NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG (9): Trải nghiệm chay lạt của một linh mục

Xin cảm ơn những bạn đọc đã gửi thư bày tỏ đồng cảm về nẻo đường chay lạt. Mùng 4 Tết, Lễ Tro, Mùa Chay của Năm Thánh 2010 khởi đầu. Tôi xin được tiếp nối câu chuyện bằng trải nghiệm của chính mình.

Cái khó của tôi là làm sao có thể theo đuổi thực đơn chay khi hằng ngày phải dùng cơm chung với cộng đoàn. Khoảng năm 1985, tôi đang sống với anh em Don Bosco Đà Lạt, dịp may đã đến. Một số anh em rủ nhau “vô thất”, tuyệt thực theo tân dưỡng sinh Osawa – 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày. Ba bốn nhóm, tổng cộng trên mười người, trong đó có tôi. Sau khi nhịn đói, mỗi người phải dùng gạo lứt muối mè với thời gian dài hơn số ngày đã nhịn ăn. Quan niệm dưỡng sinh Osawa được cả cộng đoàn trân trọng. Sau “phong trào” ấy, tôi có thể ăn chay mà không sợ bị tiếng là lập dị. Tôi không xin nhà bếp nấu riêng. Tôi chấp nhận một giới hạn: dùng chung thức ăn với anh em nhưng không gắp thịt cá.

Cuối năm 1996, về Sài Gòn sống chung với các sinh viên dự tu Dòng Cát Minh Về Nguồn, trong nhà chỉ có mấy người, tự nấu ăn với nhau, tôi có thể theo thực đơn chay cách triệt để hơn. Có chút đáng trách là tôi đã vô tình khiến một số bạn trẻ ngộ nhận không dám vào Dòng, tưởng rằng vào Dòng này phải ăn chay trường. Năm 2000, sang Tây Ban Nha, vào Nhà Tập Dòng Cát Minh, tôi đã xin và cha Tập sư đã đồng ý cho tôi ăn chay trường: “Anh có thể tùy ý chọn những gì được dọn ra trong nhà cơm, trên bàn ăn cũng như nơi bàn phục vụ, nhưng không được tự tiện lục tủ lạnh”. May mắn, thầy già Domingo phụ trách nhà bếp đã biết ý nên luôn dọn đủ các loại rau quả và phó mát ở bàn phục vụ, còn trên bàn ăn lúc nào cũng có dầu ôliu. Có một đồng bạn phản đối, sợ tôi không đủ sức khỏe, nhưng tôi bảo anh ta: “Bạn thấy đó, các bạn vào phòng ăn phải cầm theo thuốc, còn tôi thì không” – và anh ta thua! Thời gian học viện tại Philppines, tình cảnh dễ hơn. Trước khi tôi đến cộng đoàn, cha Thomas Martin, người Mỹ, đã dùng thực đơn vegeterian. Tôi chỉ đơn giản là đệ tử của ngài (đồng thời ngài cũng là cha giáo tập của tôi). Vào nhà cơm, hai cha con chúng tôi mỗi người nhận được một tô rau quả còn sống, những gì cần hấp chín thì chúng tôi cho vào lò vi ba. Cuối năm 2005 tôi bị đau nhức nặng. Lúc đầu bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh gút. Một số anh em trong nhà kết luận vì tôi dùng nhiều đậu nành khiến lượng acid uric tăng cao. Để khỏi phụ lòng cộng đoàn, tôi chấp nhận ăn lại thịt cá. Thế nhưng cuối năm 2006, thực đơn chay tôi được minh oan. Một bác sĩ khác chứng minh rõ rằng tôi chỉ bị đa khớp thấp chứ không bị bệnh gút và chỉ cần kiêng những gì mình không thích. Thế là tôi được quyền quay về với thực đơn chay.

Bây giờ tôi ở nhà hưu dưỡng linh mục tại Qui Nhơn. Khi ăn cơm khách, khi dùng bữa chung với anh em, tôi ăn những gì người ta dọn để không gây phiền cho ai (Để mưu tìm ơn cứu rỗi cho những người tâm trai thiện chí khắp nơi, phải sống chan hòa với anh em đồng đạo bên cạnh mình trước đã). Còn khi dùng cơm riêng, tôi dần dần thuyết phục nhà bếp loại bỏ thịt và cá ra khỏi bữa ăn của tôi. Có một điều lạ: với người đời, khi tôi ngỏ ý dùng thực đơn chay thì được vui vẻ chấp thuận ngay, còn với các nữ tu, thuyết phục cho được rất khó. Có vẻ như phần đông các nữ tu lo cơm nước cho khách vẫn nghĩ rằng phải là thịt cá mới bổ dưỡng (và mới là trọng khách) còn rau quả thì không. Họ có ngờ đâu với những người xác tín thực đơn chay thì không gì chán ngán cho bằng nhìn thấy thịt, cá, tôm, cua! Chỉ một số cộng đoàn thân quen, coi tôi như người nhà, vui vẻ dọn cho tôi rau quả, đậu phụ, tương chao và nấm…

Vừa qua có những bài báo nhấn mạnh rằng việc truyền giáo tại Việt Nam ít kết quả và nêu lên những nguyên do. Với kinh nghiệm riêng, có thể chủ quan chăng, tôi nghĩ có hai điều sẽ đem lại kết quả lớn: Nhiệt tình truyền giáo của người tông đồ và kinh nghiệm chay lạt. Hồi trước tôi chỉ biết làm thơ mới. Khi làm linh mục rồi, dấn thân truyền giáo, gặp một số vị cao niên thích thơ Đường, tôi học làm thơ Đường để xướng họa với họ và dần dần nói cho họ nghe về Chúa. Khi bị bệnh khớp rồi được lành, chạy bộ ở bờ biển, tôi nói chuyện với những người đang tập đi về vật lý trị liệu. Đã tha thiết muốn chia sẻ Tin Mừng thì chuyện gì cũng có thể thành nhịp cầu, tuy nhiên mỗi lần chia sẻ bắt đầu từ kinh nghiệm chay lạt với những người ăn chay, bao giờ tôi cũng được đón nhận nồng nhiệt, và từ chuyện chay bắt sang chuyện đạo thật hồn nhiên. Tôi ăn chay lạt để tự nhắc mình nhớ đến ơn cứu rỗi của một lớp rất đông những người ăn chay lạt trên đất nước này và nhiều nơi khác tại châu Á…

Trong thời gian bị kìm chân vì bệnh khớp, khi cầm đũa gắp cọng rau miếng đậu, tôi thường có một cảm giác êm đềm. Không còn được rong ruổi như Phanxicô Xaviê cũng chẳng được chôn mình trong cõi vắng như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cũng chẳng sao, tôi vẫn có thể góp phần truyền giáo cách bình thường lặng lẽ, hướng về những người đang cần ơn cứu rỗi trong tâm tình tạ ơn và khẩn nguyện của phút tâm trai. Và lòng lại dâng lên một khát khao mãnh liệt: phải chi ngày càng có nhiều chủng sinh, đệ tử, nam nữ tu sĩ và linh mục Công giáo cụ thể hóa lời nguyện truyền giáo bằng phát nguyện tâm trai đồng cảm với anh chị em phương Đông, mỗi tuần một ngày chẳng hạn. Chắc hẳn mùa gặt sẽ bội thu thấy rõ. Rồi lại theo một ước vọng khác: ước chi rồi sẽ có một thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục mời gọi tự nguyện ăn chay theo phương Đông! Tại sao lại không? Phải chăng vì quên nhấn mạnh lời mời gọi tự nguyện của Tân Ước, khoa giáo lý Công giáo đã vô tình đẩy tín hữu vào não trạng tiêu cực, loay hoay mãi với câu hỏi cái gì được phép, cái gì không, và vì thế khó vươn lên được những tầm cao trưởng thành? Khi phát nguyện ăn chay, người phương Đông chẳng vướng mắc gì với chuyện “bị cấm” hoặc “tội nặng” nhưng họ chỉ tự nguyện, tự răn, tự cấm lấy mình. Biết đâu nhờ phát huy tâm tình tự nguyện này mà Trưởng Nữ của Giáo Hội tại châu Á có thể góp phần tích cực vào việc phục hưng Giáo Hội tại Âu Mỹ!...

Tôi nghĩ vấn đề nghiêm túc lắm. Khi nâng bánh rượu lên hiến thánh thành thịt máu Chúa, tôi hình dung thấy Thiên Chúa Tân Ước là Thiên Chúa của chay lạt. Giữa những tháng ngày rao giảng, vị Chúa làm người đã hòa mình với đám đông tội nhân, ăn uống như họ, đến độ bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” (Mt 11,19). Thế nhưng Ngài đã vào bằng cửa của chúng ta và ra bằng cửa của Ngài. Trong bữa ăn thịt chiên Vượt Qua cuối đời, Ngài mở trang sử mới. Dấu chỉ của bí tích không phải thịt cá mà là bánh và rượu. Ngài tự nguyện nộp mình và đổ máu cho người người được ơn tha tội và, cùng lúc, chấm dứt việc đổ máu những con vật vô tội theo nghi lễ Cựu Ước.

Hơn kém nửa thế kỷ qua, Cha Maria Maximô Đỗ Chính Thống ở đan viện Xitô Vũng Tàu, đã đi đầu trong kinh nghiệm trường trai. Rải rác đây kia hẳn vẫn có những người theo bước chân ngài, tu sĩ cũng như giáo dân. Có điều là, như lời chia sẻ của chị Đông A, giữa hàng trăm người đi qua kinh nghiệm này, chưa chắc đã có một người mạnh dạn viết lên kinh nghiệm. Cũng chính vì thế, tôi ước mong được nói lên tiếng nói của một số người thầm lặng. Và vui sao, một câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm về chay lạt Công giáo đang từng bước thành hình.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

gopnhattho@yahoo.com