Quan hệ giữa người và người trong cuộc sống được đan kết bằng những sợi nhân duyên bắt đầu là hạnh ngộ rồi chấm dứt ở chia tay. Và tôi đang bước vào một lứa tuổi có nhiều chia tay hơn hạnh ngộ.

(Đền Hát Môn, ảnh Lm Trần Cao Tường)
Trước khi “một mình làm cả cuộc phân ly” trong một ngày nào đó, tôi sẽ phải phân ly với những người thân mến. Cuộc phân ly lần này là phân ly với một linh mục, một nhà văn, một nghệ sĩ và là một người anh tôi vô cùng kính quý: Linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường.

Một ngày nọ của gần mười năm trước, tôi nhận một email của một vị linh mục nhận xét về thơ văn của tôi mà ngài đọc được trên internet. Email của linh mục nhắc đến một bài thơ và một tâm bút của tôi. Bài thơ viết về ngôi chùa Viên Giác, nơi tôi sống trong những ngày còn nhỏ ở Hội An và bài tâm bút viết về một nhà thờ Công Giáo ở quê tôi, nhà thờ Trà Kiệu. Phía dưới của email có một nội dung rất đậm đà tình cảm là một tên rất đẹp kèm theo số điện thoại: Trần Cao Tường.

Tôi gọi lại ngay nhưng không có tiếng trả lời nên chỉ biết để lại lời cám ơn các nhận xét của Cha. Buổi chiều, Cha gọi lại.

Chúng tôi nói chuyện với nhau lần đầu nhưng tự nhiên dường như đã quen thân nhau từ lâu lắm. Tôi “Thưa Cha” và xưng con theo đúng lễ nghi tôn giáo như tôi vẫn thường “Bạch Thầy” và xưng con với các thầy bên Phật Giáo. Cha Trần Cao Tường bảo “gọi nhau là anh em đi vì chúng ta cùng họ Trần cả”. Tôi không chịu và đề nghị Cha đừng để ý đến chuyện “Cha con” mà hãy xem đó như một phần của đạo đức Việt Nam. Cha không nói thêm gì nữa.

Cả tôi và Cha đều thuộc mẫu người nói rất thoải mái. Chúng tôi nói chuyện suốt giờ về mọi vấn đề trong đời sống, từ chính trị đến tôn giáo, từ thơ văn đến nhiếp ảnh và cũng nói khá lâu về internet. Ngoại trừ môn internet tôi giỏi hơn Cha, bộ môn nào Cha cũng rất uyên bác và sở hữu một hiểu biết bao la, vượt xa những kiến thức còn rất giới hạn của tôi.

Thời gian ngắn sau đó Cha Trần Cao Tường gởi tặng tôi các tác phẩm đã in của ngài. Ngoài các tác phẩm thần học, Cha viết nhiều tác phẩm có tựa đề rất nhẹ nhàng nhưng chuyên chở những nội dung giáo dục và đạo đức rất sâu sắc không chỉ dành riêng cho độc giả Công Giáo mà cho mọi người như Suối Nguồn Tình Yêu, Đi Tìm Nét Văn Hóa Việt, Vũ Khúc Thăng Ca, Nhịp Múa Sông Thanh, Khúc Sáo Ân Tình v.v.. Mỗi khi có dịp thưa chuyện với Cha cũng là lúc tôi học được thêm nhiều điều mới lạ. Tôi giới thiệu Cha với nhiều văn nghệ sĩ thân hữu ở California, Texas v.v.. và ai cũng quý mến Cha.

Tôi cũng nghĩ đến những độc giả không may mắn được đọc hay được nghe Cha tâm sự như tôi nên đề nghị Cha xây dựng một trung tâm internet hoàn chỉnh để độc giả truy cập các bài viết của Cha dễ dàng hơn cũng như cất chứa các tác phẩm một cách hệ thống. Ngày đó trang Web của Cha còn rất đơn sơ và rất khó tìm bài vở. Cha đồng ý và từ đó tập trung vào việc xây dựng trung tâm internet Dũng Lạc thật phong phú như chúng ta đang có hôm nay.

Cha Trần Cao Tường có tình yêu đất nước sâu đậm. Cha chia sẻ với tôi rằng một dân tộc không biết đau, không cảm nhận thấm thía nỗi đau và không biết vượt lên trên nỗi đau, dân tộc đó không thể hơn người khác được. Cha kể lại, có một câu nói của Linh mục Kim Định nhắc nhở Cha trong lần hai vị gặp nhau: “Làm cái gì cho dân mình ngóc đầu lên đi chứ ” đã trở thành một công án mà Cha suy nghiệm mỗi ngày. Cha Trần Cao Tường đặt câu nói thoạt nghe rất bình thường nhưng đầy triết lý của triết gia Kim Định lên trên trang nhà internet của mình như một nhắc nhở thường xuyên phải làm một điều gì đó tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam.

Một thời gian khá lâu sau đó, kèm trong email của Cha gởi tôi là một bài viết dài có tựa cũng khá dài Cây Đa Chùa Viên Giác của Trần Trung Đạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu. Bóng đa trong sân ngôi chùa Phật Giáo và những bệ đá trước nhà thờ Công Giáo vốn là nhân duyên mang chúng tôi đến gần nhau mấy năm trước đã được Cha trình bày một cách chi tiết hơn.

Chùa Viên Giác là ngôi chùa ở thị xã Hội An và là nơi tôi đã sống như con chim non tránh bão trong tuổi thơ đầy bất hạnh. Ở đó mỗi buổi sáng tôi thức dậy quét lá trong sân chùa. Với một người khác, việc quét lá có thể là chuyện bình thường và thậm chí nhẹ nhàng nhưng với tôi những nhát chổi là những tiếng động vang xa vào tâm hồn. Bốn mươi năm sau có một linh mục Công Giáo cũng lắng nghe tiếng động đó và cảm thông với đứa bé trong sân chùa Viên Giác ngày nào. Bài thơ khá dài nhưng Cha Trần Cao Tường thuộc lòng và mỗi khi có dịp nói về mùa thu, về chiếc lá, về thơ ca, Cha thường đọc:

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn …


Và Trà Kiệu thì quen thuộc với Cha nhiều hơn. Trà Kiệu với diện tích khoảng một cây số vuông, đẹp một cách hùng vĩ và linh thiêng. Phía Tây Trà Kiệu là rặng núi Kim Sơn chạy dài, hút sâu vào dải Trường Sơn trùng điệp. Phía Nam là di tích thành lũy và hoàng cung của một thời vàng son trong lịch sử Chiêm Thành. Theo sử sách ghi lại, đồng bào Công Giáo Trà Kiệu phần lớn từ miền Bắc di cư vào miền Trung, bắt đầu là người ở Kẻ Chợ Hà Đông vào khoảng năm 1684. Họ sống tập trung nhau để dễ bề giữ đạo và giúp đỡ cho nhau. Trong tôi vẫn còn in lại hình ảnh những bậc tam cấp bằng đá của nhà thờ Trà Kiệu, nơi tôi và các bạn tôi đã ngồi trong những buổi chiều vàng nhìn xuống xóm nhà của các bạn tôi, được dựng bên những thửa ruộng xanh bao vòng quanh chân núi. Nhưng từ đồi Bửu Châu linh thiêng đó, đêm 1 tháng 9 năm 1885 máu của người dân Quảng đã chảy và chảy dài suốt thời kỳ thực dân đầy thù hận, khổ đau, tang tóc. Sau 21 ngày tấn công và chống đỡ đẫm máu giữa người Quảng và người Quảng, giữa người Việt và người Việt, giữa những tín đồ Thiên Chúa Giáo và các đơn vị Văn Thân Bình Tây Sát Tả, đã gây ra rất nhiều thiệt hại, mất mát cho cả hai bên. Vết thương trên cơ thể đã khô nhưng vết thương trong lịch sử dân tộc vẫn còn nghe đau sau hàng thế kỷ.

Bài viết Cây Đa Chùa Viên Giác của Trần Trung Đạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu của Cha Trần Cao Tường, ngoài việc phân tích văn chương, còn là một tiểu luận nghiêm túc về tôn giáo và dân tộc trong đó Cha trích dẫn những lo lắng của tôi về các tranh chấp tôn giáo tại Việt Nam:

“Những con sông Gianh trong lòng người phải cần được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống trong hòa thuận, bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo một gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về phía trước?”

Bài viết Cây Đa Chùa Viên Giác của Trần Trung Đạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu cũng là một cơ hội để Cha Trần Cao Tường phát biểu quan điểm về một dân tộc phải biết đau và phải biết vươn lên từ những nỗi đau như dân tộc Do Thái đã đứng lên. Cha viết:

“Jean Lartéguy đã viết cả một cuốn sách dầy về Bức Tường Thành Do Thái, những bí mật của quân đội bí mật nhất thế giới. Người ta nói nhiều về những bí mật khác nhau đã tạo nên sức mạnh kỳ lạ cho dân tộc Do Thái. Nhưng cái bí mật bí mật nhất, lạ thay và mâu thuẩn thay, lại nằm ở ngay một bức tường đổ vỡ mà người Do Thái vẫn gọi là Bức Tường Khóc. Ðó là tàn tích của đền thờ Giêrusalem huy hoàng xưa kia bị tướng Titô của đoàn quân viễn chinh Roma phá tan tành “không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào” vào năm 70. Và từ đó người Do Thái bị phát lưu đi khắp thế giới, sống lang thang tủi nhục vô tổ quốc…

Bức tường khóc như vậy quả là một cơn ác mộng đáng phải được quên đi mới đúng, vì nó là dấu tích của sự nhục nhằn. Ấy thế mà qua bao nhiêu thế hệ, người Do Thái từ khắp thế giới vẫn tìm về bức tường này, để nhìn rõ mặt mình chứ không trốn chạy, chứ không tiếp tục khoe mẽ huyênh hoang về văn hiến dân tộc kiêu hùng! Và để cùng khóc với nhau. Và vì cùng đau với nhau, nên mới biết thương nhau, lau vết máu cho nhau, đùm bọc nhau. Không ngờ mà người Do Thái lại chứng minh câu nói Việt là đúng: đồng bệnh tương lân.” (Jean Lartéguy, Bức Tường Thành Do Thái, trang 273)”

Việt Nam có một Bức tường than khóc như Do Thái hay không?

Theo Cha Trần Cao Tường, câu trả lời là có. Việt Nam cũng có một bức tường như thế, đó là đền Hát Môn, bên bờ sông Hát. Cha kể:

“Tháng giêng năm 2000 tôi có dịp về tận đền Hát Môn để đứng tê tái lặng nghe lịch sử khóc nỗi oan nghiệt của dòng tộc mình. Bức Tường Khóc Việt Nam là đây. Câu hát trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy đang vang vọng đâu đây bật lên từ tiềm thức cộng thông của cả một dân tộc. Nỗi oan dằng dặc suốt chiều dài và chiều dày của lịch sử từ cái ngày Hai Bà Trưng trầm mình trong dòng sông Hát; rồi Mã Viện đã bẻ gẫy và chôn đi biểu tượng tinh thần của một lớp dân mà ông ta miệt thị là “Nam Man” (dân Mọi phương Nam) với câu trù yểm: Ðồng trụ chiết, Giao chỉ diệt! Sau đó là một ngàn năm trầm luân mất mặt.

Nhớ xưa, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ xưa,
Mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng.
Mẹ trôi trên dòng sông Hát,
Nước ngược xuôi đưa Mẹ đi muôn nơi.
Nhớ chăng, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ chăng?
Chôn đáy sông mối hận yêu chồng…
Chàng Trương có buồn thương, khóc…
Rước Mẹ lên, nước thiêng sẽ giải oan.


Ðể gầy dựng tinh thần, người Do Thái đã làm lễ nghi tuyên thệ tại Bức Tường Khóc, tại đồi Massada nơi cha ông họ đã tử thủ và thà chết tập thể chứ không chịu đầu hàng. Chỉ khi biết cùng khóc với nhau, cùng nhục với nhau, người dân một nước mới thực quyết tâm nắm tay nhau mà cùng cố ngóc đầu lên. Mong rằng một ngày nào đó người dân Việt cũng sẽ biến Ðền Hát Môn thành nơi tuyên thệ như vậy mà phục sinh hồn Việt thay vì những phóng chiếu mặc cảm khác. Ðã đến lúc người mình cùng trở về Ðền Hát Môn mà thương lịch sử khổ đau, thương một lớp dân bất hạnh và cùng tìm câu trả lời, như Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Tinh Thần Việt Nam:

Hỡi lịch sử ta thương mình quá đỗi
Ta thương mình bởi chính nỗi ta đau.”

Hình ảnh của đạo quân tinh nhuệ và hung bạo dưới quyền Phục Ba Mã Viện đuổi theo những người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhoi, thất thế đến tận bờ sông Hát đã sống lại trong lòng Cha Trần Cao Tường một nỗi đau dân tộc. Hai chị em Trưng Nữ Vương nhảy xuống dòng nước bạc để hai ngàn năm sau tiếng sóng vẫn vọng về trong lời nhắc nhở của Triết gia Kim Định “Làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên đi chứ”.
Và Cha Trần Cao Tường kết luận:

“Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt? Lời yểm của Mã Viện chả lẽ cứ mãi ám ảnh một lớp người bất hạnh mang quá nhiều thương tích tật nguyền trong một dạng thức tâm lý không mấy bình thường? Thì đây, mắt mình rưng rưng nhìn thấy một dòng sông tình thương chảy đến từ những con tim nhân ái, biết đau, biết nhục với vận nước… và biết làm một cái gì cho dân mình có thể ngóc đầu lên dù phải hy sinh rất nhiều, như một lời thề trước Ðền Hát Môn. Số mệnh bao giờ cũng đi liền với một sứ mệnh và một sử mệnh. Ðó chính là lời thề của mỗi người góp phần khơi cho dòng sinh mệnh dân tộc chảy tới:

Trụ đồng gẫy, núi Giao Chỉ vẫn còn cao
Ngọn Cẩm Khê vẫn đầy, dòng sông Hát vẫn chảy.”


Tôi cũng đồng ý với Cha Trần Cao Tường rằng Việt Nam có một bức tường than khóc trải dài theo lịch sử.

Người Do Thái phải vượt qua bao nhiêu gian khổ để được đặt chân và cầu nguyện trên thánh địa của dân tộc họ. Nước mắt của người dân Do Thái nhỏ xuống bờ tường suốt bao nhiêu thế kỷ, đã thấm sâu, không chỉ vào bức tường mà cả trong thịt trong xương và trở thành một sắc thái văn hóa riêng của dân tộc Do Thái. Họ ôm nỗi đau đi khắp góc bể chân trời. Người Do Thái đối diện với nỗi đau như đối diện với chính mình và sống với nỗi đau như một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Nỗi đau lớn dần và trưởng thành theo thời gian, cuối cùng đã giúp họ trở về với vùng Đất Hứa.

Hẳn nhiên không thể so sánh nỗi đau và sự chiu đựng giữa dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam; đúng ra, chẳng thể so sánh nỗi đau nào với nỗi đau nào. Nhưng trong quan điểm chủ quan của tôi, nỗi đau của dân tộc Việt Nam cũng sâu sắc, trầm trọng và vô cùng đau nhức. Trên mỗi bước chân chúng ta đi trên những nẻo đường Việt Nam, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau, như vẫn còn nghe vọng lại tiếng kêu thương của bao nhiêu người đã ngã xuống.

Dòng sông Hồng màu đỏ vì đó là máu của bao nhiều thế hệ đã chết trong mỏi mòn đau nhức suốt hàng ngàn năm trong âm mưu đồng hóa của các triều đại Trung Hoa. Tương tự, màu đất đỏ ở miền Đông Việt Nam ngày nay, không những chỉ là màu đất mà còn được nhuộm bằng mồ hôi và máu của những người phu đồn điền đã tưới lên mỗi gốc cao su ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Sông Bé trong suốt gần một thế kỷ dưới ách thực dân:

Đất nước tôi nghèo, chinh chiến đã bao thu
Một ngàn năm trong xích xiềng nô lệ
Chân tôi bước nghe niềm đau vô kể
Của ông cha trong tủi nhục căm hờn.

Một trăm năm giặc Pháp cướp quê hương
Mỗi gốc cao su một thây người yêu nước
New Guinea, Reunion, những tử tù lê bước
Máu da vàng nhuộm đỏ đất Châu Phi.


Nỗi đau Việt Nam quả thật vô cùng to lớn. Vâng, nhưng chân giá trị của nỗi đau như Cha Trần Cao Tường nhấn mạnh không phải chỉ bằng khả năng chịu đựng nhưng chính từ khả năng biết vượt qua. Chúng ta thường nghĩ đến những thách thức, những vượt qua nhưng thách thức lớn nhất và vượt qua cao cả nhất vẫn bắt đầu nơi chính mình. Nếu chúng ta không vượt qua được nỗi đau thì có lẽ cũng chẳng nên trách cứ hay đổ thừa vào ai khác.

Biết Cha rất thích cảnh mùa thu New England, 2005 tôi mời Cha lên thăm Boston, Cha nhận lời, nhưng rồi cơn bão Katrina cản trở nên đến tháng Giêng 2006 chúng tôi mới gặp nhau lần đầu ở Houston nhân ngày giới thiệu các tác phẩm của tôi ở đó. Ban tổ chức có ý mua vé máy bay cho Cha nhưng Cha không thấy cần. Cha và các bạn trẻ cùng lái xe đến tham dự và giúp giới thiệu tác phẩm của tôi. Chúng tôi quay quần với nhau trong một buổi chiều đầy thơ và nhạc. Dù phải ngồi xe một chặng đường xa nhưng Cha Trần Cao Tường vẫn nhiệt tình, trẻ trung, vui vẻ và luôn hòa đồng cùng mọi người. Cha sống trọn vẹn và chân thành như trong chính tác phẩm của mình.

Mặc dù nghe tin Cha bịnh nặng từ tháng trước và nhiều thời điểm vô cùng nguy kịch, tôi vẫn hy vọng Cha có thể đủ sức để vượt qua. Nhưng không. Sáng ngay tin buồn đã đến.

Tôi ngồi im lặng trước tấm ảnh Cha chụp mùa thu New England trong lần ghé lại Boston ba năm trước đang được trưng bày trong trang nhà Dũng Lạc và lắng nghe đoạn phim ghi lại buổi thuyết trình về văn học của Cha tại Boston College. Tất cả đều vô cùng gần gũi như đã rất xa xôi. Mùa thu đã tàn và Cha Trần Cao Tường đã ra đi. Những chiếc lá cuối cùng đang nằm trơ trọi trong tiếc nhớ ngoài hiên vắng. Đời người cũng thế, như chiếc lá, như mây bay. Đến chẳng ai hay và ra đi không kịp nói một lời từ giã. Nước mắt đã khô theo đời viễn xứ nhưng trong lòng tôi sao vẫn nghe đau.

Mọi nhân duyên đều có điểm bắt đầu và kết thúc, nhưng điều quan trọng và cũng kỳ diệu không phải ở hai điểm đến và đi mà là những gì để lại trong khoảng thời gian có mặt trong cuộc đời này. Từ ý nghĩ đó, trong nỗi buồn quá lớn của một cuộc phân ly, chúng ta, những người quý mến Cha Trần Cao Tường, sẽ tìm được một niềm an ủi. Sau 64 năm có mặt trên thế gian này, Cha đã trao lại cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau rất nhiều tặng phẩm vô cùng quý giá trong văn chương, trong giáo dục nhưng hơn cả là trong tấm lòng yêu nước nồng nàn của một bậc chân tu.

Hình ảnh Linh mục Trần Cao Tường đứng im lặng trong tê tái bên bờ sông Hát năm đầu thiên niên kỷ chợt hiện về trong ý thức tôi chiều nay. Thật cảm động và hãnh diện biết bao được có những ngày gần gũi, được lắng nghe lời khuyên của Cha: “Muốn vượt qua được những khoảng cách do những cực đoan quá khích, do tham vọng nhỏ nhoi bệnh hoạn, phải cần đến cái tâm nhân ái, bao dung, trung đạo, nhận ra được nét đẹp và cần thiết của những chiếc phao khác, của những đạo khác. Như vậy, công cuộc phục hưng tộc Việt cũng phải bắt đầu từ việc giải oan cho chính lòng mình, giải thoát được những khoảng cách và uẩn khúc ở ngay trong trái tim mình.”

Tôi luôn cố gắng sống trong tinh thần đó.

Nếu mai mốt có dịp trở về quê hương, tôi hứa sẽ đến bên bờ sông Hát để cùng cầu nguyện với Cha. Nơi Cha đứng, tôi tin, vẫn còn in lại dấu chân. Cha không phải là người thứ nhất và tôi không phải là kẻ sau cùng mà nhiều thế hệ Việt Nam đã và sẽ đến bên bờ sông Hát để lắng nghe trong muôn trùng sâu thẳm một nỗi đau Việt Nam, một lời thúc dục Việt Nam, một tiếng gọi Việt Nam. Và như Cha, tôi cũng sẽ đọc lại lời của mỗi người đã góp phần khơi cho dòng sinh mệnh dân tộc chảy tới hôm nay như Cha đã đọc trước đây:

Trụ đồng gẫy, núi Giao Chỉ vẫn còn cao
Ngọn Cẩm Khê vẫn đầy, dòng sông Hát vẫn chảy.


Và dân tộc Việt Nam từ đó sẽ vươn lên.

Boston, 22 tháng 11 2010