LƯỢC SỬ GIÁO XỨ CẨM TRƯỜNG

Nhân đại lễ cắt băng khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường Đức Mẹ Mân Côi của giáo xứ Cẩm Trường (xóm 08, Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An), ngày 10 tháng 03 năm 2010, người viết xin tóm tắt một vài nét về quá trình hình thành, thăng tiến và triển nở của xứ đạo này, trong suốt chiều dày lịch sử gần 400 năm đón nhận Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Kitô, nhất là trong vòng 145 năm trở lại đây, kể từ ngày giáo xứ chính thức mang nhận danh thơm tiếng tốt “Cẩm Trường”.

Xem hình ảnh

1. Danh Xưng “Cẩm Trường”

Vào khoảng năm 1629 và đặc biệt vào đầu thế kỷ thứ 18, từng nhóm người Công Giáo định cư rải rác từ Thuận Nghĩa, tọa lạc trên các trục đường bộ hợp với đường thủy, từ sông Mai Giang đổ xuống sông Hàu, sông Cầu đổ về, qua sông Thai, hợp với dòng kênh Dâu, xuôi về cửa lạch Quèn (Mành Sơn), hợp thành giáo xứ “Cẩm Trường”, trông như thể một dải gấm dài, uốn lượn quanh co.

Theo sử sách kể lại, thì danh xưng “Cẩm Trường” (“cẩm” là “gấm vóc”, “trường” là “dài”) có từ đầu thế kỷ 18; cụ thể là vào năm 1732, khi họ nhà xứ được thành lập. Nhưng, trung tâm mục vụ lại được các Cố Tây đặt ở Thuận Nghĩa cho gần trục đường bộ; về sau, mới dời xuống họ Kẻ Gấm (tức họ Cẩm Trường ngày nay). Mặc dù thay đổi địa chỉ, nhưng danh xưng vẫn là “Cẩm Trường”. Đến năm 1923, các họ đạo từng vùng bắt đầu tách lập xứ mới; riêng vùng Xuân Yên vẫn duy trì danh xưng “Cẩm Trường” cho đến ngày nay.

Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu xem từng nhóm người này về định cư nơi đây như một họ đạo, thì lúc này giáo xứ Cẩm Trường có tất cả 34 giáo họ: Cẩm Trường, Đồng Lăng, Hội Yên, Yên Hoà, Du Xương (Trang Họ), Quý Vinh, Dị Lệ, Thuận Nghĩa, Yên Lưu, Hạ Nguyên, Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Thuận Giang, Tân Lập, Thanh Dạ, Cự Tân, Xuân An, Lộc Thuỷ, Mành Sơn, Văn Phú (Quỳnh Tiến), Tân Yên, Ngọc Thanh, Ngọc Sơn, Văn Thai, Văn Trường, Văn Cả, Thia Thia (Vịnh Giang), Đồng Lầy (Phú Xuân), Đồng Xuân (Quang Tĩnh), Đồng Ầm, Đập Bể (Nghĩa Thành), Đồng Lèn, Tân Hội (Tân Nghĩa) và Vịnh Yên (An Hoà).

2. Thời Kỳ Bi Hùng

Để tìm biết và thấu đạt lịch sử giáo xứ Cẩm Trường, trước hết phải nói đến nguồn gốc họ đạo cùng tên.

Năm 1629, nơi đây có 5 gia đình đầu tiên lãnh nhận đức tin Công giáo: 1) ông Trần Vũ; 2) ông Nguyễn Vi; 3) ông Nguyễn Hữu Khuyên; 4) ông Nguyễn Thuấn; và 5) ông Vũ Vượng (quê ở Đông Thành, thuộc phủ Diễn Châu). Lúc bấy giờ, họ ngụ cư trên đất Thanh Sơn (Ngò), do Kẻ Quát quản lý; họ sống trên cồn đưng cỏ nhọn, lấy cuốc cày làm kế sinh nhai; và vì chưa có nhà thờ, nên họ mượn tạm nhà ông Nguyễn Hữu Khuyên làm nơi thờ phượng, cầu kinh sớm tối; thời gian này kéo dài khoảng 100 năm.

Đến 1732, nơi đây mới lập phường Kẻ Gấm và xây dựng nhà thờ của họ cùng tên. Năm 1762, có ông Ngô Đình Lại, gốc Yên Định, Thanh Hóa, di cư đến đây và lấy một người vợ trong dòng họ cha Nghiệm là cháu chắt của ông.

Năm 1798, vì vua Cảnh Thịnh cấm đạo rất nhặt, họ phải mua 8 mẫu đất ở Quý Hòa, nằm sát làng Trung Yên (tức họ Đồng Lăng ngày nay), để nương tựa vào nhau. Sau khi dời dân và chuyển nhà thờ về đất Quý Hòa (nằm ngay dằm họ Trường Cựu bây giờ), để lập làng, có con dấu, có lý trưởng và phó lý quản cai, thì cơ sở mục vụ truyền giáo cũng được thiết đặt tại đây.

Hạt lúa mì rơi xuống đất có thối đi thì mới sinh nhiều bông trái. Vào đầu thế kỷ 19, thời các triều đại nhà Nguyễn bách hại đạo Công giáo rất ác liệt, nhiều chứng nhân đã anh dũng hy sinh vì niềm tin vào Chúa Kitô; sự kiện này càng ngày càng làm cho nhiều người lương dân và ngoại giáo tin nhận Đạo thánh Chúa hơn.

Vào đầu thế kỷ này, các chi tộc Nguyễn-Trần (Quỳnh Bá), Phan-Nguyễn (Quỳnh Đôi), Trịnh, Hồ, Phạm, v.v., từ nhiều nơi đổ về ngày càng đông. Cho nên, đến năm 1847, làng phải gom đủ số tiền khoảng 300 quan, để tậu thêm thẻ đất thuế đinh của làng Thượng Yên (thẻ đất này phải vào tới tận cố đô Huế mới làm được).

Biết làng có tiền, vì ham tiền và nhân cơ hội Vua Minh Mạng đang riết ráo bắt bớ đạo Chúa, tên Ngoạt cùng làng đã lên báo cáo với Đoàn Tổng. Khoảng canh 5, chúng cho người xuống bắt Cha Thân hiện đang quản xứ. Tờ mờ sáng hôm đó, khi Cha đang dâng lễ, tên Ngoạt làm hắng 3 tiếng báo hiệu cho Đoàn Tổng vây bắt ngài và lấy luôn cả chén đĩa thánh. Thấy thế, giáo dân liền xông vào bảo vệ, cứu được Cha và thu lại những gì đã mất; còn tên Ngoạt thì bị ngài chúc dữ: ho tới 3 đời mà chết.

Năm 1848, sau khi tậu được 15 mẫu đất của làng Thượng Yên, giáo dân bắt đầu san bớt lên đó định cử và lập làng mới, có tên gọi “Xuân Yên”; vùng đất này thuộc xã Quỳnh Yên, tổng Phú Hậu, chứ không thuộc Quý Hòa, tổng Thanh Viên nữa.

Năm 1855, giáo xứ được Cha Gioan Baotixita Thái đến tiếp quản. Lúc này, vua Tự Đức bách đạo rất ác liệt. Vua cho thuộc hạ lùng sục khắp nơi, bắt bớ các linh mục và cả giáo dân, nên cả chủ chăn lẫn đoàn chiên phải bỏ trốn nhiều nơi trong các làng lương. Nhiều người bị bắt và bị đày họ lên huyện và tỉnh, và đã anh dũng tử vì đạo Chúa.

Trong cảnh hỗn mang loạn lạc này, thánh đường chẳng có ai trông nom. Vì thế, tên Huề, người cùng làng, đã rủ thêm 7 tên người Thượng Yên, vào nhà thờ đào bới khắp nơi để kiếm tiền. Khi xăm nhằm huyệt mộ Cha Nhân, tưởng là hòm tiền, chúng liền cạy nắp, thò tay vào, sờ thấy toàn xương liền bỏ chạy. Giáo dân ở Bút Luyện và các làng kế cận trở về thấy thế, liền cải táng ngài chu đáo. Phần tên Huề về sau bị vẹo tay và mắc bệnh mà chết.

Đến thời vua Tự Đức, làn sóng bách đạo vẫn dâng lên cuồn cuộn; nhiều giáo hữu bị bắt, bị giam cầm, chịu tra tấn dã man và bị khắc chữ “Giatô” trên trán.

Năm 1862, bằng an trở lại, người dân Xuân Yên bắt đầu trồng tre bao lũy xung quanh, để bảo vệ làng và xây dựng nguyện đường. Lúc này, giáo họ Kẻ Gấm là một làng có hai thôn, hai hương bộ và hai ông từ: nhà thờ mới do ông câu Nguyễn Giới coi sóc; còn nhà thờ cũ do ông từ Ngô Đình Lãng đảm nhiệm.

Sau 2 năm yên hàn, sóng gió lại nổi lên. Năm 1864, Văn Thân tiếp tục băt bớ những người theo Chúa. Vì là giáo toàn tòng ngày càng đông số, lại gan dạ bảo vệ được các nhà truyền giáo, nên Trung tâm Mục vụ Truyền giáo, ở Thuận Nghĩa được Tòa Giám Mục cho phép dời xuống giáo họ Kẻ Gấm, mà sau đó một năm, năm 1865, chính thức gọi là giáo xứ “Cẩm Trường”, do Cha xứ đầu tiên, Cha Giuse Huấn quản nhiệm.

Mặc dù Văn Thân chia vùng kìm chế, bắt bớ đạo thánh, nhưng Trung tâm Mục vụ Truyền giáo của giáo xứ cần phải được tiến hành xây dựng. Năm 1869, Bề Trên sai Cha Tùy đến làm phó xứ, giúp Cha già Huấn xây dựng nhà thờ. Ngôi nhà thờ xứ 8 gian đầu tiên, thiết kế theo lối “Chồng Diêm”, với kích thước: 22m dài x 9m rộng x 7,8m cao, đã được khánh thành năm 1871 (nằm ngay vị trí nhà ông Hòa Thuận ngày nay).

Lúc này, nhóm Văn Thân Quỳnh Lưu đã triệu tập giáo dân Cẩm Trường lại, bắt dợ bỏ nhà thờ; nhưng họ không chịu, nên bị chúng giam giữ 2 tháng trời. Cha Tùy phải đích thân lên thương thảo với nhóm này. Ngài bị chúng chất vấn và ra lệnh: Không ai được phép làm nhà “Chồng Diêm”, mẫu nhà đó chỉ dành cho vua chúa mà thôi. Nhưng, ngài đã khôn ngoan trả lời: “Tôi không làm nhà ‘Chồng Diêm’ mà làm nhà ‘Thiên Diêm’ (tức là nhà Chúa Trời Ngự). Vì thấu tình đạt lý, dù rất tức giận, nhưng bọn chúng phải miễn cưỡng thả những người Cẩm Trường bị bắt.

Năm 1874, phong trào Văn Thân ở Nghệ An lại nổi lên, lấy tên là “Bình Tây Sát Tả”. Cũng trong năm đó, triều đình đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) cho phép giảng đạo. Vì an sinh của xã tắc, vua ban sắc chỉ cho phép Đức Giám mục Hậu đi dẹp loạn Văn Thân. Vì thế, Cha Thiện đã đặt ông Tuần Giới (họ Cẩm Trường) và ông Tuần Pớc (họ Đồng Lăng), chỉ huy sáu đội quân để bảo vệ làng.

Năm1876, vừa mới thụ phong, Cha Đức được Bề Trên điều về làm phó Cha Thiện. Lúc này, giáo xứ Cẩm Trường có 34 nhóm-họ; nên việc làm phúc hầu như quanh năm. Có lần, Cha Đức đi làm phúc ở giáo họ Phú Yên và nghỉ lại đó. Ngài bị bọn Văn Thân Quý Hòa bao vây, thoát không được bởi Phú Yên quá yếu. Cẩm Trường nghe tin liền xuống giải vây và rước ngài về nhà xứ an toàn.

Cũng trong năm đó, có tên tướng Đề Niên, quê ở Phù Mỹ, đem quân xuống sát hại vùng Cẩm Trường. Lúc đó, có mấy người đàn anh ra mặt đối phó, như ông Kí Dũng (Đồng Lăng), ông Lý Phú (Trường Cũ), v.v. dùng mác cố thủ và dùng tre vót nhọn lia trúng đùi Đề Niên làm hắn bị trọng thương. Thuộc hạ thấy vậy bỏ chạy thoát thân, Đề Niên bị bắt. Được hai Cha đã tha mạng, hắn đã hậu tạ các ngài một con chiến mã tốt nhất.

Vụ này chưa yên, vụ khác lại đến. Năm 1877, Tú Mớc, một viên tướng giỏi đã từng chinh chiến nhiều nơi, quê ở phủ Diên Châu, hôm nào cũng cưỡi ngựa đi qua làng để quan sát, lên Quỳnh Lưu chiêu binh tập luyện, lập kế sách tối hôm nọ xuống sát hại Cẩm Trường. Nhận được mật báo, ngay chiều hôm đó, hai người đàn anh là ông Xoang và ông Xuyên và một số anh em khác đã mai phục sẵn, chặn đánh khi tướng Mớc đi qua. Bị tiếp đón bất ngờ, Mớc tuốt đánh gươm đôi, ngựa chạy thụt lui vấp phải dây khoai té ngã. Nhanh như chớp, ông Binh Vũ lao đến chặt đầu hắn, đem về treo ngọn pheo cho mọi người biết.

Về mặt giáo lý, thời kỳ này, giáo xứ tổ chức thi khảo ba năm một lần, tại ba địa điểm khác nhau: năm thứ nhất ở Cẩm Trường, năm thứ hai ở Thuận Nghĩa và năm thứ ba ở Thanh Dạ. Một hôm, Cha Đức đi dự khảo giáo lý ở họ Thanh Dạ trở về, qua Quỳnh Đôi, bị bọn côn đồ ra chặn đường đánh. Ngài đã dùng cây súng gỗ không có đạn nhe doạ bắn chúng và thụt lui về tới Đồng Chùa. Nghe tin, Cầm Trường lên đánh hiệp một; Thanh Dạ xuống đánh hiệp hai, lùa chúng lên tận kênh Hói Nồi, và giải cứu ngài trở về nhà xứ bình an vô sự.

Nhận thấy đời sống bổn đạo ở xứ Quỳnh Lưu bất ổn như thế, nên năm 1877, Đức Cha Hậu đã dùng sắc chỉ Vua ban, cho phép Cha Thiện và Cha phó Đức đem sáu đội quân do hai ông: Tuần Giới và Tuần Pớc cầm đầu, đi dẹp loạn Văn Thân, tại một số nơi thuộc phủ Diễn Châu và mấy điểm chính trong vùng Quỳnh Lưu. Từ đó, Văn Thân Quỳnh Lưu không còn dám hà hiếp đạo Công Giáo nữa.

Năm 1886, Văn Thân lại nổi lên lần thứ hai. Một hôm, trên đường đi làm phúc ở họ Sơn Trang, Cha Đức đã bị bọn Văn Thân bao vây. Trong lúc những người đàn anh đi giải cứu Cha, ở nhà có bọn Văn Thân Quỳnh Đôi và Thượng Yên xuống quậy phá. Lực bất tòng tâm, thiếu vắng anh tài, giáo dân chỉ biết đem ảnh Đức Mẹ Mân Côi ra nghênh chiến, vào nhà thờ cầu nguyện, đọc kinh, lần hạt, nài xin Mẹ đoái thương cứu giúp đoàn con cái.

Một phép lạ đã xảy ra! Thấy một nữ tướng cưỡi ngựa bạch, mặc áo trắng, chỉ huy đoàn binh đông vô số, từ trời ngự giá, bọn chúng khiếp đảm, bỏ chạy toán loạn. Văn Thân Quỳnh Lưu tự kết liễu đời mình. Kể từ đó, giáo xứ Cẩm Trường đã nhận Mẹ Mân Côi làm Quan thầy; bà con giáo dân hăng hái lập tổ Thánh Mẫu, lần hạt chung với nhau trong các gia đình cho tới ngày nay.

Năm 1887, một cơn bão to đã làm cho nhà thờ Chồng Diêm và nhiều nhà thờ trong xứ bị sập, riêng nhà thờ Hội Yên vì mới làm xong nên chỉ bị di xịch một dằm cột. Sau đó, Cha Đức cho dời nhà thờ xứ xuống địa sở hiện nay và chuẩn bị xây cất thánh đường Mân Côi mới to lớn hơn.

3. Thời Kỳ Hưng Phát

Năm 1884, Yên Hòa gồm 4 giáo họ tách lập xứ mới. Đây là con đầu lòng của xứ mẹ Cẩm Trường, nhưng mãi tới năm 1889, mới có Cha Hoàng quản nhiệm. Năm 1913, Đức Cha Bắc nhậm chức Giám mục, chăn dắt Giáo phận Vinh thịnh vượng. Giáo xứ truyền giáo Cẩm Trường cũng có nhiều đổi thay: vào dịp lễ Phục Sinh năm 1914, Thuận Nghĩa gồm 15 giáo họ từ Thuận Giang lên tới Cồn Cả và Nghĩa Thành; Thanh Dạ gồm 4 giáo họ; và Mành Sơn gồm 3 giáo họ, rời xa xứ mẹ, tách lập thành 3 giáo xứ mới.

Cũng trong năm đó, ngôi nhà thờ xứ thứ 2 (13 gian gỗ lim, 38m dài x 14m rộng x 18m cao), do cha Gioan Baotixita Đức sắm gỗ, và Cha Phêrô Ái xây dựng trường kỳ 8 năm, được Đức cha Bélois Bắc chủ sự cắt băng khánh thành và làm phép; còn nhà thờ “Chồng Diêm” cũ đem làm nhà xứ; và hiện nay là nhà truyền thống, năm sau khu vực nhà trường phía Tây ngôi thánh đường này.

Năm 1920, Tân Yên lại tiếp bước các giáo xứ anh, lìa xa xứ mẹ, tách lập xứ mới. Sau đó 3 năm (năm 1923), người em út là giáo xứ Song Ngọc mang đi 4 giáo họ, ra đi xây dựng tổ ấm mới. Lúc này, xứ mẹ chỉ còn lại 3 giáo họ sát cạnh nhau là: Cẩm Trường, Đồng Lăng và Hội Yên. Đến năm 1990, Cha Phanxicô Hồ Đức Hoàn xin phép Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp, cho xóm nhà thờ Cẩm Trường cũ (gọi tắt là “Trường Cũ”), kính thánh Gioan Tẩy Giả từ năm 1874, tách riêng thành giáo họ Trường Cựu.

Ngược dòng thời gian, chúng ta cùng nhau lần tìm về các Đấng chăn tiền nhiệm. Trước ngày thành lập, giáo xứ có 22 Linh mục Thừa sai chánh coi sóc; trong đó, có Cha Ambrôsiô Nhân là Thừa sai Pari từ trần vào năm 1834 ở nhà thờ cũ của giáo họ Trường Cựu. Năm làm nhà thờ xứ 1914, giáo dân đã cãi táng và chôn cất ngài trong nền nhà thờ, nay được tái lập mộ chí cùng với quý Cha quá cố, ở khu vực nghĩa trang phía Tây-Bắc khuôn viên thánh đường.

Từ ngày lập xứ đến nay, Cẩm Trường có 19 linh mục kế tiếp nhau quản nhiệm, có những Cha quản xứ lâu năm như: Cha G.B. Đức 29 năm, Cha Phêrô Ái 27 năm, Cha Phanxicô Hồ Đức Hoàn 35 năm, v.v.; trong số đó có 7 Cha đã yên nghỉ tại giáo xứ. Sau đây là danh sách các Linh mục chánh-phó xứ qua các thời kỳ:

Cha Giuse Huấn: 1867-1876; Cha Giuse Tuỳ phó 1869-1872; Cha Giuse Thiện: 1874 phó, 1876-1884 chánh; Cha G.B. Đức: 1876 phó, 1884-1906 chánh; Cha Phêrô Diệm: 1884-1885 phó; Cha Phêrô Ái: 1906-1933 từ trần; Cha Phêrô Hoan: 1931-1933 phó; Cha Phêrô Đoài: 1933-1934 phụ trách; Cha Anrê Thế: 1935-1938 từ trần; Cha G.B. Ninh: 1938-1940; Cha G.B. Đính: 1940-1943; Cha P.X. Khiêm: 1943-1944; Cha Phêrô Đình: 1944-1948 từ trần; Cha Giuse Đôn: 1944 hưu, 1948-1959 từ trần; Cha Phêrô Hậu: 1959-1961 phụ trách; Cha P.X. Hồ Đức Hoàn 1961-1995; Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng: 1996-1997 phụ trách; Cha Phêrô Lê Nam Cao: 1998-2006; và Cha Antôn Nguyễn Văn Thanh: 2006, đương nhiệm.

Giáo xứ Cẩm Trường có 21 linh mục con cái trong 34 giáo họ khi chưa phân xứ, và có 13 linh mục con cái trong 4 giáo họ hiện nay; trong đó, có Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quế đã tử vì đạo, ngày 14-11-1962, tại trại tù Quyết Tiến (Cổng Trời, Hà Giang); 5 Cha qua đời tại quê hương; và có Cha Già Giuse Nguyễn Hồng Thanh đang sống đến nay đã 81 tuổi.

Về bậc tu sĩ nam nữ, toàn giáo xứ có 5 đại chủng sinh; 22 vị khấn tạm và 28 vị đã khấn trọn đời tại các Dòng tu; trong đó, có 9 vị đã qua đời, 4 vị đang du học ở: Italia, Pháp, Mỹ và 14 vị đang tu học trong nước.

Từ khi thành lập đến nay, giáo xứ Cẩm Trường đã trải qua 21 khóa Ban Hành Giáo và nhiều Ban ngành đoàn thể khác, thay nhau cộng tác với Cha sở, để điều hành giáo xứ. Con số giáo dân cũng tăng trưởng theo thời gian và đạt tới con số 4856 nhân danh, tính đến hết năm 2009. Ấy là chưa kể, số giáo dân ra đi khai lập rất nhiều xứ-họ, trong Nam cũng như ngoài Bắc, mà chúng con không sao kể hết được.

Cách nay mấy năm, ngôi thánh đường Đức Mẹ Mân Côi cũ chật hẹp, đã bị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho các lễ nghi phụng vụ và sinh hoạt tôn giáo nữa. Qua bao tháng năm, với lòng mong mỏi, đợi trông của bà con giáo dân Cẩm trường muốn xây một ngôi thánh đường mới, Cha quản xứ tiền nhiệm, Phêrô Lê Nam Cao, đã lo thủ tục giấy tờ và giải phóng một phần mặt bằng, để làm đà tiến cho Cha xứ tân quản nhiệm, Antôn Nguyễn Văn Thanh, bắt tay vào kiến thiết.

Thế là, giấc mơ dài của bao thế hệ tiền nhân nối tiếp nhau nay đã trở thành hiện thực. Sau 40 ngày đêm miệt mài phần móng và đến ngày 05-03-2007, Đức Giám mục giáo phận, Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, đã chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường Mân Côi, với kích thước: dài 60m x rộng 20m x cao 48m (tính từ tháp).

Trong suốt quá trình thi công công trình này, cộng đoàn giáo xứ gặp không ít những khó khăn về nhiều mặt, nhất là vấn đề tài chính; vì lúc đầu, họ chỉ có trong tay 680 triệu đồng-số tiền này chưa đủ chi phí cho phần móng (chi phí móng hết 1 tỷ đồng). Nhưng, nhờ tình thương bao la của Thiên Chúa, qua lời bầu cử đắc lực Mẹ Quan thầy, cùng với lời cầu nguyện liên lỉ và sự quảng đại giúp đỡ của Đức Giám mục Giáo phận, quý Cha quê hương, quý Hiệp hội nước ngoài và quý ân nhân xa gần, sau 1100 ngày, ngôi thánh đường mới của giáo xứ đã được hoàn thành, với tổng kinh phí lên đến 7 tỷ đồng.

Hôm qua, ngày 10 tháng 03 năm 2010, chính Đức Giám mục Giáo phận, đã chủ thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường của Mẹ Mân Côi này cho Thiên Chúa, để làm nơi phượng tự xứng đáng, nhất là khi cử hành các phụng vụ thánh.

Hy vọng rằng, đại lễ này sẽ nhắc nhớ cộng đoàn hiện diện, cách riêng giáo dân giáo xứ Cẩm Trường rằng: Chúng ta cần siêng năng lui tới ngôi thánh đường bằng gỗ đá này để điểm tô, gìn giữ đền thờ tâm hồn của mỗi chúng ta, bằng chính nỗ lực sống theo và sống đúng Tin Mừng Chúa Kitô, như thánh Âugustinô đã t?ng khuyên dạy trong một thánh lễ cung hiến thánh đường: “Chúng ta đến đây để cung hiến nhà cầu nguyện; nhưng, đừng quên rằng nếu hôm nay nhà này trở thành nhà cầu nguyện, thì tâm hồn anh chị em phải luôn luôn là nhà của Thiên Chúa”.

Hiểu như thế, ngôi nhà thờ bằng gỗ đá này sẽ đứng đây như biểu tượng nhắc nhớ, hướng dẫn và giáo huấn chúng ta, để mỗi người ngày càng trở nên kitô hữu hơn và mỗi ngày thêm giống Chúa Kitô hơn.