Thánh Philipphê Phan Văn Minh ((1815-1853)
NHÀ THƠ VÀ NGỮ HỌC TIỀN PHONG


III - HỘI TAO ĐÀN QUỐC NGỮ:

1) Ý nghĩa văn học: Vua Lê Thánh Tôn có công lập ra Hội Tao Đàn (Quốc âm). Tiếp nối công trình của tiền nhân, thánh Phan Văn Minh lập ra Hội Tao Đàn Quốc ngữ, đặt tên là Hội Thi Xướng Họa Phi Năng. Thiết tưởng cũng cần kể đến bối cảnh văn học đã đưa đến việc thành lập hội thơ.

Vua Lê Thái Tông ( 黎 聖 宗 ) (1442-1497) chọn 28 văn thần sung Hội Tao Đàn, gọi là nhị thập bát tú ( 二 十 八 宿 ), cổ võ quốc âm. Hồng Đức Quốc âm Thi tập tập hợp các bài thơ sáng tác vào giai đoạn này.

Vào thời thánh Phan Văn Minh, tuy chữ quốc ngữ do Linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã sáng tác từ thế kỷ XVII với việc ấn hành Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum do Ấn quán của Tòa Thánh ở Roma ấn hành năm 1651, nhưng việc trước tác sử dụng mẫu tự la tinh vẫn chưa thông dụng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu sống đồng thời với thánh Phan Văn Minh, sáng tác Lục Vân Tiên bằng quốc âm. Thánh Phan Văn Minh có công trong việc ‘‘sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ giống hệt như bây giờ’’ (Dương Quảng Hàm), đồng thời quảng bá việc sử dụng chữ quốc ngữ để sáng tác văn học.

Tập Nước Trời Ca tập hợp các bài thơ xướng họa viết bằng chữ quốc ngữ do thánh Phan Văn Minh khởi xướng. Tác giả đã giải thích về tên thi tập ‘‘Nước Trời’’ như sau:

Đời trước, Thiên cơ bất khả lậu,
Đời nay, Con Chúa đã ra đời.
Nho gia không còn chi ẩn giấu,
Mà khắp bốn phương thấy rạng ngời,
Thiên cơ chính thật: NƯỚC TRỜI.


XƯỚNG I
Da-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời,
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời.
Vâng lời Thiên mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi.
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ,
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời.

Philipphê Minh

Bài thơ xướng trên đây làm theo thể thất ngôn bát cú, luật bằng, gồm 8 câu x 7 chữ = 56 chữ đã tóm tắt lịch sử cứu chuộc:

1) Đề ( 题 ):
w Câu phá đề giới thiệu nhân vật lịch sử, vào thế kỷ XIX phiên âm là Da tô Cơ đốc, ngày nay viết là Giêsu Kitô.
w Câu thừa đề nói đến việc Chúa xuống thế làm người.

2) Thực ( 真 ) giải nghĩa Chúa Giêsu không dùng ‘‘lợi danh’’ hoặc ‘‘vương bá để xây đời’’.

3) Luận ( 論 ): Chúa vâng lời Ngôi Cha (Thiên Mệnh) chịu khổ giá thập hình.

4) Kết ( 结 ): Chúa lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường cho kiếp sống đời đời.
Bài xướng cho thấy thi sĩ thừa hưởng truyền thống Nho gia khi sử dụng các thuật từ thiên mệnh ( 天 命 ), dĩ nhược thắng cường ( 以 弱 胜 强 ).
Bài xướng của thánh Phan Văn Minh đã có 48 bài họa. Các bài từ 46 đến 48 họa sau khi thánh Minh được phúc tử đạo.

Sau bài Xướng trên đây, tác giả sang tác bài ‘‘Khai Hội Thơ Vịnh E Vang’’. E Vang là phiên âm của Évangile, ngày nay gọi là Phúc Âm hoặc Tin Mừng. Thánh Minh sáng tác hơn 30 bài vịnh như sau:

KHAI HỘI THƠ

VỊNH E-VANG
Gia cang, đất nước với thân danh,
Tô điểm E-vang tận gốc nhành.
Cơ cấu nhân sinh theo Đạo thanh,
Đốc-hành thế sự với tân thanh.
Con đường bác ái khi chung sống,
Đức độ công bằng lúc đấu tranh.
Chúa đã hoằng khai nguồn cứu rỗi,
Trời cao không bỏ kẻ ngay lành.


SỰ XÉT ĐOÁN
(Mt.7, 3-3. Lc 4,41-42)
Một chàng nho nhã, mặt thông minh,
Chỉ biết hắn ta khá giả hình.
Cọng rác mắt người thì chỉ trích,
Cây xà tròng hắn chẳng phê bình.
Dám khươi cọng rác nơi người khác.
Mà vứt cây xà ở mắt mình!
Tiên xử kỷ rồi hậu xử bỉ,
Ở đời như thế mới công bình.


XEM TRÁI BIẾT CÂY
(Mt 7,16-20)
Đời nhiều giả dối phải đo lường,
Xem trái biết cây ấy lẽ thường.
Quýt chua ai hái ở cam đường,
Công bằng chẳng mọc miền tham nhũng,
Bác ái không đơm đất nhiễu nhương.
Cây xấu bao giờ sinh trái tốt,
Luôn luôn nhận xét kẻo lầm đường.


NƯỚC TRỜI ĐÂU ?
Nước trời họ hỏi ở đâu?
Chẳng như đối tượng làm sao mà nhìn.
Nói rằng: ở đó … chớ tin,
Ở đây… chớ vội đinh ninh mà lầm.
Nước Trời ở tại chân tâm,
Luôn luôn tỉnh thức mà tầm đạo ngay.


TIỆC CƯỚI
(Mt 13,1-14. Lc 14, 15-24)
Nước Trời như một đế vương,
Lịnh truyền mở hội tân hôn linh đình.
Những người mời trước ghi danh,
Lính vua đến thỉnh mấy lần chẳng đi.
Họ rằng mua bán kịp thì,
Người tìm thăm bạn, kẻ thì ruộng nương.
Có người đánh lính trọng thương,
Hoặc làm sỉ nhục, giết luôn chẳng từ.
Vua đem ngàn lính có dư,
Bao vây tàn sát chúng như giết ruồi.
Đoạn truyền lính đến khắp nơi,
Gặp ai bất cứ cũng mời tham gia.
Ngoài trong khách đến đầy nhà,
Vua vào chủ tọa, nhìn qua các bàn.
Có người ăn mặc xuyềnh xoàng,
Vua rằng: “ lễ phục đàng hoàng ngươi đâu?”
Dạy đem hắn nhốt nhà lao
Là nơi giam phạt kẻ nào khi quân.
Xưa nay kêu gọi rộn ràng,
Nhưng khi chọn lực là phần ít hơn.


LÚA VÀ CỎ
(Mt 13, 24-30)
Nước Trời đưa xuống cánh đồng?
Như đem lúa tốt gieo trồng xinh tươi.
Kẻ thù thừa lúc tối trời,
Lén đi rải hột khắp nơi cỏ lùng.
Cả hai đua mọc xanh um,
Gia nhân xin chủ, nhân công tẩy trừ.
Rằng: “ không phân biệt thực hư
Chờ mùa gặt đến nông gia ôm về;
Lúa vào kho trữ một bề,
Cỏ quăng vào lửa không hề tắt đi.”


HỘT CẢI
(Mt, 13, 31-32. Mc 4, 30-33. Lc 13,18)
Nước Trời ví với vật chi,
Ví như hột cải tí ti đen tròn.
Gieo vào đất một thời gian,
Mọc lên đâm tược, nẩy cành sum suê.
Chim trời bốn hướng bay về,
Nắng thì núp bóng, mưa thì ẩn thân.


MEN CHẤT
(Mt 13, 35. Lc 13, 20-21)
Nước Trời sánh với vật chi,
Ví như men tốt, bỏ vào bột trong.
Vài hôm cảm thấy hơn nồng,
Xem ra bột trắng đã cùng dậy men.


TAY LƯỚI
(Mt 13, 45-47)
Nước đem xuống thế gian,
Ví như tay lưới bủa quang biển đời.
Kéo lên các giống cá tươi,
Lựa ra tốt xấu, xấu thời bỏ đi.
Thế gian tới lúc chung thì,
Người lành kẻ dữ, phân thì hai nơi.
Lành thì kiếp kiếp thảnh thơi,
Dữ thì bị phạt đời đời hỏa thiêu.


TÌM TRƯỚC HẾT
(Mt 6, 33. Lc 12, 31)
Việc tìm trước hết ở đời,
Là lo đoạt được Nước Trời mà thôi.
Sống theo công chính giữa đời,
Còn muôn điều khác Chúa Trời sẽ ban.


HŨ VÀNG
(Mt 13I,44)
Nước Trời như một hũ vàng,
Giấu trong thửa ruộng, một chàng biết qua.
Chàng về bán hết cửa nhà,
Xin mua ruộng đó để mà hộ thân.


KIM CƯƠNG
(Mt 13, 45-46)
Nước Trời như hột kim cương,
Lái buôn kia biết tìm đường tới mua.
Bán nhà ruộng đất không chừa,
Quyết mua cho được mới vừa lương tâm.


TÁI SINH
( Jn 3, 3-5)
Nước Trời mắt thịt chẳng nhìn,
Nhờ ơn trên giúp, tái sinh hẳn hòi.
Mới trông thấy được Nước Trời,
Tức là phối hợp nguồn vui trường tồn.


NGOÀI MÔI MIỆNG
(Mt 7,1)
Tưởng rằng lạy Chúa không thôi!
Thì là chiếm được Nước Trời ai ơi?
Thật là đời sống mổi người,
Làm theo Thánh Ý Chúa Trời mới nên.


KẺ GIÀU CÓ
(Mt 19, 22 -24. Mc 10, 20-22. Lc 17,19-30)
Kẻ giàu vô được Nước Trời,
Khó hơn hang chuột bắt voi chui vào
Lạc đà chui lỗ kim thâu,
Dễ hơn những kẻ sang giàu qui thiên.


NGÓ LẠI SAU
(Lc 9, 61)
Cầm cày mà ngó lại sau,
Thì không xứng đáng vào chưng Nước Trời.
Sự đời để lại cho đời,
Biết đàng dứt khoát là người khôn ngoan.


LÒNG NGHÈO KHÓ
(Mt 5, 3. Lc 6, 20)
Ai người một dạ thanh bần,
Vì chưng sẽ được sống an Nước Trời.
Kẻ nghèo cam chịu thiệt thòi,
Hơn thua cũng chẳng mấy hồi ai ơi.


BÉ THƠ
(Mt 30, 14. Mc 9, 14)
Quí thay xích tử chi tâm ?
Ngây thơ, đơn giản, chẳng ham vị đời.
Dễ dàng chiếm lấy Nước Trời,
Vì chưng chốn ấy của người bé thơ.


HỒI TÂM
(Mt 21 31 - 32)
Kiêu căng cắt đứt mối giềng,
Quá dùng lý trí, hết phương tư thời.
Hồi tâm đĩ điếm khắp nơi,
Gian nhơn tỉnh ngộ Nước Trời được vô.


CHO DÂN KHÁC
(Mt 21, 43)
Nước Trời đến với dân này,
Đã không chấp nhận còn gây bạo tàn.
Cho nên cất khỏi toàn dân,
Giao cho dân khác mở mang trí lòng.


HOẠN NHÂN
(Mt 19, 12)
Thật là cao quí vô chừng,
Những ai chịu hoạn vì chưng Nước Trời.
Là điều khó hiểu cho đời,
Nhưng mà ơn Chúa giúp người độc thân.


CẢN TRỞ
(Mt 23, 13)
Khốn ai giáo lý cầm tay,
Cản người thiện chí vào ngay Nước Trời.
Dựa theo lý luận người đời,
Làm cho mờ ám lòng người ngây ngô.


LỚN NHỎ
(Mt 5, 19)
Giới răn Chúa dạy muôn loài,
Ai sai điều nhỏ mà bày kẻ theo.
Nước Trời kẻ ấy tí teo,
Còn ai giữ trọn mà kêu bảo người.
Họ là lớn nhứt Nước Trời,
Ai nghe xin hiểu những lời trên đây.


TẬP LUYỆN
(Mt 18I, 4)
Lời Thầy chí thánh dặn dò,
Tâm hồn của trẻ bé thơ nhứt đời,
Rán mà tập luyện kịp thời,
Đó là trọng vọng Nước Trời mai sau,

THẤY PHÉP LẠ
(Mt 12, 28. Lc 9, 20)
Da-tô dùng phép Thánh Linh,
Diệt trừ ma quỉ, huờn sinh loài người.
Nước Trời đã đến đây rồi,
Cho người đừng thấy, ấy đời tối tăm.


CỐ GẮNG
(Mt 11, 12. Lc16, 16)
Kể từ Giăng-Bạch qua đời,
Các thế Nước Trời, đón kẻ gắng công.
Còn ai tâm trí bất đồng,
Chẳng bao giờ được cảm thông Nước Trời.
Kể từ Giăng-Bạch hy sinh,
Kẻ nào đem hết sức mình không lơi.
Mới trông chiếm được Nước Trời,
Là trang dũng mãnh, là người khôn ngoan.


BÁO TIN
(Mt 10, 7. Lc 10, 9)
Hãy đi khắp các nẻo đường,
Báo tin thiên hạ Nước Trời đến đây.
Bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây,
Báo tin thế giới được hay Nước Trời.
Nước Trời đến giữa loài người,
Ngày nay ứng nghiệm các lời Sấm Kinh.


TỪ SA MẠC
(Mt 3, 2)
Tiếng từ sa mạc sơn lâm,
Vang lên kêu gọi: “Hồi tâm sẵn sàng.
Nước Trời nay đã đến gần,
Kiến nhi bất thủ như tầm dậm xa.”


ĐƯỢC MỜI
(Lc 19, 15)
Phúc thay những kẻ được mời,
Dự vào đại yến Nước Trời hiển vinh.
Vì chưng họ sống đức tin,
Cuộc đời xử sự: công bình, ái nhân.


BỊ ĐUỔI
(Mt 7I, 12. Lc 13, 28)
Áp-ram Gia-cóp tổ tông,
Tiên tri các Đấng ngồi trong Nước Trời.
Nhưng mà miêu duệ hậu thời,
Có phần bị đuổi ra nơi khổ hình.
Chỉ vì con cháu chẳng tin,
Chạy theo phù phiếm còn khinh ông bà.


ĐIỀU SAU CÙNG
(Mt 24, 14. Lc 13, 10)
Khi nghe ách nước tai trời,
Xảy ra khắp chốn liên hồi đó đây.
Cũng là biến cố xưa nay,
Loài người chưa phải đến ngày cáo chung.
Nhưng khi thiên hạ các vùng,
E-vang phổ cập đến cùng khắp nơi.
Muôn dân đủ các giống nòi,
Thảy đều thấy rõ Nước Trời siêu nhân.
Bấy giờ chấm dứt thời gian,
Đến thời chung phẩm, hạ màng thế gian.


Ngoài các bài vịnh Phúc âm, thánh Phan Văn Minh còn xướng họa với ông Đồ Ốc, dạy học, bốc thuốc ở Giồng Găng, Lâm Vồ, tỉnh Ba Tri (nay là tỉnh Bến Tre). Khoảng năm 1845, nhân thầy Phan Văn Minh về Ba Giồng chữa bệnh, ông Đồ Ốc đến thăm, xướng họa cùng thánh nhân.

XƯỚNG
Da-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời
Đặt cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời.
Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi.
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ,
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.

Phil. Phan Văn Minh

HỌA
Thế gian vạn sự nói do Trời,
Nhưng tại làm sao vạn sự khổ khắp nơi?
Cứu khổ đã nêu bên đạo Chúa,
Giải nguy chưa thấy phía người đời.
Triều đình Nam-quốc xô không ngã,
Đạo trưởng Tây phương bám chẳng rơi.
Đã đẩy giáo nhơn vào thế khổ,
Vậy ai phải chịu bất tri thời.

Đồ Ốc

ĐÁP HỌA VẬN
Cai trị thế gian luật của Trời,
Có yên có khổ cũng tùy nơi.
Tranh danh: oán hận do người thế,
Giành lợi: chiến tranh lại thói đời.
Thuốc bổ vào người sinh thuận, nghịch,
Đạo ngay nhập thế có xuôi, rơi.
Xưa nay đau khổ do tham vọng,
Lịch sử chứng minh kẻ thức thời.

Phil. Phan Văn Minh

HỌA
Đau khổ xưa nay vốn tại Trời,
Thất mùa ôn dịch khắp nơi nơi.
Thủy tai chôn lấp bao nhiêu mạng,
Địa chấn nát tan mấy cuộc đời.
Khổ đó con người làm chẳng được,
Nạn này, Tạo Hóa trút đầy nơi.
Thiên tai, đại nạn, Trời làm cả,
Nhân loại chỉ gây giặc nhứt thời.

Đồ Ốc

ĐÁP HỌA VẬN
Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời,
Khác nào loài cá khắp nơi nơi.
Sông sâu khỏe xác tha hồ lội,
Sông cạn, phơi thây há trách đời.
Cá có oán sông lên hoặc xuống,
Mình không biết nước lớn hay vơi.
Dĩ nhiên phải chịu vì không biết,
Thượng bất oán Thiên, lẽ thức thời.

Phil. Phan Văn Minh

2) Ý nghĩa tôn giáo: Ngoài ý nghĩa văn học, việc thành lập Tao đàn Phi Năng còn có ý nghĩa tôn giáo. Thánh nhân mời gọi thi nhân mặc khách tham gia Tao Đàn, họa thơ vừa để quảng bá chữ quốc ngữ còn ở giai đoạn sơ khai, lại vừa để cụ thể hóa Thánh vịnh 98.
Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt,
Nương hạc cầm réo rắt tiếng ca.


Thánh vịnh 98 là kinh thơ tứ hải giai huynh đệ, thế giới kinh nguyện đại đồng trong Giáo Hội là ngôi nhà chung (Église collégiale), mỗi người chung lưng góp sức, thi nhân cùng góp vần thơ. Công việc của thánh nhân đã đạt được kết quả mong muốn, các bài họa nguyên vận không những nhiều về số lượng mà cả về phẩm chất. Tất cả đều thể hiện cố gắng chung là tạo không khí cầu nguyện bằng thi ca, theo truyền thống Thánh vịnh.

KẾT LUẬN:

Sự nghiệp văn học của thánh Philipphê Phan Văn Minh được đánh dấu bằng nhiều bài thơ quốc ngữ đủ thể loại, từ lục bát đến ngũ ngôn, từ song thất lục bát đến thất ngôn bát cú. Vì muốn giữ gìn sự trong sáng của chữ quốc ngữ trong buổi giao thời, khác với các văn nhân mặc khách cùng thời có khuynh hướng sử dụng chữ Hán, thánh nhân chú trọng đến việc dùng chữ quốc ngữ. Sự uyên bác Hán tự của thánh nhân chỉ được chứng tỏ qua mấy chữ Hán viết trên mộ bia. Niên biểu in trong Phi Năng Thi tập trình thuật cuộc khổ nạn của Thánh Minh: Qua sông Long Hồ bằng ghe, thánh nhân bị dẫn giải đến rạch Cái Mơn Bé, trở thành Pháp trường Đình Khao. Cha ngước mắt cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cho con trong cơn lâm chung nguy biến này. Lạy Chúa, xin thương xót con. Xin chúa ban cho con đặng mạnh sức mà chịu đau khổ cho sáng danh Chúa. Lạy Chúa, xin tha muôn vàn tội lỗi cho con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp sức cho con. Trời đang nắng chói chang bỗng dịu mát, quan giám sát hô to: Tà đao cứ việc. Đầu thánh Minh rơi xuống. Bổn đạo rước xác ngài về nhà thờ Cái Nhum an táng ngày 6-7-1853, thánh giá trên phần mộ khắc ghi:

Linh Mục Phi Lý Bá Minh Tử Vì Đạo
靈 牧 丕 理 播 明 死 爲 道

w Linh Mục Tử Vì Đạo: ý nghĩa đã sáng tỏ. Nhưng tại sao lại là Phi Lý ?
w Phi Lý là dịch âm: Philipphê. Nhưng Phi Lý không phải là phi lý theo ý nghĩa thông thường:
Phi 丕 (bộ Nhất 一) có nghĩa là lớn lao
Lý 理 (bộ Ngọc 玉) có nghĩa là cái đạo tự nhiên (Thiều Chửu)
Như vậy, từ ý nghĩa ‘‘không hợp lẽ phải‘’ (phi lý), Phi Lý trở thành đạo trời tự nhiên, cao cả.

Chúng tôi xin mượn bản tụng ca tán dương công đức của các anh hùng tử đạo nước Việt của thi sĩ Lương Nhi Tử để kết thúc cho bài nói chuyện hôm nay:
Họ là ai những anh hùng tử đạo ?
Là Quan cao, Cai, Đội, Tổng, thường dân,
Là Linh mục, là Tu sĩ, Giáo dân,
Là Chủng sinh, là Trùm họ, Thầy giảng.
Là Giám mục, y, thương gia, lính tráng.
Tóc hoa râm, tuyết trắng hay còn xanh
Là nam nữ nổi tiếng hay vô danh
Tên tuổi đủ hay mơ hồ khuyếm khuyết...
Họ là ai trong số ít được biết,
Thuộc dòng tộc Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Hoàng
Chi Đinh, Trương, Đỗ, Vũ, Tống, Bùi, Đoàn
Ngành Phan, Võ hay Hà, Hồ, Tạ, Đặng ?
. .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Họ là ai muôn đời quên sao được
Lấy máu đào viết Giáo Sử Quê hương
Gieo vào lòng đất mẹ hạt yêu thương
Bằng hàng trăm ngàn con tim bác ái…
Lạy tiên tổ vô cùng thánh ái,
Giúp chúng con vững chãi niềm tin.
Trung kiên thờ Chúa hết mình,
Đi đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam.