MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM
Bài 12: Thành lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670
Song song với những công việc truyền giáo, thiết lập và xây dựng các giáo phận, đào tạo hàng giáo sỹ địa phương và phát triển các hoạt động mục vụ, Hai Đức Cha Pallu và Lambert đã cùng với các thừa sai khác thực hiện một công trình khác rất quan trọng cho Giáo Hội Việt Nam. Đó là việc thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá. Việc thành lập dòng là một quyết định chung do các thừa sai lấy trong Công Đồng Ayuthia 1664, và là một công trình tập thể được các linh mục và giám mục góp phần suốt trong 350 năm qua. Nhưng ý tưởng, sáng kiến khởi đầu và hành động tạo lập vào năm 1670 là do Đức Cha Lambert.
1. Năm 1664, đưa ra một « Linh đạo tông đồ » và lập Hội tông đồ « Những người mến thánh giá ».
Ngày 29/02/1664, Công Đồng Ayuthia đã khởi sự nhóm họp. Qua ba bài 9, 10 và 11, chúng ta đã xem qua những điểm quan trọng cho chương trình truyền giáo đã được các thừa sai quyết định trong công đồng. Chúng ta cũng đã xem qua việc thực hiện hai quyết định quan trọng: thành lập 17 giáo phận tông tòa tại Việt Nam và thành lập chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia đào tạo giáo sỹ tiên khỏi cho các giáo phận Việt Nam. Hai quyết định quan trọng khác cũng đã được lấy trong công đồng này: Việc soạn thảo « Một linh đạo tông đồ » và lập hội tông đồ « Những người mến thánh giá ».
Nhằm cải tiến lối sống không mấy tốt đẹp của các nhà truyền giáo đang sống tại vùng Á Đông, giúp các thừa sai mới và sắp đến, sống xứng hợp với lối sống khổ hạnh chân tu của vùng này và giúp tăng hiệu quả truyền bá Tin Mừng, các nghị phụ Công Đồng Ayuthia đã đưa ra một « Linh đạo tông đồ », theo đó, các thừa sai ở vùng này được một ơn gọi khác thường thì phải có lối sống cũng khác thường, nên:
- Các thừa sai phải từ bỏ hoàn toàn sự tự do xử dụng linh hồn mình và các tài năng mình, từ bỏ cả sự vui thú xảy đến do các thụ tạo hay do ơn siêu nhiên, hầu phó thác hoàn toàn cho Thánh Linh hoạt động.
- Các thừa sai phải luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh.
- Các thừa sai phải bắt chuớc các nhà Sư Sãi ở Xiêm, không dùng thuốc khi đau bệnh và không nằm trên giường nệm.
- Trừ ba ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống, còn trong các ngày khác quanh năm: kiêng thịt và ăn chay mọi ngày, không uống rượu.
(Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Mến Thánh Giá những năm đầu, San Diego ‘ Montréal, (2007), tr. 31-32)
Cùng với việc đưa ra một Linh Đạo Tông Đồ, Công đồng Ayuthia đã quyết định lập hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, theo những gợi ý quan trọng của Đức Cha Lambert.
Theo nhận định của cha Roland Jacques, O.M.I, thì « Hội Tông Đồ sẽ phải là dòng khấn trọng nghiêm ngặt hơn hết chưa bao giờ có trong Giáo Hội và khác biệt với mọi dòng khác. Hội tông đồ này gồm ít là hai ngành khác nhau, chia ra ba loại thành viên khác. Loại thứ nhất gồm các giám mục và các bề trên miền truyền giáo, được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ khắc nghiệt hết sức, tức là phải giữ đến cực độ ba lời khấn cả ở tòa trong và phải sống khổ hạnh cũng đến cực độ. Loại thứ nhì là các các thừa sai khác, gồm linh mục, tu huynh và giáo dân, mà luật sống của họ khá giống với luật Dòng Tên, ít ra như người ta nghĩ vào lúc ban đầu của Hội. Tất cả các thừa sai thuộc hai loại trên phải sống cộng đoàn và khắc khổ nghiêm ngặt, phải thích nghi với não trạng Á châu, điều mà Đức Cha Lambert đã nhận ra qua sự đạo đức nơi các nhà tu Á châu. Loại thứ ba gồm các thành viên bản địa cũng sống theo lý tưởng từ bỏ này. Trong loại thứ ba, ít ra phải hình thành ngay một dòng nữ ». (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 33-34)
Mục đích của hội là vun trồng khắp nơi tình yêu thực sự đối với thánh giá Con Thiên Chúa. Ai gia nhập hội thì giữ 6 điều sau:
- Giảng dạy và theo con đường chật hẹp của Phúc Âm, và xa lánh con đường rộng rãi.
- Lãnh nhận các bí tích thường xuyên nhất có thể, tuy nhiên phải vâng ý vị linh hướng mình.
- Mỗi ngày phải làm nửa giờ suy niệm về cuộc đời đau khổ, sự thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu Kitô.
- Mỗi ngày, vào ban chiều hay buổi tối, phải làm việc đánh tội trong khi đọc kinh « Miserere ».
- Vào ngày chúa nhật Lễ Lá cùng bốn ngày tiếp theo, phải làm gấp đôi việc hãm mình đó, và vào ngày thứ sáu tuần thánh, phải làm gấp ba lần, để tôn kính trọng thể cuộc Thương Khó và một cách đặc biệt, ngày tử nạn của Con Thiên Chúa.
- Phải tuân giữ đặc biệt là yêu thương kẻ thù địch mình.
Đức cha Lambert đã thuyết phục được Đức cha Pallu và các thừa sai khác chấp nhận chương trình này. Và trong công đồng Ayuthia, tất cả các vị hiện diện đều đã tuyên khấn: «... Chúng tôi tuyên hứa và thệ nguyện với Thiên Chúa rất tốt lành và rất cao cả đức khó nghèo đời tu sĩ, đức khiết tịnh và đức vâng phục, và nhất là điều được diễn tả qua ba lời khấn trên, nghĩa là sự thanh thoát toàn vẹn của linh hồn cùng các năng lực của linh hồn, từ bỏ tuyệt đối việc tự do xử dụng các năng lực tâm hồn cũng như từ chối mọi niềm vui vẻ có thể đến từ một thụ tạo hay ngay cả từ những ân huệ trên trời; sau cùng và theo Bên Trên sẽ ban cho chúng tôi, một niềm vâng phục trọn vẹn theo sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
«Chúng tôi cũng thề nguyền vâng lời hoàn toàn Đức Giáo Hoàng...
«Ngoài ra, chúng tôi tuyên hứa không tìm kiếm một bổng lộc nào, một tước vị nào, một chức vụ thuộc bất kỳ loại nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp...».
(Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá thế kỷ 17: thành lập và tổ chức; 1998, ch.1)
Một năm sau, tháng giêng 1665, đức cha Pallu lên đường trở lại Âu Châu. Ngoài các mục đích khác, ngài còn phải đệ trình lên Toà thánh để xin chuẩn nhận « Linh Đạo Tông Đồ » và việc thành lập «Hội dòng tông đồ Những Người Mến Thánh Giá». Tới Roma vào tháng tư năm 1667, đức cha Pallu trình bày với Thánh bộ Truyền Giáo về tình hình chung của các vùng truyền giáo Á Đông, đặc biệt là những vấn đề mà Công Đồng Ayuthia đã nêu ra, nhưng ngài chưa dám đề cập đến Linh Đạo Tông Đồ và Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, vì ngài đoán trước Thánh Bộ sẽ không chấp thuận. Sau đó, tháng giêng 1668, Đức cha đến Paris, bàn việc với Ban Giám Đốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngày 10/11/1668, đức cha trở lại Roma trình bày với Thánh Bộ hai vấn đề cam go trên. Ngày 13.8.1669, Thánh bộ Truyền Giáo báo cho đức cha Pallu quyết định của Thánh Bộ là bác bỏ « Linh Đạo Tông Đồ » và « Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá » và giải thệ các lời đã khấn; Ngày 6 tháng chín sau đó, đức giáo hoàng Clément IX xác nhận quyết định trên của Thánh bộ. Từ Roma trở lại Paris, đức cha Pallu thông báo tin trên cho đức cha Lambert de la Motte qua lá thư đề ngày 6.12.1669.
Trong khi Đức cha Pallu bôn ba ở Âu Châu, thì trên cánh đồng truyền giáo Á Đông Đức cha Lambert rất lạc quan. Tháng 10 năm 1667 ngài biên cho Đức cha Pallu một lá thơ loan báo dự tính của ngài: «Từ ít lâu nay tôi cứ toan tính viết cho đức cha, bàn tới ba việc phục vụ lớn mà chúng ta có thể đem lại cho Giáo Hội tại vương quốc này và ba việc ấy chắc sẽ được đón nhận tốt.
Việc thứ nhất là thành lập tại đây một chủng viện và một nhà trường thường trực cho tất cả các quốc gia, có thể chứa được gần một trăm người; đó là chuyện mà chúng ta đã đề đặt ra các điểm căn bản rồi, trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho được phát triển khả đáng.
Việc thứ hai là thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh; cộng đoàn này có thể sẽ cũng vậy và sẽ đông hơn cộng đoàn các thày chủng sinh. Về chuyện này, chúng ta sẽ cần tới một hoặc hai phụ nữ đức hạnh từ Pháp, có đặc ân về công tác này. Đi đường biển để đến đây thì không là chuyện khó khăn lắm; các phụ nữ ấy không được kém can đảm hơn các bà nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các bà Bồ Đào Nha đi khắp miền Ấn Độ Dương, và các bà Tây Ban Nha còn đi tới tận Phi Luật Tân.
Việc thứ ba là việc sẽ đem lại kết quả nhiều nhất dưới con mắt của triều đình là việc tạo nên một bệnh viện cho các kẻ đau yếu, và để điều hành bệnh viện thì cần hai người nhiệt tâm trong việc phục vụ người nghèo. Hai người ấy nên hiểu vài sự trong khoa giải phẫu và y học. Rồi ngay cả khi những sự giúp đỡ trên không lấy gì làm khéo léo lắm, ở chốn này họ cũng được xem như những kẻ xuất chúng rồi ». (Đào Quang Toản, Sđd, ibid.)
Việc thứ hai mà đức cha nói ở đây, liên hệ đến việc thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh, không hiểu đức cha chỉ nghĩ đến việc lập cộng đoàn này ở Ayuthia, nước Xiêm, hay có liên tưởng cả đến việc lập cộng đoàn này ở Đàng Ngoài và Đàng Trong nữa ? Trong thực tế, đức cha đã chính thức thiết lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá đầu tiên vào ngày 19/02/1670, bằng cách nhận lời hứa của hai dì Phaola và Inê tại Phố Hiến, Đàng Ngoài. Rồi tháng 12 năm 1671 ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Đàng Trong. Sau cùng, năm 1672, ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Ayuthia, nước Xiêm, gồm khoảng 4 hay 5 chị em, tất cả đều là người gốc xứ Đàng Trong.
2. Năm 1670, thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài
Năm 1666, cha Deydier đến Đàng Ngoài. Một năm sau, ngày 01.11.1667, ngài đã loan tin cho đưc cha Pallu và tháng giêng năm 1668 cho đức cha Lambert về sự kiện « các thiếu nữ và một vài bà góa muốn sống chung với nhau », « có nhiều người đã dâng hiến cho Thiên Chúa đức đồng trinh của mình và một số đông các quả phụ trẻ tuổi đã từ chối việc tái hôn lần thứ hai », « Con nghĩ rằng con có thể quy tụ lại được gần ba chục chị em là những người chỉ ao ước sống như thế », « hy vọng rằng Thiên Chúa ban cho chúng con phương tiện để có thể tạo nên một thứ tu viện trong đó những chị em này và nhiều chị em khác đủ mọi lứa tuổi có cùng lòng ao ước như vậy, sẽ sống chung với nhau ». Có thể nói được rằng cha Deydier đã chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để có thể tiến đến việc lập một dòng nữ.
Trong hai năm 1668 và 1669, bốn linh mục việt nam đầu tiên đã được đức cha Lambert phong chức tại Ayuthia. Đó là các cha Giuse Trang và Luca Bền thuộc địa phận Ðàng Trong. Cha Bênêđictô Hiền và cha Gioan Huệ thuộc địa phận Ðàng Ngoài. Qua tin tức do hai cha Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ cho biết về tình hình phát triển của giáo phận Ðàng Ngoài, Ðức cha Lambert nghĩ rằng đây là thời gian thuận tiện để xem xét việc tổ chức giáo hội ở đây với những đơn vị căn bản của nó: giáo hạt và giáo xứ, hầu xây dựng một nền tảng vững chắc, hữu hiệu, thứ tự và an bình về tổ chức và nguyên tắc mục vụ. Nghĩ như vậy, Ðức cha quyết định đi kinh lý Ðàng Ngoài.
Ðược hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard hộ tống, Ðức cha Lambert lấy tầu khởi hành ngày 23/07/1669. Ngày 30.8.1669, Đức cha Lambert đến Đàng Ngoài bằng tầu buôn của ông Junet người Pháp, gốc miền Bourguignon. Ngài ở lại đây được sáu tháng. Ngày 19.02.1670, thuyền rời bến cảng và ngày 14.03.1670, thuyền của ngài ra khơi về Xiêm.
Trong thời gian kinh lý Đàng Ngoài này, đức cha Lambert đã làm được bốn việc quan trọng: 1- Chứng kiến tận nơi đời sống đức tin của giáo dân việt nam và ban bí tích thêm sức cho họ; 2- Truyền chức 7 tân linh mục, ban các chức nhỏ cho 20 thầy giảng hạng thứ và ban phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn; 3- Họp Công Đồng Phố Hiến đặt nền tảng sinh hoạt và cơ cấu tổ chức giáo phận Đàng Ngoài; 4- Lập dòng nữ Mến Thánh Giá.
Ngày 14/02/1670, Công Đồng Phố Hiến đã khởi họp, dưới sự chủ tọa của Đức cha Lambert, với sự tham dự của 12 linh mục, trong đó có 3 thừa sai François Deydier, Jacques de Bourges, Gabriel Bouchard và 9 linh mục Việt Nam: Bentô Văn Hiền, Gioan Văn Huê, Martinô Mát, Antôn Văn Quế, Philipphê Văn Nhân, Simong Kiên, Giacôbê Văn Chiêu, Vitô Văn Trí, Lêông Văn Trông. Một bản văn công đồng đã được ký chung gồm 34 khoản, quy định các chức năng, kỷ luật, việc tổ chức và điều hành Giáo Hội địa phương. Văn bản được gửi sang Toà thánh Roma để xin phê chuẩn. Toà thánh, sau khi duyệt xét và thêm bớt một số chi tiết, rút lại còn 33 khoản, đã chuẩn nhận ngày 23.12.1673. Trong bản văn Công Đồng Phố Hiến đã được chuẩn nhận này, vẫn còn 2 khoản liên quan tới «dòng Mến Thánh Giá». Rõ rệt Công Đồng Phố Hiến đã quan tâm đến việc tổ chức Dòng Mến Thánh Giá.
Khoản 18 viết: « Những vị cai quản trên đây (các Thầy cả) cũng phải săn sóc không ít đối với các trinh nữ và các quả phụ, là những người đã tự ý lựa chọn giữ tiết dục, hiến mình phụng sự Đức Chúa Trời và sống chung với nhau.
Khoản 21 viết: «Các vị cai quản (thầy cả), các Thày giảng và các vị Trùm trưởng phải khuyên bổn đạo để họ theo đuổi, giữ đời sống nhiệm nhặt và con đường bé nhỏ của Phúc Âm, nhắn nhủ họ làm việc suy ngắm công khai trong nhà thờ ít là vào những ngày lễ, nhất là suy ngắm trong nhà thờ về những mầu nhiệm quan trọng nhất của đức tin chúng ta ».
Ngày thứ tư lễ Tro, 19/02/1670, Đức cha Lambert đã chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá tại giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha đã hiện diện trong lễ « tận hiến » của hai nữ tu Mến Thánh Giá việt nam đầu tiên. Đó là dì Phaola và dì Anê. Lễ tận hiến này, cũng giống như Công Đồng Phố Hiến, có lẽ đã được tổ chức trên tầu Pháp, trong khu vực Phố Hiến.
Mấy ngày trước khi các dì khấn, tại Phố hiến, đức cha đã biên cho các dì một lá thơ, nói tới việc gởi cho các dì một bản « Những điều lệ nhỏ », mà ngài đã soạn từ lâu, để giúp các dì sống. Bản « Những điều lệ nhỏ » này chính là bản hiến chương « Luật Tiên Khởi Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô », gồm năm chương: Giáo đầu, Mục đích, Các nhiệm vụ của Tu hội, Quy tắc (14 điều), Kết luận.
Dự lễ khấn xong, đức cha theo tầu Pháp rời Phố Hiến, trở về Ayuthia. Nhưng tới cửa khẩu, gặp gió to bão lớn, tầu không ra khơi được, phải đợi lại ở đây đến ngày 14/03/1670, mới giong buồm ra biển về Ayuthia được. Trong những ngày chờ đợi này, đức cha đã biên thơ nhắn nhủ hai dì Phaola và Anê.
Bức thư đặc biệt nhắc đến tinh thần tu đức cốt lõi của Dòng Mến Thánh Giá: « chúng con không còn thuộc về mình nữa, song hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Chúng con đã tận hiến mình cho Người, hầu từ nay trở đi chỉ còn chuyên cần lo hiểu biết Người và yêu mến Người, bằng sự nguyện ngắm và bắt chước đời sống đau khổ của Người và bằng cách tuân giữ những nghĩa vụ của Hội dòng chúng con…. chúng con thấy đó sự cao sang của ơn gọi chúng con và chúng con đã chết cho thế gian; nghĩa là chết cho các giác quan, bản tính và lý trí con người, để từ nay chỉ còn sống theo những lời dạy, những việc làm và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô »
Bức thư cũng nhắc nhớ các chị lo lắng huấn luyện các tập sinh và cầu nguyện cho những kẻ ngoại và những kytô hữu bê bối được ơn trở lại; « Cha cũng dặn dò chúng con một cách riêng phải vô cùng lo lắng cho các chị em tập sinh của chúng con mà chúng con phải xem họ như những của thánh mà Thiên Chúa đã đặt để trong bàn tay chúng con. Chúng con hãy nhớ thường xuyên dạy bảo họ mục đích chính của Hội dòng chúng con là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu Kitô nơi họ và hằng ngày xin Người, qua những lời nguyện, nước mắt, công việc, hy sinh của chúng con, ơn trở lại cho những kẻ ngoại đạo và những Kitô hữu bê bối ». (Đào Quang Toản, Sđd, chương ba)
Theo lời thơ này, chúng ta có thể hiểu được rằng vào năm 1670 này, ở Đàng Ngoài đã có một vài địa điểm mà các chị quy tụ sống chung với nhau, mà hai dì Phaola và Inê là bề trên. Nhưng không có tư liệu nào ghi rõ rệt. Ngày nay, người ta tạm cho là ở Kiên Lao và Bái Vàng. (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 93).
3. Dòng Mến Thánh Giá phát triển
Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, Ðức cha Lambert đi kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian này, vào tháng 12 năm 1671, ngài đã lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Quảng Ngãi. Nhà dòng gồm 10 chị, sống chung trong cùng một cộng đoàn trong ngôi nhà và vườn do bà Luxia Kỳ dâng cúng. Họ có một chị bề trên mà họ yêu mến và hoàn toàn tôn trọng. Họ có một lòng tin tưởng và vâng phục trọn hảo nơi vị linh hướng của họ. Luật dòng của họ hoàn toàn giống với luật dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài.
Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng, trong đó có việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Ayuthia vào khoảng cuối năm 1672, với bản luật như ở Việt Nam.
Trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ II, từ 06/08/1675 đến 22/04/1676, đức cha đã được một niềm vui lớn. Trong thơ gởi cho đức cha François de Laval, ngài viết: «Ngày 14.11.1676- Tháng năm vừa qua, tôi đã trở về từ xứ Đàng Trong thương mến của tôi, nơi tôi đã đi thăm tất cả các tín hữu trong nhiều tỉnh hạt, với một niềm vui khó tả được.Tôi đã thăm một cộng đoàn các chị em đồng trinh là những kẻ đang đến cùng Thiên Chúa với cung cách cao cả và họ cần chúng tôi đặt hạn mức cho lòng sốt sắng của họ».
Và cho bà công tước Longueville ở Pháp, ngài viết: « Xiêm La ngày 16.11.1676 - Bà Bá Tước sẽ được vui mừng khi tôi cho tin bà hay rằng cộng đoàn các chị em đồng trinh mà chúng tôi có được ở xứ ấy là những tâm hồn ưu tú, họ mang danh hiệu Chị em Mến Thánh Giá đấng Cứu Thế, là Đấng mà họ cố gắng bắt chước đời sống và những đau khổ của Người».
(Đào Quang Toản, Sđd, chương năm)
Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho thấy rằng các nữ tu Mến Thánh Gía Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ, như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ và những thử thách khách quan, đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em Mến Thánh Giá.
Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.
Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-Diệm dẫn đến việc 61 chị em Mến Thánh Giá đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.
Sau công Đồng Vatican II, một luồng gió canh tân đang hướng dẫn dòng Mến Thánh Giá trở về nguồn, về với nguyên hứng ban đầu của Đấng Sáng lập. Năm 1970, một lể kỷ niệm Đệ Tam Bách Chu niên thành lập Dòng Mến Thánh Giá của 14 hội dòng Mến Thánh Giá miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã được tổ chức tại tại tu viện Mến Thánh Giá Chợ Quán, là một sự kiện mang ý nghĩa lớn. Dịp này, một bản dự thảo Hiến Pháp in ronéo cho dòng Mến Thánh Giá của cha Luca Huy được đề nghị ra để tham khảo, và việc thành lập « Học viện liên dòng Mến Thánh Giá » cũng được Đại Hội biểu quyết.
Trong những năm đầu thập niên 80, nhờ sự quan tâm của cha Vương Đình Khởi và nỗi thao thức mục tử nơi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, một « Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Dòng Mến Thánh Giá thành phố Hồ Chí Minh » đã được thành lập với phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 25/08/1985. Cha Vương Đình Khởi được Đức Tổng Giám Mục định vị là « cố vấn của Nhóm ». Các thành viên trong Nhóm gồm cha cố vấn và 14 nữ tu trong 7 hội dòng tại thành phố, thường là chị tổng phụ trách và chị thư ký. Ban chỉ đạo gồm có cha cố vấn, chị tổng phụ trách Chợ Quán, chị tổng phụ trách Gò Vấp và chị tổng phụ trách Thủ Thiêm.
Sau khi thành lập, Nhóm khẩn trương bắt tay vào việc ngay, qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Soạn tiểu sử Đấng Sáng Lập và linh đạo (1985-1987)
Giai đoạn 2: Soạn thảo Hiến Chương (1987-1990)
Giai đoạn 3: 1990-1993: tổ chức những khóa bồi dưỡng và thực hiện được ba tiểu phẩm:
- Soạn quyển Nghi thức Dòng Mến Thánh Giá (1991).
- Soạn quyển Giải thích phần Linh đạo của Hiến Chương (1993).
- Soạn Quy chế Mến Thánh Giá tại thế (1995)
Năm 1998, Nhóm Nghiên Cứu cho tái bản « Tập tiểu sử và bút tích Đức Cha Lambert de la Motte ». Và trong hai năm 1998-1999, Nhóm soạn thảo lại và bổ sung quyển Hiến Chương năm 1990. Ngày 02 tháng 02 năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn, đã chính thức phê chuẩn Hiến Chương cho 7 hội dòng Mến Thánh Giá có nhà mẹ trong tổng giáo phận. Hiện nay có hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles (Hoa Kỳ) và 19/23 hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam đón nhận Hiến Chương này.
Hướng về tương lai gần và xa, Nhóm Nghiên Cứu cưu mang ba dự án:
1. Soạn quyển lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, điều mà Nhóm ôm ấp từ lâu nhưng chưa thực hiện được.
2. Hình thành một Học viện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong tinh thần chuẩn bị, hiện đang có một lớp Bồi dưỡng Thần học Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, kết hợp với khối Thần học Dòng nữ của Liên Tu sĩ thành phố.
3. Lập Liên Hiệp Dòng Mến Thánh Giá, bắt đầu cho tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và khi thuận tiện cho toàn quốc.
(Đào Quang Toản, Những cải cách trong lịch sử dòng Mến Thánh Giá,
http://pagesperso-orange.fr/daoquangtoan/articlesPJD/NhungCaicach.htm)
Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt nam chiếm đa số.
Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.
LỜI KẾT
Ðể kết luận bài biên khảo nhỏ này, có lẽ không gì chính đáng bằng lặp lại lời của một linh mục việt nam, cha Nguyễn Hữu An, mới đây đã viết về Ðức Cha Lambert như sau: « Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài thực hiện ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người nữ yêu mến Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người nữ Yêu mến Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.
Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài ». ( LM. Nguyễn Hữu An, HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT, trong VietCatholic News (Thứ Sáu 14/03/2008 11:19)
http://vietcatholic.net/News/Html/53086.htm)
Paris, ngày 25 tháng 03 năm 2010
Bài 12: Thành lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670
1. Năm 1664, đưa ra một « Linh đạo tông đồ » và lập Hội tông đồ « Những người mến thánh giá ».
Ngày 29/02/1664, Công Đồng Ayuthia đã khởi sự nhóm họp. Qua ba bài 9, 10 và 11, chúng ta đã xem qua những điểm quan trọng cho chương trình truyền giáo đã được các thừa sai quyết định trong công đồng. Chúng ta cũng đã xem qua việc thực hiện hai quyết định quan trọng: thành lập 17 giáo phận tông tòa tại Việt Nam và thành lập chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia đào tạo giáo sỹ tiên khỏi cho các giáo phận Việt Nam. Hai quyết định quan trọng khác cũng đã được lấy trong công đồng này: Việc soạn thảo « Một linh đạo tông đồ » và lập hội tông đồ « Những người mến thánh giá ».
Nhằm cải tiến lối sống không mấy tốt đẹp của các nhà truyền giáo đang sống tại vùng Á Đông, giúp các thừa sai mới và sắp đến, sống xứng hợp với lối sống khổ hạnh chân tu của vùng này và giúp tăng hiệu quả truyền bá Tin Mừng, các nghị phụ Công Đồng Ayuthia đã đưa ra một « Linh đạo tông đồ », theo đó, các thừa sai ở vùng này được một ơn gọi khác thường thì phải có lối sống cũng khác thường, nên:
- Các thừa sai phải từ bỏ hoàn toàn sự tự do xử dụng linh hồn mình và các tài năng mình, từ bỏ cả sự vui thú xảy đến do các thụ tạo hay do ơn siêu nhiên, hầu phó thác hoàn toàn cho Thánh Linh hoạt động.
- Các thừa sai phải luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh.
- Các thừa sai phải bắt chuớc các nhà Sư Sãi ở Xiêm, không dùng thuốc khi đau bệnh và không nằm trên giường nệm.
- Trừ ba ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống, còn trong các ngày khác quanh năm: kiêng thịt và ăn chay mọi ngày, không uống rượu.
(Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Mến Thánh Giá những năm đầu, San Diego ‘ Montréal, (2007), tr. 31-32)
Cùng với việc đưa ra một Linh Đạo Tông Đồ, Công đồng Ayuthia đã quyết định lập hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, theo những gợi ý quan trọng của Đức Cha Lambert.
Theo nhận định của cha Roland Jacques, O.M.I, thì « Hội Tông Đồ sẽ phải là dòng khấn trọng nghiêm ngặt hơn hết chưa bao giờ có trong Giáo Hội và khác biệt với mọi dòng khác. Hội tông đồ này gồm ít là hai ngành khác nhau, chia ra ba loại thành viên khác. Loại thứ nhất gồm các giám mục và các bề trên miền truyền giáo, được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ khắc nghiệt hết sức, tức là phải giữ đến cực độ ba lời khấn cả ở tòa trong và phải sống khổ hạnh cũng đến cực độ. Loại thứ nhì là các các thừa sai khác, gồm linh mục, tu huynh và giáo dân, mà luật sống của họ khá giống với luật Dòng Tên, ít ra như người ta nghĩ vào lúc ban đầu của Hội. Tất cả các thừa sai thuộc hai loại trên phải sống cộng đoàn và khắc khổ nghiêm ngặt, phải thích nghi với não trạng Á châu, điều mà Đức Cha Lambert đã nhận ra qua sự đạo đức nơi các nhà tu Á châu. Loại thứ ba gồm các thành viên bản địa cũng sống theo lý tưởng từ bỏ này. Trong loại thứ ba, ít ra phải hình thành ngay một dòng nữ ». (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 33-34)
Mục đích của hội là vun trồng khắp nơi tình yêu thực sự đối với thánh giá Con Thiên Chúa. Ai gia nhập hội thì giữ 6 điều sau:
- Giảng dạy và theo con đường chật hẹp của Phúc Âm, và xa lánh con đường rộng rãi.
- Lãnh nhận các bí tích thường xuyên nhất có thể, tuy nhiên phải vâng ý vị linh hướng mình.
- Mỗi ngày phải làm nửa giờ suy niệm về cuộc đời đau khổ, sự thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu Kitô.
- Mỗi ngày, vào ban chiều hay buổi tối, phải làm việc đánh tội trong khi đọc kinh « Miserere ».
- Vào ngày chúa nhật Lễ Lá cùng bốn ngày tiếp theo, phải làm gấp đôi việc hãm mình đó, và vào ngày thứ sáu tuần thánh, phải làm gấp ba lần, để tôn kính trọng thể cuộc Thương Khó và một cách đặc biệt, ngày tử nạn của Con Thiên Chúa.
- Phải tuân giữ đặc biệt là yêu thương kẻ thù địch mình.
Đức cha Lambert đã thuyết phục được Đức cha Pallu và các thừa sai khác chấp nhận chương trình này. Và trong công đồng Ayuthia, tất cả các vị hiện diện đều đã tuyên khấn: «... Chúng tôi tuyên hứa và thệ nguyện với Thiên Chúa rất tốt lành và rất cao cả đức khó nghèo đời tu sĩ, đức khiết tịnh và đức vâng phục, và nhất là điều được diễn tả qua ba lời khấn trên, nghĩa là sự thanh thoát toàn vẹn của linh hồn cùng các năng lực của linh hồn, từ bỏ tuyệt đối việc tự do xử dụng các năng lực tâm hồn cũng như từ chối mọi niềm vui vẻ có thể đến từ một thụ tạo hay ngay cả từ những ân huệ trên trời; sau cùng và theo Bên Trên sẽ ban cho chúng tôi, một niềm vâng phục trọn vẹn theo sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
«Chúng tôi cũng thề nguyền vâng lời hoàn toàn Đức Giáo Hoàng...
«Ngoài ra, chúng tôi tuyên hứa không tìm kiếm một bổng lộc nào, một tước vị nào, một chức vụ thuộc bất kỳ loại nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp...».
(Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá thế kỷ 17: thành lập và tổ chức; 1998, ch.1)
Một năm sau, tháng giêng 1665, đức cha Pallu lên đường trở lại Âu Châu. Ngoài các mục đích khác, ngài còn phải đệ trình lên Toà thánh để xin chuẩn nhận « Linh Đạo Tông Đồ » và việc thành lập «Hội dòng tông đồ Những Người Mến Thánh Giá». Tới Roma vào tháng tư năm 1667, đức cha Pallu trình bày với Thánh bộ Truyền Giáo về tình hình chung của các vùng truyền giáo Á Đông, đặc biệt là những vấn đề mà Công Đồng Ayuthia đã nêu ra, nhưng ngài chưa dám đề cập đến Linh Đạo Tông Đồ và Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá, vì ngài đoán trước Thánh Bộ sẽ không chấp thuận. Sau đó, tháng giêng 1668, Đức cha đến Paris, bàn việc với Ban Giám Đốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngày 10/11/1668, đức cha trở lại Roma trình bày với Thánh Bộ hai vấn đề cam go trên. Ngày 13.8.1669, Thánh bộ Truyền Giáo báo cho đức cha Pallu quyết định của Thánh Bộ là bác bỏ « Linh Đạo Tông Đồ » và « Hội tông đồ Những Người Mến Thánh Giá » và giải thệ các lời đã khấn; Ngày 6 tháng chín sau đó, đức giáo hoàng Clément IX xác nhận quyết định trên của Thánh bộ. Từ Roma trở lại Paris, đức cha Pallu thông báo tin trên cho đức cha Lambert de la Motte qua lá thư đề ngày 6.12.1669.
Trong khi Đức cha Pallu bôn ba ở Âu Châu, thì trên cánh đồng truyền giáo Á Đông Đức cha Lambert rất lạc quan. Tháng 10 năm 1667 ngài biên cho Đức cha Pallu một lá thơ loan báo dự tính của ngài: «Từ ít lâu nay tôi cứ toan tính viết cho đức cha, bàn tới ba việc phục vụ lớn mà chúng ta có thể đem lại cho Giáo Hội tại vương quốc này và ba việc ấy chắc sẽ được đón nhận tốt.
Việc thứ nhất là thành lập tại đây một chủng viện và một nhà trường thường trực cho tất cả các quốc gia, có thể chứa được gần một trăm người; đó là chuyện mà chúng ta đã đề đặt ra các điểm căn bản rồi, trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho được phát triển khả đáng.
Việc thứ hai là thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh; cộng đoàn này có thể sẽ cũng vậy và sẽ đông hơn cộng đoàn các thày chủng sinh. Về chuyện này, chúng ta sẽ cần tới một hoặc hai phụ nữ đức hạnh từ Pháp, có đặc ân về công tác này. Đi đường biển để đến đây thì không là chuyện khó khăn lắm; các phụ nữ ấy không được kém can đảm hơn các bà nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các bà Bồ Đào Nha đi khắp miền Ấn Độ Dương, và các bà Tây Ban Nha còn đi tới tận Phi Luật Tân.
Việc thứ ba là việc sẽ đem lại kết quả nhiều nhất dưới con mắt của triều đình là việc tạo nên một bệnh viện cho các kẻ đau yếu, và để điều hành bệnh viện thì cần hai người nhiệt tâm trong việc phục vụ người nghèo. Hai người ấy nên hiểu vài sự trong khoa giải phẫu và y học. Rồi ngay cả khi những sự giúp đỡ trên không lấy gì làm khéo léo lắm, ở chốn này họ cũng được xem như những kẻ xuất chúng rồi ». (Đào Quang Toản, Sđd, ibid.)
Việc thứ hai mà đức cha nói ở đây, liên hệ đến việc thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh, không hiểu đức cha chỉ nghĩ đến việc lập cộng đoàn này ở Ayuthia, nước Xiêm, hay có liên tưởng cả đến việc lập cộng đoàn này ở Đàng Ngoài và Đàng Trong nữa ? Trong thực tế, đức cha đã chính thức thiết lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá đầu tiên vào ngày 19/02/1670, bằng cách nhận lời hứa của hai dì Phaola và Inê tại Phố Hiến, Đàng Ngoài. Rồi tháng 12 năm 1671 ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Đàng Trong. Sau cùng, năm 1672, ngài đã lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Ayuthia, nước Xiêm, gồm khoảng 4 hay 5 chị em, tất cả đều là người gốc xứ Đàng Trong.
2. Năm 1670, thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài
Năm 1666, cha Deydier đến Đàng Ngoài. Một năm sau, ngày 01.11.1667, ngài đã loan tin cho đưc cha Pallu và tháng giêng năm 1668 cho đức cha Lambert về sự kiện « các thiếu nữ và một vài bà góa muốn sống chung với nhau », « có nhiều người đã dâng hiến cho Thiên Chúa đức đồng trinh của mình và một số đông các quả phụ trẻ tuổi đã từ chối việc tái hôn lần thứ hai », « Con nghĩ rằng con có thể quy tụ lại được gần ba chục chị em là những người chỉ ao ước sống như thế », « hy vọng rằng Thiên Chúa ban cho chúng con phương tiện để có thể tạo nên một thứ tu viện trong đó những chị em này và nhiều chị em khác đủ mọi lứa tuổi có cùng lòng ao ước như vậy, sẽ sống chung với nhau ». Có thể nói được rằng cha Deydier đã chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để có thể tiến đến việc lập một dòng nữ.
Trong hai năm 1668 và 1669, bốn linh mục việt nam đầu tiên đã được đức cha Lambert phong chức tại Ayuthia. Đó là các cha Giuse Trang và Luca Bền thuộc địa phận Ðàng Trong. Cha Bênêđictô Hiền và cha Gioan Huệ thuộc địa phận Ðàng Ngoài. Qua tin tức do hai cha Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ cho biết về tình hình phát triển của giáo phận Ðàng Ngoài, Ðức cha Lambert nghĩ rằng đây là thời gian thuận tiện để xem xét việc tổ chức giáo hội ở đây với những đơn vị căn bản của nó: giáo hạt và giáo xứ, hầu xây dựng một nền tảng vững chắc, hữu hiệu, thứ tự và an bình về tổ chức và nguyên tắc mục vụ. Nghĩ như vậy, Ðức cha quyết định đi kinh lý Ðàng Ngoài.
Ðược hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard hộ tống, Ðức cha Lambert lấy tầu khởi hành ngày 23/07/1669. Ngày 30.8.1669, Đức cha Lambert đến Đàng Ngoài bằng tầu buôn của ông Junet người Pháp, gốc miền Bourguignon. Ngài ở lại đây được sáu tháng. Ngày 19.02.1670, thuyền rời bến cảng và ngày 14.03.1670, thuyền của ngài ra khơi về Xiêm.
Trong thời gian kinh lý Đàng Ngoài này, đức cha Lambert đã làm được bốn việc quan trọng: 1- Chứng kiến tận nơi đời sống đức tin của giáo dân việt nam và ban bí tích thêm sức cho họ; 2- Truyền chức 7 tân linh mục, ban các chức nhỏ cho 20 thầy giảng hạng thứ và ban phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn; 3- Họp Công Đồng Phố Hiến đặt nền tảng sinh hoạt và cơ cấu tổ chức giáo phận Đàng Ngoài; 4- Lập dòng nữ Mến Thánh Giá.
Ngày 14/02/1670, Công Đồng Phố Hiến đã khởi họp, dưới sự chủ tọa của Đức cha Lambert, với sự tham dự của 12 linh mục, trong đó có 3 thừa sai François Deydier, Jacques de Bourges, Gabriel Bouchard và 9 linh mục Việt Nam: Bentô Văn Hiền, Gioan Văn Huê, Martinô Mát, Antôn Văn Quế, Philipphê Văn Nhân, Simong Kiên, Giacôbê Văn Chiêu, Vitô Văn Trí, Lêông Văn Trông. Một bản văn công đồng đã được ký chung gồm 34 khoản, quy định các chức năng, kỷ luật, việc tổ chức và điều hành Giáo Hội địa phương. Văn bản được gửi sang Toà thánh Roma để xin phê chuẩn. Toà thánh, sau khi duyệt xét và thêm bớt một số chi tiết, rút lại còn 33 khoản, đã chuẩn nhận ngày 23.12.1673. Trong bản văn Công Đồng Phố Hiến đã được chuẩn nhận này, vẫn còn 2 khoản liên quan tới «dòng Mến Thánh Giá». Rõ rệt Công Đồng Phố Hiến đã quan tâm đến việc tổ chức Dòng Mến Thánh Giá.
Khoản 18 viết: « Những vị cai quản trên đây (các Thầy cả) cũng phải săn sóc không ít đối với các trinh nữ và các quả phụ, là những người đã tự ý lựa chọn giữ tiết dục, hiến mình phụng sự Đức Chúa Trời và sống chung với nhau.
Khoản 21 viết: «Các vị cai quản (thầy cả), các Thày giảng và các vị Trùm trưởng phải khuyên bổn đạo để họ theo đuổi, giữ đời sống nhiệm nhặt và con đường bé nhỏ của Phúc Âm, nhắn nhủ họ làm việc suy ngắm công khai trong nhà thờ ít là vào những ngày lễ, nhất là suy ngắm trong nhà thờ về những mầu nhiệm quan trọng nhất của đức tin chúng ta ».
Ngày thứ tư lễ Tro, 19/02/1670, Đức cha Lambert đã chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá tại giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha đã hiện diện trong lễ « tận hiến » của hai nữ tu Mến Thánh Giá việt nam đầu tiên. Đó là dì Phaola và dì Anê. Lễ tận hiến này, cũng giống như Công Đồng Phố Hiến, có lẽ đã được tổ chức trên tầu Pháp, trong khu vực Phố Hiến.
Mấy ngày trước khi các dì khấn, tại Phố hiến, đức cha đã biên cho các dì một lá thơ, nói tới việc gởi cho các dì một bản « Những điều lệ nhỏ », mà ngài đã soạn từ lâu, để giúp các dì sống. Bản « Những điều lệ nhỏ » này chính là bản hiến chương « Luật Tiên Khởi Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô », gồm năm chương: Giáo đầu, Mục đích, Các nhiệm vụ của Tu hội, Quy tắc (14 điều), Kết luận.
Dự lễ khấn xong, đức cha theo tầu Pháp rời Phố Hiến, trở về Ayuthia. Nhưng tới cửa khẩu, gặp gió to bão lớn, tầu không ra khơi được, phải đợi lại ở đây đến ngày 14/03/1670, mới giong buồm ra biển về Ayuthia được. Trong những ngày chờ đợi này, đức cha đã biên thơ nhắn nhủ hai dì Phaola và Anê.
Bức thư đặc biệt nhắc đến tinh thần tu đức cốt lõi của Dòng Mến Thánh Giá: « chúng con không còn thuộc về mình nữa, song hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Chúng con đã tận hiến mình cho Người, hầu từ nay trở đi chỉ còn chuyên cần lo hiểu biết Người và yêu mến Người, bằng sự nguyện ngắm và bắt chước đời sống đau khổ của Người và bằng cách tuân giữ những nghĩa vụ của Hội dòng chúng con…. chúng con thấy đó sự cao sang của ơn gọi chúng con và chúng con đã chết cho thế gian; nghĩa là chết cho các giác quan, bản tính và lý trí con người, để từ nay chỉ còn sống theo những lời dạy, những việc làm và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô »
Bức thư cũng nhắc nhớ các chị lo lắng huấn luyện các tập sinh và cầu nguyện cho những kẻ ngoại và những kytô hữu bê bối được ơn trở lại; « Cha cũng dặn dò chúng con một cách riêng phải vô cùng lo lắng cho các chị em tập sinh của chúng con mà chúng con phải xem họ như những của thánh mà Thiên Chúa đã đặt để trong bàn tay chúng con. Chúng con hãy nhớ thường xuyên dạy bảo họ mục đích chính của Hội dòng chúng con là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu Kitô nơi họ và hằng ngày xin Người, qua những lời nguyện, nước mắt, công việc, hy sinh của chúng con, ơn trở lại cho những kẻ ngoại đạo và những Kitô hữu bê bối ». (Đào Quang Toản, Sđd, chương ba)
Theo lời thơ này, chúng ta có thể hiểu được rằng vào năm 1670 này, ở Đàng Ngoài đã có một vài địa điểm mà các chị quy tụ sống chung với nhau, mà hai dì Phaola và Inê là bề trên. Nhưng không có tư liệu nào ghi rõ rệt. Ngày nay, người ta tạm cho là ở Kiên Lao và Bái Vàng. (Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 93).
3. Dòng Mến Thánh Giá phát triển
Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, Ðức cha Lambert đi kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian này, vào tháng 12 năm 1671, ngài đã lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Quảng Ngãi. Nhà dòng gồm 10 chị, sống chung trong cùng một cộng đoàn trong ngôi nhà và vườn do bà Luxia Kỳ dâng cúng. Họ có một chị bề trên mà họ yêu mến và hoàn toàn tôn trọng. Họ có một lòng tin tưởng và vâng phục trọn hảo nơi vị linh hướng của họ. Luật dòng của họ hoàn toàn giống với luật dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài.
Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng, trong đó có việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Ayuthia vào khoảng cuối năm 1672, với bản luật như ở Việt Nam.
Trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ II, từ 06/08/1675 đến 22/04/1676, đức cha đã được một niềm vui lớn. Trong thơ gởi cho đức cha François de Laval, ngài viết: «Ngày 14.11.1676- Tháng năm vừa qua, tôi đã trở về từ xứ Đàng Trong thương mến của tôi, nơi tôi đã đi thăm tất cả các tín hữu trong nhiều tỉnh hạt, với một niềm vui khó tả được.Tôi đã thăm một cộng đoàn các chị em đồng trinh là những kẻ đang đến cùng Thiên Chúa với cung cách cao cả và họ cần chúng tôi đặt hạn mức cho lòng sốt sắng của họ».
Và cho bà công tước Longueville ở Pháp, ngài viết: « Xiêm La ngày 16.11.1676 - Bà Bá Tước sẽ được vui mừng khi tôi cho tin bà hay rằng cộng đoàn các chị em đồng trinh mà chúng tôi có được ở xứ ấy là những tâm hồn ưu tú, họ mang danh hiệu Chị em Mến Thánh Giá đấng Cứu Thế, là Đấng mà họ cố gắng bắt chước đời sống và những đau khổ của Người».
(Đào Quang Toản, Sđd, chương năm)
Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho thấy rằng các nữ tu Mến Thánh Gía Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ, như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ và những thử thách khách quan, đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em Mến Thánh Giá.
Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.
Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-Diệm dẫn đến việc 61 chị em Mến Thánh Giá đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.
Sau công Đồng Vatican II, một luồng gió canh tân đang hướng dẫn dòng Mến Thánh Giá trở về nguồn, về với nguyên hứng ban đầu của Đấng Sáng lập. Năm 1970, một lể kỷ niệm Đệ Tam Bách Chu niên thành lập Dòng Mến Thánh Giá của 14 hội dòng Mến Thánh Giá miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã được tổ chức tại tại tu viện Mến Thánh Giá Chợ Quán, là một sự kiện mang ý nghĩa lớn. Dịp này, một bản dự thảo Hiến Pháp in ronéo cho dòng Mến Thánh Giá của cha Luca Huy được đề nghị ra để tham khảo, và việc thành lập « Học viện liên dòng Mến Thánh Giá » cũng được Đại Hội biểu quyết.
Trong những năm đầu thập niên 80, nhờ sự quan tâm của cha Vương Đình Khởi và nỗi thao thức mục tử nơi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, một « Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Dòng Mến Thánh Giá thành phố Hồ Chí Minh » đã được thành lập với phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 25/08/1985. Cha Vương Đình Khởi được Đức Tổng Giám Mục định vị là « cố vấn của Nhóm ». Các thành viên trong Nhóm gồm cha cố vấn và 14 nữ tu trong 7 hội dòng tại thành phố, thường là chị tổng phụ trách và chị thư ký. Ban chỉ đạo gồm có cha cố vấn, chị tổng phụ trách Chợ Quán, chị tổng phụ trách Gò Vấp và chị tổng phụ trách Thủ Thiêm.
Sau khi thành lập, Nhóm khẩn trương bắt tay vào việc ngay, qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Soạn tiểu sử Đấng Sáng Lập và linh đạo (1985-1987)
Giai đoạn 2: Soạn thảo Hiến Chương (1987-1990)
Giai đoạn 3: 1990-1993: tổ chức những khóa bồi dưỡng và thực hiện được ba tiểu phẩm:
- Soạn quyển Nghi thức Dòng Mến Thánh Giá (1991).
- Soạn quyển Giải thích phần Linh đạo của Hiến Chương (1993).
- Soạn Quy chế Mến Thánh Giá tại thế (1995)
Năm 1998, Nhóm Nghiên Cứu cho tái bản « Tập tiểu sử và bút tích Đức Cha Lambert de la Motte ». Và trong hai năm 1998-1999, Nhóm soạn thảo lại và bổ sung quyển Hiến Chương năm 1990. Ngày 02 tháng 02 năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn, đã chính thức phê chuẩn Hiến Chương cho 7 hội dòng Mến Thánh Giá có nhà mẹ trong tổng giáo phận. Hiện nay có hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles (Hoa Kỳ) và 19/23 hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam đón nhận Hiến Chương này.
Hướng về tương lai gần và xa, Nhóm Nghiên Cứu cưu mang ba dự án:
1. Soạn quyển lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, điều mà Nhóm ôm ấp từ lâu nhưng chưa thực hiện được.
2. Hình thành một Học viện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong tinh thần chuẩn bị, hiện đang có một lớp Bồi dưỡng Thần học Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, kết hợp với khối Thần học Dòng nữ của Liên Tu sĩ thành phố.
3. Lập Liên Hiệp Dòng Mến Thánh Giá, bắt đầu cho tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và khi thuận tiện cho toàn quốc.
(Đào Quang Toản, Những cải cách trong lịch sử dòng Mến Thánh Giá,
http://pagesperso-orange.fr/daoquangtoan/articlesPJD/NhungCaicach.htm)
Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt nam chiếm đa số.
Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.
LỜI KẾT
Ðể kết luận bài biên khảo nhỏ này, có lẽ không gì chính đáng bằng lặp lại lời của một linh mục việt nam, cha Nguyễn Hữu An, mới đây đã viết về Ðức Cha Lambert như sau: « Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài thực hiện ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người nữ yêu mến Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người nữ Yêu mến Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.
Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài ». ( LM. Nguyễn Hữu An, HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT, trong VietCatholic News (Thứ Sáu 14/03/2008 11:19)
http://vietcatholic.net/News/Html/53086.htm)
Paris, ngày 25 tháng 03 năm 2010