DIỄN VĂN CỦA ĐTC BÊNEDICTÔ XVI TẠI TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ-BIRKENAU



Dưới đây là diễn văn của Đức Benedicto XVI được đọc ngày 28-5-2006 tại trại tập trung Auschwitz-Birkenau, nơi thăm viếng cuối cùng trong chuyến hành trình mục vụ 4 ngày của Ngài tại Balan. (Chuyển ngữ: Bs Nguyễn Tiến Cảnh)

Thật khó có thể phát biểu ở một nơi kinh hoàng như thế này, một nơi mà tội ác giết người tập thể vô tiền khoáng hậu chống lại Thiên Chúa và con người. Cũng thiệt là khó khăn và bối rối đối với một Kitô hữu, một Giáo Hoàng là người Đức. Tại một nơi như thế này, lời nói không thể nào diễn tả hết được ý, để rồi sau cùng chỉ còn là yên lặng, một sự yên lặng ghệ rợn phát xuất tự đáy lòng kêu cứu lên Thiên Chúa mà thôi: Lạy Chúa, tại sao Chúa lại yên lặng như vậy? Làm sao Chúa lại có thể chịu đựng được những chuyện như thế này?

Yên lặng. Chúng tôi nghiêng mình trước hàng người vô tận đã chịu cực hình và chịu chết ở đây. Rồi sự yên lặng của chúng tôi trở thành lời cầu cứu xin tha thứ và hòa giải, một lời cầu cứu lên Thiên Chúa hằng sống xin đừng bao giờ để nó xẩy ra một lần nữa.

Hai mưoi bảy năm về trước, vào ngày mồng 7 tháng 6 năm 1979, Đức Gioan Phaolo II đã đứng tại nơi đây và lên tiếng: “ Hôm nay tôi đến đây như một người hành hương. Như quí vị biết, tôi đã ở đây rất nhiều lần. Rất nhiều lần. Rất nhiều lần tôi đã đi xuống tử phòng của Maximilian Kolbe, ngừng lại trước bức tường hành hình và đi giữa những điêu tàn của lò sát sinh Birkenau. Là giáo hoàng như tôi, không thể không bước chân đến đây được”

Đức Gioan Phaolo II đến đây như một con dân của một dân tộc đã cùng với dân tộc Do Thái phải chịu đau khổ nhiều nhất ở nơi này và trong suốt cuộc chiến. Ngài đã nhắc lại cho chúng ta nhớ: “ Sáu triệu ngừoi Ba Lan, một phần năm dân số, đã hy sinh trong thế chiến II.” Cũng tại nơi đây, Ngài long trọng kêu gọi phải tôn trọng Nhân Quyền và quốc gia quyền, cũng như những vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan XXIII và Phaolo VI đã làm trước ngài: “Người đã phát biểu những lời này là…con dân một nước mà, trong lịch sử, đã phải đau khổ rất nhiều vì những người khác. Ngài nói như vậy, không phải để tố cáo, nhưng là để nhớ lại. Ngài lên tiếng nhân danh những quốc gia mà quyền lợi của họ bị vi phạm và coi thường….”

Đức Gioan Phaolo II đến đây như là con dân của Ba Lan. Tôi đến đây như là con dân của nước Đức. Vì vậy, tôi có thể và phải làm vang lên dư âm lời ngài: Tôi không thể không đến đây được.

Tôi đến đây, vì bổn phận đối với sự thật và lẽ công bằng đối với tất cả những người bị cực hình / đau khổ ở đây. Tôi đến dây, vì bổn phận đối với Chúa. Đối với tôi, tôi đến đây với tư cách người nối nghiệp Đức Gioan Phaolo II và con dân nước Đức, con dân của một dân tộc mà có lúc một số tội phạm đã nhảy ra nắm quyền với những hứa hẹn xảo trá về một tương lai vĩ đại, khôi phục danh dự quốc gia, siêu việt và cường thịnh, nhưng đồng thời cũng đem đến bạo động và khủng bố, kết quả là dân tộc chúng tôi đã bị lạm dụng, chúng dùng dân tộc chúng tôi như một dụng cụ cho khát vọng phá hoại và quyền lực của chúng.

Đúng vậy, tôi không thể không đến đây được. Hôm 7 tháng 6 năm 1979, tôi đã đến đây với tư cách tổng giám mục Munich-Freising, cùng với nhiều giám mục khác, tháp tùng Đức Gioan Phaolo II, lắng nghe những lời ngài phát biểu ở đây và cùng ngài nguyện cầu. Năm 1980, tôi đã trở lại nơi này với tư cách đại diện các giám mục Đức, đã phải thất kinh vì những tội ác ghê rợn đã xẩy ra nơi đây; nhưng rất vui mừng là trên những đám mây mù đen tối ấy đã thấy xuất hiện vì sao sáng hòa giải.

Hôm nay tôi đến đây cũng vì cùng một lý do đó: Để kêu cầu ân sủng của phép hòa giải. Trước tiên xin Thiên Chúa là đấng duy nhất có thể mở lòng chúng tôi ra và thanh tẩy, rồi đến tất cả những nạn nhân nam nữ đã phải hứng chịu những cực hình, và sau cùng cầu xin ân sủng của phép hòa giải đổ tràn lên tất cả mọi người, mà trong giờ phút lịch sử hiện tại, đang phải đau khổ bằng những phương cách khác do lòng hận thù, bạo động đã đổ xuống con cháu họ.

Tại nơi này, biết bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra ! Nhưng câu hỏi bất biến là: Trong những ngày đó thì Chúa ở đâu? Tại sao Chúa lại yên lặng? Làm sao Chúa lại có thể cho phép tội ác hoành hành, tàn sát vô hạn như vậy?

Thánh vịnh than van cho nỗi khổ đau của dân Israel ở đoạn 44 như sau: “Người đã nghiền nát chúng tôi trong hang sói rừng và bao phủ chúng tôi trong tối tăm sâu thẳm….bởi vì người, chúng tôi đang bị tàn sát ngày đêm, như dê chiên bị giết tập thể. Xin tỉnh dậy! Lạy Chúa, sao Chúa cứ ngủ mãi vậy? Thức dậy và đừng xua đuổi chúng tôi mãi như thế. Tại sao Chúa cứ dấu mặt? Tại sao Chúa lại quên những khổ đau và áp bức đang đè nén chúng tôi? Chúng tôi đang bị chìm đắm trong cát bụi; thân xác chúng tôi đang bị đè bẹp xuống đất. Xin hãy đứng dậy và đến cứu chúng tôi! Xin cứu chúng tôi vì tình thương kiên quyết của ngài !”(Psalm44:19, 22-26)

Tiếng kêu thống thiết này mà dân Israel (Do Thái) đã kêu lên Chúa vì nỗi đau khổ của họ trong những lúc khốn cùng sâu thẳm cũng là tiếng kêu cầu cứu của mọi người trong mọi thời đại ( hôm qua, hôm nay và ngày mai) đang đau khổ vì yêu Chúa, yêu Sự Thật và Thiện ích. Hẳn phải có biết bao nhiêu người như vậy, ở ngay thời đại chúng ta !

Chúng ta không thể hiểu biết được kế hoạch nhiệm màu của Chúa. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy chút một và chúng ta sẽ sai lầm khi tự cho mình là quan tòa để phán xét Chúa và lịch sử. Như vậy chúng ta sẽ chẳng biện hộ được cho mình mà chỉ làm cho mình thêm thất bại. Khi moi sự đã an bài, chúng ta phải tiếp tục liên lỉ kêu cầu Chúa cách khiêm tốn: Lạy Chúa, xin hãy thức dậy! Đừng quên loài người, là loài thụ tạo Chúa đã dựng nên.

Tiếng than kêu cầu Chúa của chúng ta phải như tiếng kêu xé tâm can, tiếng kêu làm cho sự hiện diện của Chúa đang ẩn kín trong ta phải thức dậy, để quyền lực của Chúa ở trong tâm ta không bị chôn vùi tắt lịm vì tính vị kỷ, ươn hèn, dửng dưng hoặc cơ hội chủ nghĩa.

Chúng ta hãy kêu cầu lên Chúa với tất cả tấm lòng, ngay lúc này, lúc vận rủi hay lúc tai họa do con người gây nên: Cho dù họ lợi dụng danh Chúa để biện minh cho những hành vi bạo động vô nghĩa chống lại những người vô tội hay là vì hoài nghi họ chối bỏ không nhận biết Chúa và chế nhạo những người tin Chúa.

Chúng ta hãy kêu cầu lên Chúa xin Ngài cải huấn họ để họ nhận biết rằng bạo động không thể mang lại hòa bình mà trái lại chỉ gây thêm bạo động kinh hãi đổ nát tan hoang mà thôi, để rồi tất cả mọi người cuối cùng đều là kẻ chiến bại.

Chúa mà chúng ta tin là Chúa của lý trí. Lý trí này, chắc chắn không phải là loại lý trí toán học khô khan, nhưng là lý trí của tình thương và lòng thiện. Chúng ta cầu nguyện Chúa và kêu gọi con người rằng lý trí này là lý luận của tình thương, của sự nhận biết quyền năng của phép hòa giải và hòa bình, có thể vượt thắng tất cả mọi đe dọa đến từ phi lý hay do lý trí giả tạo vô thần gây nên.

Nơi chúng ta đang đứng là nơi của kỷ niệm. Dĩ vãng không chỉ đơn thuần là dĩ vãng.

Nhưng nó nói và dạy cho chúng ta biết đường nào nên đi và đường nào phải tránh. Như Đức Gioan Phaolo II nói: Tôi đã bước đi dọc theo những hàng chữ viết bằng nhiều thứ tiếng để ghi nhớ những người đã bỏ mình nơi đây: Tiếng Belarusian, tiếng Czech, tiếng Đức, Pháp, Hy Lạp, Hebrew, Crotian, Italian, Yiddish, Hungarian, Dutch, Norwegian, Polish, Russian, Romani, Romanian, Slovak, Serbian, Ukrainian, Judeo-Spanish và Anh ngữ.

Tất cả những hàng chữ đó đều nói lên nỗi khổ đau của con người. Nó cho chúng ta thấy cái vị kỷ của một chế độ đã xử dụng con người như một đồ vật, không coi con người là biểu tượng hình ảnh của Thiên Chúa.

Một vài hàng chữ đã nhắc thẳng vấn đề, như hàng chữ tiếng Hebrew nói về nhà cầm quyền Đức Quốc Xã thời đó (The third Reich) muốn tiêu giệt toàn dân Do Thái, quét sạch họ khỏi mặt địa cầu. Lời thánh vịnh: “Chúng tôi đang bị giết tập thể như một đàn cừu trong lò sát sinh” đã được ứng nghiệm một cách khủng khiếp.

Thực sự cốt lõi của vấn đề là những tên giết người không gớm tay này, khi chúng định quét sạch dân tộc Do Thái là chúng muốn giết Thiên Chúa, đấng đã gọi Abraham, nói với ông trên núi Sinai và đưa ra những nguyên tắc 10 điều răn làm kim chỉ nam cho loài người tuân giữ mà nay vẫn còn giá trị vĩnh cửu. Nhờ chính sự hiện hữu của họ mà dân tộc này đã là chứng nhân cho Chúa là đấng đã nói với loài người và đã đem chúng ta lại với Người, để rồi sau cùng chính Chúa đã chịu chết và quyền lực đã thuộc về con người, loại người mà họ nghĩ rằng nhờ sức mạnh họ có thể làm bá chủ thế giới. Tiêu giệt dân Do Thái là họ muốn giệt tận gốc rễ niềm tin Kitô giáo và thay thế bằng loại niềm tin do chính họ sáng chế ra: Niềm Tin vào luật lệ của con người, luật của kẻ có quyền.
Rồi lại có hàng chữ tiếng Ba Lan. Trước tiên chúng muốn loại bỏ những thành phần trí thức ưu tú để rồi tẩy sạch cả dân tộc Ba Lan là dân tộc vẫn có một truyền thống lịch sử tự trị và, nếu họ còn tồn tại thì sẽ giảm thiểu tối đa xuống hàng nô lệ.

Có những hàng chữ khác đã đi thẳng vào vấn đề là ngôn ngữ của người Sinti và dân La Mã. Ở đây nữa, kế hoạch của chúng là quét sạch cả một dân tộc thuộc loại du mục di động sống hết nước này qua nước nọ (Gypsi). Họ bị chối bỏ, bị loại ra khỏi thành phần có lịch sử trên thế giới mà theo lý tưởng học là thành phần được đánh giá có giá trị thực sự. Nhưng theo quan niệm này, họ bi xếp vào loại “không đáng sống”-- “lebensunwertes Leben”.

Cũng có cả hàng chữ tiếng Nga ca tụng sự hy sinh lớn lao của những quân nhân Nga đã bền bỉ chiến đấu chống lại sự khủng bố của Nazi. Nhưng những hàng chữ này lại như nhắc nhở chúng ta rằng sứ mệnh của họ đã mang hai bộ mặt thê thảm: Một đằng giải phóng con người thoát khỏi chế độ độc tài Nazi, một đàng lại phải qui phục một loại độc tài khác, loại độc tài cộng sản Stalin.

Những hàng chữ khác viết bằng nhiều loại ngôn ngữ Âu Châu, cũng nói cho chúng ta biết có đủ mọi loại người trên khắp các lục địa đã bị hành hạ nơi đây. Nó đã khích động tâm tư chúng ta rất sâu đậm khi tưởng nhớ lại các nạn nhân, không phải một cách hời hợt, mà là nhìn thẳng vào mặt từng người một khi họ bị hành hình kết liễu cuộc đời ở đây, nơi hố sâu thẳm tận cùng của địa ngục khủng bố.

Tôi cảm thấy một thôi thúc sâu xa đặc biệt khi dừng chân trước một hàng chữ tiếng Đức. Nó gợi nhớ đến nét mặt của Edith Stein, nữ thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, người đàn bà Đức gốc Do Thái đã bị biệt tích cùng với em bà trong đêm đen tối ở trại tập trung Nazi-German; là một Kito hữu và là Do Thái, bà chấp nhận sự chết với dân tộc của bà và cho dân tộc bà.

Những người Đức bị đem đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau và chết nơi đây thì bị coi là “Abschaum der Nation” tức là chối bỏ quốc gia. Hôm nay, chúng tôi biết ơn họ và đón chào họ như những chứng nhân của sự thật và điều thiện không thể bị che dấu giữa dân tộc tôi được. Chúng tôi tri ân họ vì họ đã không chịu qui phục quyền lực của ác quỉ. Bây giờ họ đang đứng trước mặt chúng tôi như những ngôi sao sáng chiếu rọi trong đêm tối. Với lòng kính trọng và biết ơn sâu xa, chúng ta hãy cúi đầu bái chào họ như ba chàng trai ở Babylon đang đối diện với tử thần trong lò lửa nóng như thiêu như đốt đã phải kêu lên: “Chỉ có một mình Chúa mới giải thoát được chúng tôi. Nếu Chúa không làm, như quí vị biết, thì tâu Đức Vua! Chúng tôi sẽ không phụng sự các thần linh của đức vua và cũng sẽ không tôn thờ bức tượng vàng mà ngài đã dựng lên” (Daniel3: 17ff).

Đúng vậy, đằng sau những hàng chữ này là số phận của biết bao con người không sao đếm xuể. Họ khơi dậy trí nhớ chúng ta, rung động con tim chúng ta. Nhưng họ không muốn gieo vào lòng chúng ta sự ghét thù, ngược lại họ cho chúng ta thấy cái hậu quả kinh hoàng của thù ghét. Ước vọng của họ là muốn ta nhìn thấy tội ác đúng là tội ác để mà từ bỏ. Ước vọng của họ là muốn ta quyết tâm làm điều thiện và xa lánh tội ác. Họ muốn chúng ta cảm nhận sâu xa cái ý niệm mà Sophocles đã diễn tả qua miệng của nàng Antigone khi nàng nhìn thấy những cảnh kinh hoàng xung quanh nàng: Bản tính tôi không phải là liên hợp với thù ghét mà là nối kết với tình thương yêu.

Nhờ ơn Chúa, cùng với ký ức trong sáng về nơi kinh hoàng này, nhiều sáng kiến đã được nảy sinh nhằm mục đích hạn chế tội ác và củng cố điều thiện.

Và bây giờ tôi có thể chúc lành cho Trung tâm Đối Thoại và Cầu Nguyện. Ngay sát bên cạnh đây là dòng kín nữ tu Carmelite, các chị đang thực hành đời sống ẩn tu, đang kết hợp một cách đặc biệt với màu nhiệm thánh giá Chúa Kitô và nhắc nhở chúng ta về niềm tin Kito giáo là chính Chúa đã xuống địa ngục trần gian này để cùng chịu đau khổ với chúng ta. Ở trại tập trung Oswiecim đây có trung tâm Thánh Maximilian Kolbe và Trung tâm Giáo Dục quốc tế về trại tập trung Auschwitz và lò sát sinh. Cũng có cả Nhà Hội quốc tế cho giới trẻ. Một trong những nhà cầu nguyện cũ gần đây là Trung Tâm Do Thái và cuối cùng là Hàn Lâm Viện Nhân Quyền hiện đang được thiết lập. Vậy thì hy vọng rằng cái địa danh kinh hoàng này dần dần sẽ trở thành một nơi để kiến tạo tư tưởng và ghi nhớ kỷ niệm sẽ nuôi dưỡng sự đề kháng tội ác và khuyến khích vinh danh tình thương.

Ở Auschwitz-Birkenau, con người đã đi qua “thung lũng của đêm tối dày đặc”. Vì vậy tôi muốn kết thúc tại nơi này bằng lời nguyện cầu tín thác, là một đoạn thánh vịnh của Israel và cũng là lời nguyện cầu của người Kitô hữu:

Chúa là Mục Tử tôi,
“ Tôi không còn thiếu gì.
“ Người dẫn tôi đi,
. .... trong đồng cỏ xanh tươi.
“ Người dẫn tôi đi,
…..đến bên bờ suối nước,
“ Người tu sửa hồn tôi.
“ Người dẫn tôi đi,
….trong đường ngay nẻo chính vì danh người,
“ Ngay cả khi tôi bước đi qua thung lũng tử thần,
…..tôi cũng chẳng sợ quỉ ma.
“ Vì có Chúa trong tôi,
…..vì uy danh của người.
“ Chúa là an ủi đời tôi,
“ Tôi sẽ ở trong nhà Chúa,
. ..... suốt trọn cả đời tôi
”. (Psalm 23: 1-4,6)