CHỨNG NHÂN HÒA GIẢI VÀ HY VỌNG

Cha Thomas Papp từng làm việc mục vụ tại nhà thờ chánh tòa thánh vương Stephano ở thủ đô Budapest (Hungari). Cha phụ trách các chương trình phát thanh Công Giáo của đài phát thanh quốc gia. Ngoài ra Cha được chỉ định đón tiếp khách hành hương - nói tiếng Pháp - đến viếng thăm Budapest.

Cha Thomas Papp nói lên ý thức hòa giải và tâm tình hy vọng của tín hữu Công Giáo, sống trong xã hội thoát khỏi ách thống trị hơn 40 năm của chủ nghĩa cộng sản vô thần như sau.

Tôi còn nhớ như in những cơn ác mộng làm tôi thức giấc, vào cuối mỗi niên học, ở đại học Strasbourg nước Pháp. Điều đáng nói là các sinh viên bạn Ba-Lan cũng có ác mộng giống y như tôi. Trong cơn mơ, tôi thấy mình khi đến gần biên giới Hungari lại sực nhớ còn bỏ quên cái gì đó ở Pháp. Và éo le thay, không thể trở lại Pháp để lấy vật mình bỏ quên! Và chính lúc ấy, tôi giật mình thức giấc!

Đó là những năm đầu thập niên 80. Thật ra vào khoảng thời gian này, Hungari bắt đầu hít thở đôi chút bầu khí tự do. Không như thập niên trước đó, khi tôi thi hành nghĩa vụ quân sự. Người ta xếp tôi vào đội quân người trẻ từng có tội phạm nặng nề! Nhưng đây là dịp để tôi làm chứng về niềm hy vọng Kitô với các bạn trẻ đồng lứa tuổi.

Rồi đến biến cố năm 1989. Chúng tôi khoan khoái hít thở bầu khí tự do. Nhưng tức khắc sau đó, chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề đối với tương lai. Giờ đây, vận mệnh đất nước nằm trong tay chúng tôi, nhất là khi đoàn quân Liên Xô cuối cùng rời khỏi Hungari.

Thời gian đằng-đẵng 43 năm trường - từ 1946 đến 1989 - dưới ách thống trị của cộng sản, để lại những hậu quả khôn lường. Giáo Hội Công Giáo một mặt bị bắt bớ, bách hại, mặt khác, bị phân tán và gây chia rẽ giữa các thành phần với nhau. Giữa lòng Giáo Hội Công Giáo Hungari phân chia thành hai khối: một khối làm việc đi chung với chính quyền; một khối chống đối và như thế, bị đàn áp và phải hoạt động lén lút.

Ngày nay Giáo Hội Công Giáo hưởng tự do mặc dầu giữa lòng Giáo Hội vẫn còn vết thương đau và rạn nứt. Nhưng tất cả đều chung chí hướng hòa giải và quyết tâm tha thứ lỗi lầm trong quá khứ.

Đa số tín hữu Công Giáo Hungari ước muốn chọn con đường hòa giải chứ không phải giải pháp trả thù: ”mắt đền mắt răng đền răng”. Bởi vì con đường trả thù càng gây thêm hố phân cách, thay vì xích lại gần nhau và cùng chung xây tương lai Giáo Hội và đất nước.

Tín hữu Công Giáo Hungari trong bối cảnh xã hội thời hậu cộng sản, muốn chứng tỏ: Giáo Hội là Giáo Hội của Tin Mừng Hòa Giải. Nói như thế không có nghĩa con đường hòa giải trơn-tru nhẹ nhàng. Trái lại, đó là con đường dốc đá đòi hỏi thời gian, can đảm và nhất là, nhiều ơn thánh Chúa.

Hiện tại, xã hội Hungari chờ đợi rất nhiều nơi các Giáo Hội Kitô và nơi giáo huấn Kitô. Sau hơn 40 năm thống trị, chủ nghĩa cộng sản kết thúc bằng cuộc sụp đổ thảm hại và để lại sự trống rỗng trong tư tưởng con người. Chính vì thế giờ đây, được tự do chọn lựa, con người quay trở về với Giáo Hội Công Giáo và với tư tưởng Kitô. Chỉ có Tin Mừng của THIÊN CHÚA GIÊSU KITÔ mới có khả năng đáp ứng mọi khát vọng thâm sâu nhất của con người.

... ”Kính sợ THIÊN CHÚA đem lại vinh quang và tự hào, hân hoan và phấn khởi. Kính sợ THIÊN CHÚA khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỉ mừng vui và an khang trường thọ. Ai kính sợ THIÊN CHÚA sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành. Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ THIÊN CHÚA, ngay từ lúc thành hình trong lòng mẹ, các tín hữu được ơn khôn ngoan” (Huấn Ca 1,11-14).

(”ANNALES D'ISSOUDUN”, Janvier/1993, trang 24-28).(Radio Vatican)