của nó đã ló dạng ngôi sao hoà giải.”

Những lời tâm huyết trên đây rất đáng cho chúng ta suy ngẫm về hoàn cảnh riêng của dân tộc VN chúng ta trong quá khứ và trong hiện tại. Và chúng ta cũng hy vọng có thể noi gương Đức Giáo Hoàng mà nhìn về tương lai đất nước mình bằng cái nhìn lạc quan hơn, xác tín hơn.