KỶ NIỆM 185 NĂM NGÀY SINH LOUIS PASTEUR
(27/12/1822 – 27/12/2007) LOUIS PASTEUR Nhà bác học thiên tài - Con người cầu nguyện.
Nhà bác học thiên tài
Louis Pasteur là một trong những nhà bác học thiên tài và có nhiều cống hiến to lớn cho nhân loại. Louis Pasteur, nhà bác học người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vắcxin trừ bệnh chó dại. Khi Ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu đi qua, từng đám người quì xuống chan hoà nước mắt. Trong lịch sử, ít có nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như vậy. (x. Almanach, t.1657).
Louis Pasteur sinh ngày 27/12/1822 tại thành phố Dole thuộc tỉnh Jura miền đông nước Pháp. Thân sinh Pasteur vốn là chủ xưởng nhuộm, gia nhập đoàn quân của Hoàng đế Napoléon đi chinh chiến khắp các chiến trường. Năm 1815, sau khi Napoléon thua trận bị đày ở đảo Sainte Hélène, ông trở lại với xưởng nhuộm. Cái xưởng nhuộm đó ngày nay đã trở thành một viện bảo tàng để kỷ niệm Louis Pasteur.
Louis Pasteur thông minh, hiếu học từ thuở nhỏ. Năm 1840, ông đỗ tú tài văn chương ở trường Trung học Bơ-đăng-xông. Năm 1843, ông thi đỗ thứ tư vào trường Cao đẳng Sư phạm Paris (Ecole Normale Supérieure), một trong những trường nổi tiếng nhất của nứơc Pháp. Năm 1847, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Vật lý. Năm 1848, ông đã có một phát minh khoa học về tinh thể học nổi tiếng trong giới khoa học. Năm 1849, ông là giáo sư trường Đại học Strasbourg. Trở thành một giáo sư nổi tiếng, ông được đề bạt làm chủ nhiệm khoa, sau đó làm giám đốc nghiên cứu khoa học của trường Cao đẳng Sư phạm Paris. Sau khi đỗ tiến sĩ khoa học, Pasteur có chân trong ba hàn lâm viện: Hàn lâm viện Khoa học (1862), Hàn lâm viện Y học (1873); năm 1881, ông được tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp quốc (Académie Francaise). Louis Pasteur là một trong những người đi đầu trong việc nghiên cứu các vi sinh vật và là người mở đường cho việc sáng lập ra khoa vi sinh học ngày nay. Công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của ông thuộc về Tin học (Cristallographie), sau này là môn Hóa học lập thể (Stéréochimie), một môn chuyên nghiên cứu những công thức phân tử. Tiếp đó, ông nghiên cứu sự lên men và thành lập khoa Vi trùng học. Ngoài ra, ông còn chứng minh rằng: Tất cả các bệnh truyền nhiễm trên người và súc vật đều do một thứ vi trùng gây ra. Do đó, ông đề nghị mọi dụng cụ băng bó, phẫu thuật trước khi sử dụng phải tiệt trùng hoàn toàn. Và ông đã thành lập một ngành nữa là ngành sát trùng. Ngay trong những năm đầu của cuộc đời nghiên cứu khoa học, ông đã xác định được mối liên quan giữa hình thái tinh thể, cấu tạo hóa học và tác động đối với ánh sáng phân cực và xác định được rằng các sản phẩm có bản chất của sự sống tác động đến ánh sáng phân cực, còn các khoáng sản không có tác động này. Năm 1857, ông công bố quá trình lên men không phải là “Công trình của sự chết” như những nhà hóa học thường nghĩ, mà là “Công trình của sự sống”. Ong đưa ra khái niệm về tính kỵ khí và ái khí của vi sinh vật và sự lên men chỉ là hệ quả của “Cuộc sống không có không khí”. Những thử nghiệm của ông về các thế hệ gọi là tự phát có một độ chính xác đến mức không còn chỗ cho bất cứ một sự biện minh nào. Công trình nghiên cứu của ông về bệnh của con tằm đã khám phá ra bí mật của sự lây truyền mang lại những bài học vô cùng quý gia cho y học. Tháng 9 năm 1879, ông tìm ra nguyên lý của việc tiêm phòng bệnh dịch tả ở gà và việc làm giảm độc lực của các vi sinh vật, nền tảng của việc tiêm phòng bằng vaccin sau này. Ong cũng đã mang đến cho những người làm công nghệ sinh học những kết quả phát minh ở phòng thí nghiệm: công nghệ làm giấm, rượu vang và bia. Năm 1880, ông phát hiện ra căn nguyên của các mụn nhọt và viêm tuỷ xương, đó là tụ cầu khuẩn, còn nhiễm trùng hậu sản là do một vi khuẩn có tên là lên cầu khuẩn. Từ kết quả thu được trong việc dự phòng bệnh dịch tả gà, ông đã làm giảm độc lực vi khuẩn nhiệt thán và chế ra được vaccin phòng bệnh có hiệu quả cho đàn gia súc. Công trình rực sáng của ông là tìm ra được căn nguyên, sự lây truyền và vaccin điều trị dự phòng đầu tiên bệnh dại, một căn bệnh hiểm nghèo mà cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa chữa được một khi đã phát hiện. Sau thí nghiệm thành công trên vật, ông lại tếip tục thí nghiệm trên người. Lần này, ông lấy tuỷ sống con thỏ bị bệnh dại và làm cho vi trùng này yếu đi. Sau đó, tiêm vào em bé bị chó dại cắn tên là Yoseph Meister (9tuổi) vào ngày 06/7/1885. Kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng của ông: người bệnh khỏi hẳn. Ngày 01/3/1886, trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, ông cho biết: 350 người bị chó dại cắn đến viện ông tiêm sinh hóa phòng dại, 349 người đã được cứu thoát. Ong đã long trọng tuyên bố với thế giới là đã tìm ra vaccin chống lại bệnh chó dại (Vaccin Antirabique). Ngày 14/11/1888, Viện Pasteur ở Paris được khánh thành, vừa là nơi nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, chế tạo các caccin phòng bệnh, vừa là nơi giảng dạy về vi sinh học và là một bệnh viện chữa bệnh chó dại. Sau này, nhiều Viện Pasteur đã được mở ra ở nhiều nước trên thế giới. Ở thành phố Sài gòn cũng có Viện Pasteur và con đường mang tên ông. Louis Pasteur mất ngày 28/9//1895 tại Marne Coquette (Pháp). Chính phủ Pháp tổ chức quốc tang. Trên đường, khi linh cửu đi qua, từng đám đông người quỳ xuống bên đường chan hòa nước mắt. Từ đó, ông yên nghỉ trong hầm mộ lát đá hoa cương ngay dưới thư viện của Viện Khoa học mang tên ông. Để thành kính ghi công ơn ông, mọi người trên thế giới gọi ông là “Đại ân nhân của nhân loại”. Ngày 28/9/1995, toàn thế giới đã kỷ niệm 100 ngày mất của Louis Pasteur. Con người cầu nguyện
Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng : “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?”.
Cụ già thản nhiên trả lời : “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?”.
Người thanh niên xấc xược trả lời : “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời : Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi : Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris.
Louis Pasteur - Nhà bác học thiên tài, đại ân nhân nhân của nhân loại,con người cầu nguyện, say mê tràng hạt mân côi.
Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông. Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
Mẹ Têrêxa sống đời cầu nguyện - phục vụ và đã trở nên vĩ nhân. Bài học Mẹ để cho đời là:
Hoa trái của cầu nguyện là đức tin
Hoa trái của đức tin là tình yêu
Hoa trái của tình yêu là phục vụ
Hoa trái của phục vụ là bình an.
Phan Thiết 25.12.2007