TRẢ NỢ CHO RỪNG

Quản lý bảo vệ rừng, nói thì dễ nhưng làm không dễ. Rừng là vàng. Giữ rừng là giữ kho vàng. Nếu cái tâm người giữ kho không trong sáng sẽ dễ xà xẻo. Lúc đầu xà xẻo ít sau thì xà xẻo nhiều. Nhưng muốn xà xẻo đựơc vàng mà lại bình yên để hưởng thụ thì phải…lo lót.

GIỮ RỪNG NHƯ GIỮ NƯỚC

Không có khả năng giữ rừng, nhưng cựu Giám đốc Ngự và Giám đốc Thu không chịu nhường chỗ, không chịu giao kho vàng cho người khác trông coi…. Không chỉ có chuyện thiếu tinh thần trách nhiệm để mất rừng vàng mà chính các giám đốc này lại là người bán rừng cầu vinh.

Những năm 1997 – 1998, diện tích rừng của Lâm trường Tánh linh được Bộ Lâm nghiệp giao trước đó là 17.229 ha, tuy có bị khai thác nhưng không bị mất trắng một ha nào. Vậy mà đến đầu năm 2001, diện tích rừng của lâm trường chỉ còn 5.924 ha, mất đến 66% diện tích? Bằng cách nào mà Lâm trường Tánh Linh, chỉ trong vòng hai, ba năm đã xóa sổ xong 11.305 ha rừng? Nếu Lâm trường không bán rừng, không cố tình huỷ hoại và không cố tình báo cáo sai sự thật thì làm sao mà UBND tỉnh lại đưa hàng vạn ha rừng khỏi diện tích ba loại rừng theo Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 12/2/2001? Giải thích như thế nào về tốc độ mất rừng một cách khủng khiếp như vậy? Nếu Lâm trường Tánh Linh không phải là thủ phạm thì làm sao cả khu rừng nguyên sinh sau lưng lâm trường không cánh mà bay? Giải thích như thế nào về những bãi gỗ rất lớn được tập kết phía sau Lâm trường bị người dân phát hiện vào những năm 2001-2002 mà báo chí đã lên tiếng, sau đó được chuyển đi tiêu thụ hết nhưng không một ai bị xử lý. Nếu như không phải là kẻ “bán trời không mời thiên lôi” thì tại sao cựu Giám đốc Huỳnh Ngự lại giao 300 ha rừng IIA (rừng giàu) tại tiểu khu 461 cho Chủ tịch xã Gia Huynh để làm dự án 327? Dư luận ở Bình Thuận đang đòi hỏi Giám đốc Bùi văn Thu trả lời về 1135 ha rừng mà UBND tỉnh giao cho lâm trường ông “phải giữ cho bằng được” – theo công văn số 1111 ngày 2/4/2004 – nay biến đi đâu? Đầu năm 2001 UBND tỉnh còn giao chon lâm trường quản lý 5.924 ha (theo Quyết định 09/QĐ-UB ngày 12/2/2001) gần ba năm sau ngày 25/11/2003 theo biên bản làm việc của Đoàn phúc tra gồm Chi cục Kiểm lâm, Chi cục phát triển Lâm nghiệp và Lâm trường Tánh Linh thì diện tích rừng của lâm trường chỉ còn 1.135 ha. Giải thích như thế nào về sự biến mất của 4.789 ha rừng trong một thời gian không dài như vậy? Nếu cựu Giám đốc Huỳnh Ngự và Giám đốc Bùi Văn Thu – nguyên là phó Giám đốc lâu năm ở đây – không chịu trách nhiệm thì ai là người phải chịu thay cho họ?

Được biết ông Võ Trung đã có nhiều đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Ngự và ông Bùi Văn Thu nhưng… chưa được cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm. Vừa qua ông Huỳnh Ngự đã bị bắt tạm giam nhưng đó là những vi phạm về quản lý sử dụng đất chứ không phải về lý do mất rừng.

AI PHÁ RỪNG…?

Trong bài “ngày xưa… rừng Bình Thuận” đăng trên VNT số 36 khi hỏi vì sao việc mất rừng ở Bình Thuận đạt đến tốc độ chóng mặt, chúng tôi khẳng định “… vì ở đây người quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm và người có trách nhiệm trong chính quyền lại chính là … lâm tặc, thậm chí người ta còn quyết định khai tử một lúc hàng vạn ha rừng”. Cụ thể là ngày 5/1/2001 Thủ tướng có quyết định phê duyệt tổng diện tích ba loại rừng trên cả nước, trong đó Bình Thuận có 367.469 ha. Hơn một tháng sau, ngày 12/2/2001 ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt ba loại rừng của tỉnh thì diện tích rừng ở đây chỉ còn 303.102 ha nữa. Như vậy là có đến 64.367 ha “bị loại” ra khỏi diện tích ba loại rừng. Trong đó lâm trường Tánh Linh “bị loại” 11.305 ha. Chỉ mới 2-3 năm mà ông chấp nhận cho một lâm trường mất đến 66% diện tích rừng thì thật khủng khiếp? Từ cuối năm 1999 khi báo cáo cho chính phủ thì tổng diện tích ba loại rừng của tỉnh vẫn còn 367.469 ha, nhưng hơn một năm sau, tháng 2/2001 ông Dũng ký quyết định phê duyệt diện tích ba loại rừng ở đây, làm giảm, tức là loại hẳn đến gần 6,5 vạn ha rừng mà… không hề run tay? Nếu hỏi vì sao làm như vậy thì ngay cả bản thân ông Dũng cũng không thể trả lời được. Ong tin vào cấp dưới chăng? Không đúng. Nếu cấp dưới có báo cáo như thế thì ông phải… tá hoả lên chứ? Chỉ có một Giám đốc ngờ nghệch thì mới có báo cáo ngớ ngẩn như vậy. Đúng thế! Giả sử nhà nước “tháo khoán” cho phá rừng, thậm chí Nhà nước còn bỏ ra nhiều tỷ đồng thuê phá rừng thì tốc độ phá rừng cũng không thể đạt đến mức khủng khiếp như vậy. Mà sự thật Nhà nước bỏ tiền nuôi lâm trường giữ rừng thì làm sao có chuyện chỉ hơn một năm mà mất đến hàng vạn ha rừng? Nếu phó Chủ tịch tỉnh mà tin vào một báo cáo phi lý đến như thế thì… đây là việc hoàn toàn không bình thường.

Nhưng giả sử rừng bị mất nhanh như thế thật, giả sử sau khi kiểm tra, đối chiếu, kiểm điểm tìm ra nguyên nhân mất rừng đúng là như thế thật thì ông phó Chủ tịch tỉnh phải báo cáo ngay cho tổ chức Đảng, yêu cầu khởi tố vụ án và bản thân mình thì đệ đơn xin từ chức liền. Vì gần 6,5 vạn ha rừng là cả một kho tài nguyên vô cùng lớn, là báo vật của quốc gia, không gì có thể đổi được. Ong là người thay mặt đảng, nhà nước và nhân dân, quản lý chi phối mọi hoạt động ở đó, tại sao để báu vật này mất mà ông vẫn thản nhiên như không vậy?

Nhưng… không thể có những chuyện đó. Các Giám đốc lâm trường trong tỉnh, không ông nào ngớ ngẩn ngờ nghệch cả cho nên không có những báo cáo hoang tưởng như giả thiết đặt ra. Còn tốc độ phá rừng thì… dù có tổng động động viên phá rừng, dù có khuyến khích, khen thưởng hay bất cứ hình thức gì đi nữa cũng không tài nào phá nổi gần 6,5 vạn ha rừng trong suốt một nhiệm kỳ làm phó chủ tịch phụ trách nông lâm của ông chứ đừng nói thời hạn 1, 2 hay 3 năm? Thế thì tại sao phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng lại ký quyết định đưa một lúc gần 6,5 vạn ha rừng ra khỏi rừng? Phải chăng đây là cả một chiến lược lớn tách ra một diện tích hàng vạn ha rừng như lập ra một quỹ đen, một kho tài nguyên riêng để… sử dụng, khai thác dần? Đúng thế. Cụ thể là hơn 4 năm sau, ngày 16/2/2005 ông vẫn còn ký quyết định số 407 cấp phép cho công ty lâm nghiệp khai thác một phần trong diện tích rừng bị tách ra ấy với khối lượng 7.151 m3 gỗ.

Có thể nói, nếu có cuộc… trao giải quốc tế về “thành tích” phá rừng thì có lẽ Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng sẽ … đoạt giải? Từ xưa đến nay và nhiều năm sau nữa, khó ai có thể… lập được kỷ lục này.

Việc phó Chủ tịch UBND tỉnh “khai tử” 6,5 vạn ha rừng, Chủ tịch tỉnh Huỳnh Tấn Thành có biết không? Cho dù không được báo cáo thì một việc nghiêm trọng như vậy bắt buộc chủ tịch tỉnh cũng phải biết.

Trong vụ án phá rừng ở Lâm trường La Ngà Tánh Linh năm nào, Bí thư tỉnh uỷ trước đây bị kỷ luật đảng, ông Nguyễn Ánh Minh về làm Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận. Dù thế nhưng không hiểu vì sao hàng chục vạn ha rừng bị mất, riêng rừng Biển Lạc và rừng Gia Huynh Suối Kiết thuộc lâm trường Tánh Linh gồm 2 vạn 9229 ha bị xóa sổ hoàn toàn?

Dư luận rất công bằng và không phải không có lý khi cho rằng vụ phá rừng lần trước, chung quy chỉ mất 5-3 ngàn m3 gỗ, không bị mất trắng một ha rừng nào cả, nhưng 36 quan chức phải vào tù, những người đứng đầu chính quyền và Bí thư tỉnh uỷ phải nhận kỷ luật vì liên quan trách nhiệm. Lần này hàng chục vạn ha rừng bị mất trắng, không có khả năng phục hồi tái sinh, là một mất mát không gì bù đắp được và việc mất rừng lại nằm trong tầm quản lý của chính quyền tỉnh. Nhưng mọi chuyện “hình như” vẫn kín như bưng, mọi người vẫn bình yên vô sự? Như vậy là không công bằng, không đúng với câu tục ngữ “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Dư luận đồng thanh lên tiếng yêu cầu những người có trách nhiệm phải trả nợ cho rừng.

CẦN LÀM SÁNG TỎ Ý KIẾN CỦA ÔNG VÕ TRUNG

Ngày 15/9/2007, ông Võ Trung ở 157 thôn Lạc Hóa 2, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận lại gửi đơn tố cáo đến báo Văn Nghệ Trẻ và các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương. Văn nghệ trẻ xin trích đăng 4 nội dung chính như sau:

1. Trong Quyết định số 541 ngày 7/03/2001 của UBND tỉnh Bình Thuận do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Tánh Linh tại tiểu khu 315, diện tích 818,5 ha, có 625 ha rừng IIA, IIB, IIIA1, IIIA2. sau đó ngày 24/11/2002 UBND tỉnh có Quyết đinh số 200 cũng do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng ký thu hồi giao cho Công ty Minh Thuận Phát 500 ha trồng cao su. Như vậy chính UBND tỉnh đã cho phá hết số rừng ở đây để lấy đất.

2. Cuối tháng 3/2002 diện tích rừng Biển Lạc còn trên 2.000 ha. Ngày 27/3/2002 UBND tỉnh có văn bản số 741 do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng ký giao cho UBND huyện Tánh Linh quản lý nhưng không ghi diện tích hiện trạng rừng nhằm nhập nhèm để khai thác chia nhau. Không lâu sau đó, toàn bộ khu rừng rộng 2.000 ha này đã thành trang trại cao su của cá nhân trong đó có nhiều quan chức.

3. Ngày 14/6/2004 Sở NN & PTNT Bình Thuận có văn bản số 840 và 841 chấp thuận dự án liên kết trồng cao su giữa Lâm trường Tánh Linh với Công ty Minh Thuận Phát và Viện Nghiên cứu Cao Su. Ngày 17/6/2004 Sở NN & PTNT Bình Thuận lại có văn bản số 857 bàn giao đất, cho phép tác động liên kết trồng cao su. Lâm trường Tánh Linh đã ký hợp đồng số 01 ngày 16/11/2004 và hợp đồng số 02 ngày 04/3/2005 với ông Lê Hồng Thắng ở Đồng Nai, san ủi 1.157,54 ha để giao cho Minh Thuận Phát 837,54 ha và giao cho Viện Nghiên cứu Cao Su 320 ha. Cả 2 hợp đồng này đều thực hiện tại các tiểu khu 310, 311, 313, 314, 315. đây chính là nơi tọa lạc của 1.135 ha rừng mà UBND tỉnh “giao cho Lâm tường Tánh Linh phải giữ cho bằng được” tại văn bản số 1111 ngày 02/4/2004. Như vậy là 7 tháng sau và 11 tháng sau khi được Tỉnh giao, Lâm trường Tánh Linh đã cho phá hết để trồng cao su.

4. Biên bản làm việc của Thanh tra tỉnh ngày 18/8/2005 xác minh đơn tố cáo của công dân, tại trang 17, kết luận việc để mất 2.670 ha rừng thời điểm trước tháng 8/2003 là trách nhiệm của cựu Giám đốc Huỳnh Ngự. Còn 740 ha rừng bị mất sau tháng 8/2003 là trách nhiệm của Giám đốc Bùi Văn Thu. Nhưng chính quyền Tỉnh không yêu cầu khởi tố vụ án.