Thánh Philippê Phan Văn Minh (1815-1853)
NHÀ THƠ VÀ NGỮ HỌC TIỀN PHONG


(Bài nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Văn Hóa và Sinh Nhật thứ XVIII Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức ngày 30-3-2008).

«Di ảnh thánh Philipphê Phan Văn Minh được cất giữ tại Đan Viện Carmel (Cát Minh), 33 đường Cường Để Saigon. Mặt khác, Đại Chủng Viện Pénang (Mã Lai), nơi thánh Philipphê Phan Văn Minh tu học cùng với các thánh tử đạo khác là Phêrô Đoàn Công Quý, Phaolô Lê Văn Lộc, Gioan Đoàn Trinh Hoan và Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng tôn kính di ảnh ngài. (Ngày nay, Đại Chủng Viện Pénang trực thuộc Giáo Hoàng Học Viện Urbani Roma). Trường San Juan de Latran ở thủ đô Manila dựng tượng thánh Phan Văn Minh. Đại Chủng Viện Pénang là nơi đào tạo cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài (Thư Viện Giáo Xứ đã tổ chức nói chuyện về sự nghiệp văn học của Cụ Nguyễn Hữu Bài do GS Vũ Quốc Thúc và Luật sư Lê Trọng Quát trinh bày). Theo nhà văn Võ Long Tê: ‘‘Ông Nguyễn Văn Hiệp, trụ trì Bửu Long tự có đến thưa với Đức Cha Nguyễn Văn Diệp, Phó Giám mục Vĩnh Long rằng: Theo lưu truyền từ đời trước, chùa thờ bài vị thánh Minh Tử đạo và bài vị ấy đã trao cho Tòa Giám mục Vĩnh Long khoảng 1957-1958. Nay chùa muốn xin lại một bài vị khác để thờ.’’. Nhà văn Phạm Đình Khiêm cho biết tiểu sử thánh Philipphê Phan Văn Minh đã được đưa lên màn ảnh qua cuốn phim ‘‘Áo Dòng Đẫm Máu’’.

20 tháng 3 dương lịch là ngày lập xuân. Ngày Văn Hóa Thư Viện năm nay kỷ niệm 20 năm phong thánh 117 Anh hùng Tử đạo Việt Nam và 155 năm thánh Philipphê Phan Văn Minh tử đạo (1853-2008). Thánh Phan Văn Minh là nhà điển ngữ và nhà thơ tiền phong của văn học quốc ngữ. Trong Dictionarium anamitico-latinum (Tự điển Việt-La tinh) xuất bản năm 1838 do Ngài biên soạn cùng với Đức Cha Taberd, thánh nhân đã dẫn chứng bài ngũ ngôn Tứ Thời (四 时) của Thôi Hiệu để giải nghĩa ‘‘cách thức đặt thơ năm chữ’’. Bài ngũ ngôn như sau:

Xuân du phương thảo địa,
春 遊 芳 草 地,
Hạ thưởng lục hà trì.
夏 賞 綠 荷 池,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
秋 飲 黃 菊 酒,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
冬 吟 白 雪 詩.

Thánh Minh trích dẫn ngũ ngôn. Bằng không, hẳn là thi nhân đã chọn bài Tứ Thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chỗ lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.


Vì trích dẫn trong Tự điển Việt-La tinh, thánh Phan Văn Minh đã dịch bài ngũ ngôn của Thôi Hiệu sang tiếng La tinh như sau:

Vere novo pergratum invisere amœna vireta,
Æstu nymphæas aspectare libet.
Autumno recreant spumantia munera Bacchi,
Bruma opus est niveos ore ciere modos.


Trong bài nói chuyện chiều nay, chúng tôi lần lượt trình bày trong phần I Thánh Phan Văn Minh, nhà điển ngữ và phần II, Thánh Phan Văn Minh, nhà thơ.

I - THÁNH PHAN VĂN MINH, NHÀ ĐIỂN NGỮ:

Lịch sử chữ quốc ngữ trải qua hai giai đoạn: giai đoạn thành lập và giai đoạn phát triển.
w Giai đoạn thành lập:
• 1651: Linh mục Alexandre de Rhodes soạn thảo Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (Tự điển An nam, Bồ đào nha và La tinh) do Ấn quán Toà Thánh (Roma) in năm 1651. Ngoài phần tự điển, công trình này còn gồm bản mục lục và ngữ pháp tiếng Việt.
• 1772: Đức Cha Pierre Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) soạn thảo Vocabularium annamitico-latinum (Tự vựng An nam La tinh) soạn thảo năm 1772-1773 tại Pondichéry (Ấn Độ).
w Giai đoạn phát triển:
• 1838: Đức Cha Taberd soạn thảo Dictionarium anamitico-latinum

- Theo Niên biểu in trong Phi Năng Thi Tập: Nhân lễ Thêm sức năm 1828, Đức Cha Taberd chấp nhận thỉnh nguyện của cậu Phan Văn Minh, gửi cậu tu học ở Chủng viện Lái Thiêu.

- 1833: Thi hành Chiếu cấm đạo của vua Minh Mệnh, chủng viện Lái Thiêu bị phá hủy. Thầy Phan Văn Minh và các chủng sinh khác tiếp tục tu học ở Chủng viện Pénang (Mã Lai).

- 1835: Đức Cha Taberd gọi Thầy Phan Văn Minh sang Calcutta để soạn Tự điển Việt-La tinh và Tự điển La tinh-Việt.

• 1838 (tại Serampore - Ấn Độ), xuất bản Dictionarium anamitico-latinum. Công trình này gồm phần Khái luận về tiểu từ và đại từ (Tractatus de variis particulus et pronominibus), Cách đếm (Nomina numeralia, 10 trang), Tự vựng chữ Hán (18 trang), Tự vựng chữ Nôm (111 trang), Tự vựng chữ Hán sắp theo mấu tự (106 trang), Thực vật chí Đàng Trong (Hortus Floridus Cocincinæ), Lược bày niêm luật làm văn làm thơ (Compendium versificationis anamiticæ) (14 trang).

‘‘Lược bày niêm luật làm văn làm thơ’’ gồm: vãn, niêm luật làm thơ, phán xét công bình Bắt đạo thơ. Cách thức đặt thơ năm chữ. Cách thức làm vãn khi người ta đã qua đời (văn tế). Cách phải giữ cho đặng làm văn vần bình, mẫu văn đặt vần trắc. Cách phải giữ mà đặt văn vần trắc. Vãn: Inê Tử đạo.

Trong phần dẫn chứng, ngoại trừ bài ngũ ngôn Tứ Thời (四 时) của Thôi Hiệu, các bài khác đều do Thánh Phan Văn Minh trước tác. Mỗi bài đều kèm theo bản dịch La tinh. Bài vãn Inê Tử đạo có bản dịch Anh ngữ, Pháp ngữ và La tinh, chứng tỏ thánh Phan Văn Minh không những là nhà điển ngữ (lexicologue) uyên bác mà còn là nhà bác ngữ học (polyglotte) am hiểu nhiều ngôn ngữ (Hán văn, La tinh, tiếng Pháp và tiếng Anh).

Bài Vãn làm theo thể lục bát phối hợp yêu vận của ta và cước vận của Tàu mở đầu phần Compendium versificationis anamiticæ chứng tỏ tác giả hằng tha thiết đến văn học nuớc nhà.

Bài Vãn gồm gồm 6 câu lục bát như sau:
Đội ơn Chúa cả ba ngôi,
Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.
Chúa là vô thỉ vô chung,
Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.
Chúa là toàn đức toàn tài,
Suốt trong trời đất không ai ví tầy.


Cũng như thơ Đường của Thôi Hiệu, bài lục bát Vãn Thiên Chúa Ba Ngôi được dịch sang tiếng La tinh như sau:
Trino unique Deo promo de pectore grates
Usus ad nostros clemens cuncta creans
Omnipotens sine principio sine fine manebit
Morte careens, sceptre frenat cuncta suo
Numen perfectum numen summeque peritum
Non similis coelo vel qua terra patet.


Phán xét công bình thơ làm theo thể thất ngôn bát cú, luật bằng như sau:
Hãi hùng kinh khiếp hỡi người ta,
Chúa xét công bình chẳng thứ tha.
Công bẵng mũi lông không khuất lấp,
Tội dầu hơi thở cũng nghiêm tra.
Bấy giờ ngãi tử giao thần thánh,
Khi ấy tội nhơn phú quỉ ma.
Bởi đó mười răng tua nắm giữ,
Rượu trà cờ bạc chớ mê sa.
Bài Bắt đạo thơ theo thể thất ngôn bát cú, luật trắc như sau:
Lừng lẫy oai hùm tiếng dã rân,
Chỉ truyền cấm đạo khắp xa gần.
Thánh đàng chốn chốn đều tiêu diệt,
Giáo hữu người người chịu khổ bần.
Linh mục giảo lưu, hình thảm khắc,
Cận thần trảm quyết lính đồ thân.
Há rằng vương đế làm nhơn chánh !
Sao nỡ phiền hà hại chúng dân.


Sau đó, thánh nhân trích dẫn hai bài văn tế, một vần bằng, một vần trắc. Vần bằng như sau:
Phép Chúa khiến đổi dời,
Cơ hội ấy ai không thảm thiết,
Hễ người đời sống thác,
Cớ sự này ốt đã rõ ràng.
Tưởng đến lòng nên chua xót,
Nghe thôi da rất thảm thương.


Vần trắc có câu:
Xưa có kẻ lui về Phật kiểng,
Chiếc dép hãy di tông
Nay như thầy thẳng tách thiên đàng
Nửa lời khôn phụ nhỉ
Trăm mình ý khó chuộc cầu,
Muôn kiếp no nao đặng thấy.


Kết thúc phần Compendium versificationis anamiticæ là bài vãn Inê Tử đạo, kèm theo bản dịch Anh, Pháp và La tinh. Sau đây là đoạn giới thiệu thân thế Thánh Inê tử đạo:
Gái thì đặng một Inê
Là con thứ tám trọn bề thảo ngay.
Vốn hiền từ bé nhẫn nay,
Nết na khiêm nhượng tính hay nhơn từ.


Bản dịch tiếng Anh:
Among the daughters, Agnes claims our attention;
She their eighth child, a model of virtue,
From her earliest infancy till death,
Was ever distinguished for modesty, meekness and humility.


Bản dịch tiếng Pháp:
Parmi leurs filles, Agnès est digne d’attention,
Elle fut le huitième enfant, et un modèle de vertu,
Depuis son enfance jusqu’à sa mort,
Elle se distingua toujours par sa modestie, son humilité et sa douceur.


Bản dịch La tinh:
Inter filias, memoria Agnetis est colenda,
Octava fuit parentum progenies, virtutum exemplar,
A teneris annis usque ad mortem præbuit
Semper modestia gravis, corde humilis ac mitis refulsit.


Theo Giáo sư Dương Quảng Hàm, ‘‘Cứ theo bộ tự điển của cố Alexandre de Rhodes soạn và in năm 1651 thì chữ quốc ngữ về hạ bán thế kỷ thứ XVII còn có nhiều cách phiên âm khác bây giờ và chưa được hoàn toàn tiện lợi. Theo cố Cadière, trong một bài thông cáo đọc ở Hội đồng Khảo cổ Đông Pháp ở Paris (Commission archéologique de l’Indochine) năm 1912 thì các hình thức hiện thời của chữ quốc ngữ chính là do Đức cha Bá Đa Lộc đã sửa đổi lại mà thành nhất định. Đức cha có soạn cuốn Tự diển An nam La tinh, tuy chưa xong hẳn, nhưng cố Taberd đã kế tiếp công cuộc ấy mà soạn ra cuốn Nam việt Dương hiệp Tự vựng (Dictionarium annamitico-latinum), in năm 1838. Trong cuốn này, cách viết chữ quốc ngữ giống hệt bây giờ: mỗi tiếng Nam đều có chua kèm chữ Nôm: cuốn sách ấy sẽ là một cuốn sách làm gốc cho các tự điển tiếng Nam sau này.’’ (Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học Sử yếu, Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu tái bản 1968, tr. 337-338). Kết quả này có được một phần là nhờ công lao của thầy Phan Văn Minh vừa am hiểu điển ngữ, lại là một nhà thơ. Nhờ điển ngữ, ngôn ngữ trong thơ Thánh Phan Văn Minh chuẩn xác. Với hồn thơ, trước tác của thánh Phan Văn Minh mang tình tự dân tộc, như được trình bày trong phần II: thánh Phan Văn Minh, nhà thơ.

II - THÁNH PHAN VĂN MINH, NHÀ THƠ:

Toàn tập Phi Năng Thi Tập của Thánh Philipphê Phan Văn Minh được in lại trong tập tài liệu văn học chữ quốc ngữ nhan đề ‘‘Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX)’’ do Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố HCM ấn hành năm 1993. Ngoài ra, Thư viện Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon lưu giữ Phi Năng Thi tập (Nước Trời Ca) của thánh Philipphê Phan Văn Minh, do ông Léon Nguyễn Văn Quý ấn hành năm 2003. Tài liệu thứ nhất gồm phần chú giải của nhà văn Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm, tài liệu thứ hai ngoài phần tiểu sử còn in lại Nước Trời Ca. Sau đây, ta sẽ xét qua về nội dung của hai tài liệu vừa nói trước khi bàn về giá trị văn học của Phi Năng Thi tập.

A) GIỚI THIỆU TÀI LIỆU:

1 - TÀI LIỆU CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP:

1.1. Về hình thức: Tài liệu ấn hành khổ A4, dày 25 trang, do Linh mục Trần Anh Dũng tặng Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris.
1.2. Về nội dung: Tập tài liệu in lại công trình nhan đề: Phi Năng Thi tập: Thánh Philipphê Phan Văn Minh của nhà văn Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm. bố cục như sau:
Dẫn nhập (tr. 88)
I. Quá trình truyền bản
1. Nguyên bản thủ bút
2. Bản sao tập IV của thầy Hầu trao tặng ông Paulus Nguyễn Cang Thường (tr. 89)
Nhan đề của tập IV như sau: Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853): Gia Tô Cơ Đốc (Jesus Christus). Tập IV Phi Năng Thi tập (tr. 90).
3. Bản sưu tập của thầy Trạch trao tặng ông Paulus Nguyễn Cang Thường
4. Bản sao của ông Paulus Nguyễn Cang Thường (tr. 91)
5. Bản sao của ông Thaddoœus Nguyễn Văn Nhạn.
- Trang 1: Nhan đề tập IV: Văn Thơ Công Giáo. Phi Năng Thi tập (Thế kỷ IXI). Tập IV: Sưu tầm của Nguyễn Cang Thường (1909-1962) (tr. 92).
- Trang 31: Nhan đề Phi Năng Thi tập do thầy Trạch sưu tầm: Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853) Vịnh Ê Vang. Phần sưu tầm của ông Nguyễn Cang Thường (1919-1962) (tr. 93).
- Trang 56: Nước Trời Ca. Phần II. Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853).

II - Công tác hiệu đính (tr.94)
1. Về cách sắp xếp trình bày
2. Về các trường hợp hiệu đính (tr. 95).
3. Về chú giải

III - Về nhận định tổng quát (tr.96)
1. Bối cảnh văn học
2. Bối cảnh tôn giáo và chính tri
3. Nhà thơ công giáo (tr.98)
4. Một thi đàn của đức tin (tr.101)
5. Sau Phi Năng Thi tập (tr. 103)

I1 - TÀI LIỆU CỦA ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE:

1.1. Về hình thức: Tài liệu ấn hành khổ A4, dày 81 trang, có chữ ký tặng của ông Léon Nguyễn Văn Quí biếu Đức Cha Nguyễn Văn Diệp. Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris lưu giữ bản chụp.

1.2. Về nội dung: Trang 5 của tập tài liệu in bản đồ Việt Nam với lời chủ giải: Những hạt giống đức tin được gieo vào lòng đất Nam Kỳ.
Trang 7 viết chữ Hán nguyên văn như sau:

信 友 之 種 子
殉 道 者
Dịch âm:
Tín hũu chi chúng từử

TUẤN ĐẠO GIẢ
Trang 11: Lược sử Giảng đạo. Truyền đạo. Giữ đạo. Cấm đạo. Bắt đạo. Tử đạo.
Trang 15: Phần I: Niêu biểu và Tiểu sử
Trang 27: Nước Trời Ca
Trang 29: Thi đàn Phi Năng Thi tập
Trang 31: Nước Trời Ca
Trang 32: Xướng và Đáp họa
Trang 73: Trùm Họ Mặc Bắc Tử đạo
Trang 77: Phụ bản: Họ đạo Cái Mơn

NƯỚC TRỜI CA

Trong bài Đôi nét về Văn học Công giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Vy Khanh viết về Thánh Phan Văn Minh như sau: ‘‘Thánh Phi-líp Phan Văn Minh (1815-1853) đã để lại tác phẩm Phi năng Thi tập được truyền tụng đến nay, gồm 35 bài lục bát của ngài và 93 bài ngâm vịnh xướng họa của thi đàn. Đối với thánh nhân, thơ "ca tụng lòng lân mẫn vô biên của Thiên Chúa" (Lời phi lộ phần I), thi tập là "một bổn kinh nguyện". Như vậy, thánh nhân đã đồng hóa thi ca với lời cầu nguyện:

"Đội ơn Chúa Cả Ba Ngôi,
Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.
Chúa là vô thủy vô chung,
Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.
Chúa là toàn đức toàn tài,
Suốt trong trời đất không ai ví tầy"


"Gia Tô Cơ đốc đấng Con Trời,
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng Vương Bá để xây đời.
(.. ) Dĩ nhược thắng cương minh chứng rõ:
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời.
(Đấng Cứu Thế)

Trước khi tìm hiểu về thi phẩm của thánh nhân và Thi đàn Phi Năng, ta hãy nghe nhà thơ tự sự qua Lời Phi Lộ của thi tập Nước Trời Ca:

‘‘Lạy Chúa Giêsu, Chúa là phần gia nghiệp đời đời của tôi. Tôi xin chọn Thánh Danh Chúa làm chủ tể trong hội thi xướng họa này để tỏ lòng tha thiết kính yêu, và cũng là việc giải trí tốt đẹp trong đời sống thường ngày của hàng văn gia đất nước Đại Nam.

Bài học giáo lý của Cố Phan, tôi học khi còn thơ bé ở Cái Mơn có đoạn:
Đạo Đức Chúa Trời
Giảng dạy khắp nơi
Cứu khổ cho đời
Địa ngục khổ rồi
Khá giữ kịp thời…


Tôi xin chọn để gieo vần, vậy xin quý hữu có lòng mến Chúa Giêsu và yêu thơ xin đáp họa, hầu góp lại như bổn kinh nguyện ngâm lên ca tụng lòng lân mẫn vô biên của Thiên Chúa. Như trong Kinh Thánh đã kêu mời.

“Laudate Dominum, omnes gentes…”
(Thánh vịnh, CXVII, 1)
Phi-năng, ngày 25 tháng 12 năm 1894

Philipphê Phan Văn Minh’’

Thi nhân làm công việc khai sơn phá thạch, góp phần xây dựng nền quốc văn mới. Thánh Phan Văn Minh (1815-1853) hơn văn hào Trương Vĩnh Ký (1837-1898) 22 tuổi, hơn Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) 19 tuổi. Thánh nhân và Trương Tiên sinh cùng thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là tỉnh Bến Tre). Các bài thơ quốc ngữ của Thánh nhân mở đường cho văn học quốc ngữ nói chung, không phân biệt Nam Bắc, lương giáo. Ngôn ngữ thi ca của thánh nhân bình dị, chữ Nôm là chính, chữ Hán thường là các danh từ thần học. Qua Lời Phi Lộ chứng tỏ thánh nhân chiu ảnh hưởng sâu đậm của Thánh vịnh. Ngay dòng khai từ: Chúa là phần gia nghiệp đời đời của tôi gợi ý từ Thánh vịnh 16. Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến bản dịch Thánh vịnh sang Việt ngữ nên không thể quyết đoán thánh Minh là người có công dịch ‘‘Yahvé, ma part d’héritage’’ (Psaume 16) ra tiếng Việt ‘‘Chúa là gia nghiệp’’. Cách dịch này đến nay vẫn giữ được thi vị đậm đà và sự trong sáng của tiếng Việt. Trong Kinh Thánh, Thánh vịnh là lời cầu nguyện bằng thơ (prière poétique) gồm nhiều đoạn. Vào đầu thế kỷ X trước Công nguyên, vua David đã soạn một số Thánh vịnh ngợi ca Thiên Chúa. Thánh Phan Văn Minh cho rằng Thi tập Nước Trời Ca là Kinh Thơ. Cách viết ‘‘Nước Trời’’ thay vì ‘‘Thiên Quốc’’ chứng tỏ tác giả muốn dùng ngôn ngữ riêng của ta để có thể phổ cập đến dân gian. Trong phần sau đây, ta sẽ nói qua về đặc điểm thi pháp và Thi đàn Phi Năng.

B - THI PHÁP PHI NĂNG THI TẬP:

Nhà văn Võ Long Tê cho rằng ‘‘ngôn ngữ thơ của thánh Minh (tiền bán thế kỷ XIX) xét ra khác hẳn ngôn ngữ thơ của thế hệ trước và có những mẫu số chung với ngôn ngữ thơ hiện đại’’. ‘‘Thánh Minh đậm đà tính chất phổ quát của đạo Công Giáo và truyền thống văn học dân tộc trong tiến trình canh tân”. Sau đây, ta sẽ bàn đến sự khác biệt giữa trước tác của thánh Minh và thơ cổ điển, những nét tương đồng với thơ mới.

A) Sự khác biệt với thơ cũ:

1) Khác biệt về đề tài:

Nhà thơ lấy chất liệu trong Phúc âm dệt thành thơ lục bát, gần gũi với ca dao:
Đội ơn Chúa Cả Ba Ngôi,
Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.
Chúa là vô thủy vô chung,
Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.
Chúa là toàn đức toàn tài,
Suốt trong trời đất không ai ví tầy.


Sáu câu lục bát trên đây lời lẽ bình dị, tuy có điểm xuyết một vài chữ Hán, nhưng là chữ Hán đã du nhập trong ngôn ngữ nước ta như: vật ( 物 ), hưởng ( 享 ); hoặc là các thành ngữ đối nhau: vô thủy vô chung ( 无 始 无 终 ) ≠ thường sinh thường vượng ( 常 生 常 旺 ).

Ngoài sự đổi mới về thể tài còn phải kể đến nỗ lực của thi nhân đưa thơ về với nguồn cội cầu nguyện. Trong Giáo hội, nhiều vị thánh đồng thời là thi nhân, như thanh Phanxicô thành Assise, Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu. Các thánh nhân thi sĩ phần nhiều đều là tu sĩ dòng chiêm niệm (ordres contemplatifs). Trong hàng giáo sĩ, nhiều linh mục là thi sĩ như Xuân Ly Băng (LM Lê Xuân Hoa), Cung Chi, Lương Nhi Tử (LM Đinh Đồng Thượng Sách), Trăng Thập Tự (LM Võ Tá Khánh), Nguyễn Tầm Thường (LM Nguyễn Trọng Tước). Nhiều giáo dân là nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Quách Thoại. Các giáo dân đều có tâm hồn thơ, mỗi chủ nhật được nghe Thánh vịnh. Đối với họ, cầu nguyện là vấn đề hệ trọng (la prière est une question de vie ou de mort) như nhận định của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI Người ta thuật lại một giai thoại liên quan đến nhà văn Franz Kafka. Có người hỏi ông rằng: ‘‘Phải chăng thơ đưa (ta) về tôn giáo ? (la poésie tiendrait donc à la religion ?), Franz Kafka đáp: ‘‘Tôi không nói vậy, nhưng chắc chắn là tôn giáo dẫn ta về cõi thơ (Je ne dirai pas cela, mais à la poésie sûrement). Chính tâm tình mộ đạo đã thúc đẩy thánh Minh làm thơ.

2) Khác biệt về ngôn ngữ:

Thánh Minh hơn Cụ Nguyễn Đình Chiểu 7 tuổi. Cụ Đồ Chiểu sinh ở Gia Định, soạn truyện Lục Vân Tiên viết bằng chữ Nôm. Cũng như Lục Vân Tiên, thánh nhân soạn Inê Tử Đạo theo thể lục bát bằng chữ quốc ngữ. Tuy cả hai sống cùng thời, cùng miền Nam nhưng ngôn ngữ Inê Tử Đạo khác Lục Vân Tiên. Trong khi ngôn ngữ của Lục Vân Tiên có nhiều từ ngữ cổ của miền Nam và nhiều chữ Hán. Thí dụ: an nơi (câu 561, 1533) (yên chỗ), áo không bâu (1585) (áo không cổ), bảng lảng bơ lơ (1857) (không chú tâm), không hòa mùi chi (1112) (không ăn uống), tọa tiền chứng miêng (798) (ngồi trước bàn thờ mà chứng giám) v.v. Ngược lại, thánh Minh sử dụng ít từ cổ, ít dùng chữ Hán. Nhờ vậy lời văn nhẹ nhàng, dễ hiểu. Thơ của thánh Minh là cánh én, báo trước sự chuyển biến của văn học nước nhà, từ Hán-Nôm chuyển sang quốc ngữ. Sự chuyển hóa này còn kèm theo sự đổi mới về ngôn ngữ, ta về ta tắm ao ta. Đó chinh là ưu điểm văn thơ thánh Minh vậy.

Bài vãn ‘‘Inê Tử Đạo’’ thể lục bát gồm 562 câu là bản trường ca tử đạo nước Việt, ca ngợi nữ thánh Inê Đê tức Lê Thị Thành, tử đạo năm 1841, trước thánh Minh 12 năm

Mở đầu bài Vãn có những câu:
Có người đức hạnh danh Lam,
Dòng truyền giữ đạo nước Nam nên tài.
Carolo hiệu là người,
Diên Ninh ấy phủ, nhà nơi Lâm Tuyền.
Vợ hiệu Save là tên,
Giai lão kết nguyền, đạo đức kính tin.
Sinh đặng mười hai con hiền,
Bảy trai hai gái đã nên phước nhà.

Gái thì đặng một Inê,
Là con thứ tám trọn bề thảo ngay.


Đoạn tả Inê từ biệt chồng con, bị giam vào ngục thất như sau:
Inê lẳng lặng làm thinh,
Chồng càng than khóc vợ mình kể khuyên:
- Sắt cầm từ thuở ấu niên,
Nỡ nào ly biệt cho an tấc lòng.
Dầu chăng nên đạo vợ chồng,
Con thơ ai kẻ quan phòng dưỡng nuôi ?
Má hồng mặt bạc mày môi,
Mình vàng vó ngọc bỏ tôi chẳng nhìn ?
Em hỡi nghe lời anh khuyên,
Sắt cầm giai lão nhơn duyên hợp hòa.
.. . .
Anh thì ở lại chớ sờn
Thìn lòng giữ đạo chẳng hơn cũng tày.
Ngày sau ta lại hiệp vầy,
Thương thì cầu nguyện hồn ngay thẳng về,
Ấy là ngãi đạo phu thê,
Chớ ra lòng mọn lỗi thì chẳng nên.


Trước giờ bị hành quyết, thánh nữ không quên dặn dò con cái, câu thơ thể lòng thương yêu và ý chí can trường:
Bức thư này để lại cho con,
Sau khôn lớn mọi lời cho biết.
Con thì giữ đức nết hạnh khiêm nhường,
Bé thờ cha vâng giữ gia nương.
Lớn theo cậu ủi an dạy dỗ,
Cù lao báo bổ ơn ấy chớ nài.
Miễn là con giữ đạo thành tài,
Cho mẹ đặng ngày sau thấy mặt.
Dầu cha cải nghiệp kế mẫu qui đàng,
Hai con thìn khiêm nhượng kính đang.
Chớ khá ở bạc tình kiêu ngạo.
Lời lành dặn bảo thương mẹ thì nghe;
Áng vui chơi tửu sắc rượu chè,
Lời độc dữ gian tà lánh vẹn.
Mẹ rầy đã đến cõi thọ diệu quang,
Mọi lời sau trước rõ ràng,
Mẹ giã từ con còn ở thế.


Phần kết bài vãn là khải hoàn ca chung cho các anh hùng tử đạo nước Nam:
Bia vàng tạc chữ chí linh,
Để truyền sách ấy nối tình đời sau.
Inê là hiệu làm đầu,
Hiền kia Thánh nọ xem lầu bổ căn.


Ngoài 35 bài lục bát, thánh Phan Văn Minh còn để lại gần một trăm thơ Đường xướng họa của Phi năng Thi đàn. Việc thánh Minh sáng lập thi đoàn sẽ được đề cập trong phần sau đây.

(Xem tiếp phần II: Hội Tao Đàn Quốc Ngữ )