Cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đã lặp lại cam kết của mình về việc hệ thống hóa quyền phá thai vào luật liên bang nếu phán quyết Roe chống Wade năm 1973 bị Tối Cao Pháp Viện lật lại.

Phát biểu tại một sự kiện ngoài trời ở tòa thị chính Miami, được phát sóng trên NBC hôm thứ Hai, Biden được hỏi rằng ông ta sẽ làm gì để bảo vệ “quyền sức khỏe sinh sản” nếu Thẩm phán Amy Coney Barrett được xác nhận vào Tòa án Tối cao.

“Thứ nhất, chúng ta không biết chính xác [Barrett] sẽ làm gì, mặc dù kỳ vọng là cô ấy rất có thể đi đến mức lật lại phán quyết Roe, và điều duy nhất - phản ứng có trách nhiệm duy nhất đối với điều đó là thông qua dự luật nhằm hệ thống hóa phán quyết này thành luật pháp của đất nước. Đó là những gì tôi sẽ làm.”

Sau nhiều thập kỷ dè dặt về phá thai không hạn chế và phán quyết Roe kiện Wade, là điều mà ban đầu cho rằng đã đi “quá xa”, Biden đã cam kết trong cuộc tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019 là hệ thống hóa toàn bộ phán quyết này thành luật liên bang. Biden còn đi xa đến độ chủ trương bãi bỏ mọi hạn chế liên quan đến thai kỳ. Cụ thể, phụ nữ có thể phá thai cho đến tận lúc lâm bồn. Quyền sống của những đứa trẻ sống sót sau khi phá thai cũng bị bác bỏ. Ngoài ra, trẻ vị thành niên có thể phá thai không cần có ý kiến của phụ huynh. Đó là những nét chính trong một thứ luật phá thai cực đoan nhất thế giới.

Philip Lawler, giám đốc Catholic World News cho rằng Biden dám táo tợn và quyết liệt như thế đối với vấn đề phá thai là do có một sự chia rẽ sâu rộng trong cách hành xử của các Giám Mục Hoa Kỳ đối với việc áp dụng kỷ cương của Giáo Hội. McCarrick đóng một vai trò quan trọng trong sự chia rẽ này.

Ông viết như sau:

Cuộc tranh luận về việc liệu các chính trị gia ủng hộ việc phá thai có nên bị cấm rước lễ, vốn đã sôi nổi ở Mỹ trong nhiều năm, đã trở nên rất sôi nổi vào năm 2004, khi Đảng Dân chủ đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry, một người Công Giáo có thành tích ủng hộ triệt để việc hợp pháp hóa phá thai, ra tranh cử tổng thống. Trước sự chia rẽ của các giám mục nổi bật, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thành lập một ủy ban để giải quyết vấn đề này, và giao cho McCarrick, lúc đó còn là một Hồng Y – bây giờ ông ta chỉ là một giáo dân bình thường – làm chủ tịch.

Ủy ban McCarrick đã tìm kiếm lời khuyên từ Vatican, và nhận được câu trả lời từ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc bấy giờ là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, McCarrick không bao giờ tự nguyện tiết lộ nội dung bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger.

Khi các giám mục Hoa Kỳ tập trung tại Denver trong cuộc họp thường niên của các ngài, McCarrick báo cáo rằng mặc dù ủy ban của ông chưa sẵn sàng đưa ra một báo cáo cuối cùng — và sẽ không sẵn sàng cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11 — ông cho rằng từ chối không cho ai đó được rước lễ là một điều không “khôn ngoan và thận trọng về mặt mục vụ”, bởi vì nó có thể “khiến người ta cảm nhận Bí tích Thánh Thể như một tài nguyên đấu tranh chính trị”.

Khi đưa ra nhận định tinh ranh quỷ quái đến mức làm một người bình thường hết hồn khi nghe như thế, McCarrick tuyên bố rằng ông ta có sự hỗ trợ của Đức Hồng Y Ratzinger. Ông ta thừa nhận rằng Đức Hồng Y Ratzinger “nhận ra rằng có những trường hợp mà việc rước lễ có thể bị từ chối”. Nhưng ông tuyên bố rằng các quan chức Vatican “rõ ràng để lại cho chúng ta với tư cách là thầy dạy, mục tử và các nhà lãnh đạo liệu có nên theo đuổi con đường này hay không”. Tất cả những điều McCarrick tuyên bố đều hoàn toàn sai sự thật.

Sau khi nghe báo cáo của McCarrick, các giám mục có mặt đã chuyển sang xem xét việc đưa ra một tuyên bố chung về năm bầu cử có tựa đề “Người Công Giáo trong Đời sống Chính trị”. Bất chấp khuyến nghị của ủy ban McCarrick, toàn thể các giám mục không chống lại việc từ chối rước lễ đối với những người ủng hộ phá thai. Thay vào đó, các giám mục quyết định rằng “các quyết định như vậy thuộc về cá nhân các giám mục phù hợp với các nguyên tắc giáo luật và mục vụ đã được thiết lập. Các giám mục có thể đưa ra các phán quyết khác nhau một cách hợp pháp về tiến trình thận trọng nhất của hoạt động mục vụ”.

Mặc dù toàn thể hội nghị không chấp thuận đề nghị của ủy ban McCarrick, nhưng báo cáo từ ủy ban đó vẫn được đăng trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger không được đăng. McCarrick giải thích rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã yêu cầu giữ bí mật bức thư của ngài. Điều đó cũng hoàn toàn sai.

Hai tuần sau cuộc họp của các giám mục Hoa Kỳ, một nhà báo kỳ cựu của Vatican, Sandro Magister của tờ L'Espresso, đã đăng toàn văn bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger. Nội dung của bức thư đó, theo nhận xét của tờ London Daily Telegraph, đã khiến “Hồng Y McCarrick vô cùng xấu hổ”. Vị Giáo hoàng tương lai đã không nói những gì McCarrick tuyên bố là ngài đã nói. Tuy nhiên, tờ báo cấp tiến của Anh là tờ The Tablet đã chữa thẹn cho McCarrick bằng hàng tít giật gân: “Các giám mục Hoa Kỳ đã quyết định không tuân theo các hướng dẫn của Vatican về việc không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ”.

Trên thực tế, Đức Hồng Y Ratzinger đã viết, nếu một người Công Giáo là người khét tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai, và kiên trì ủng hộ điều đó bất chấp những lời khuyên nhủ riêng từ giám mục của mình, thì khi người ấy lên rước lễ, “thừa tác viên Thánh thể phải từ chối phân phát Mình Thánh Chúa”.

Nếu các giám mục Hoa Kỳ được nghe Đức Hồng Y Ratzinger trình bày lập luận đó - một lập luận ủng hộ mạnh mẽ lập trường đã được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục Raymond Burke của St. Louis và Đức Giám Mục Fabian Bruskewitz của Lincoln - thì liệu các ngài có áp dụng một đường lối mạnh mẽ hơn không? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được, do tài thao túng đặc trưng của Theodore McCarrick.


Source:Catholic News Agency