Theo tường trình ngày 5 tháng 5 vừa qua của CNA, Thượng Phụ Gregorios III, cầm đầu Giáo Hội Melkite Công Giáo Hy Lạp có trụ sở ở Syria, vừa lên tiếng cảnh cáo các nhà lãnh đạo Tây Phương đừng khuyến khích các cuộc cách mạng hiện đang làm rúng động vùng Trung Đông.
Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo Tây Phương gần đây, Thượng Phụ giải thích rằng: “Các nước Ả Rập chưa sẵn sàng đối với các cuộc cách mạng, và ngay cả với nền dân chủ theo kiểu và mô thức Âu Châu. Nên tôi yêu cầu Tây Phương đừng khuyến khích các cuộc cách mạng một cách vô điều kiện đây đó trong thế giới Ả Rập”.
Tại nơi sinh quán của Thượng Phụ là Syria, các lực lượng chính phủ đã sát hại hàng trăm người biểu tình để đáp trả các cuộc phản kháng đang tiếp diễn của quần chúng. Nhưng theo Thượng Phụ, các yếu tố xã hội, tôn giáo và dân số có thể gây bất ổn và bạo động nếu các chế độ bị lật đổ thay vì cải cách. Ngài kêu gọi “biến đổi, chứ không cách mạng” và cho rằng các nhà lãnh đạo Tây Phương nên thúc đẩy cho có cải cách.
Nhà lãnh đạo tinh thần của 1.6 triệu người Công Giáo Melkite nêu ý kiến “Hãy yêu cầu các vị cầm đầu các quốc gia Ả Rập cố gắng đưa ra các phát triển thực sự, và yêu cầu họ đưa ra một kế hoạch rõ ràng, mạnh dạn. Nhưng đừng khuyến khích các cuộc cách mạng!... Các vị cầm đầu các quốc gia Ả Rập nên được mời và khuyến khích phát triển các cơ cấu dân chủ, tự do, và tôn trọng nhân quyền”. Ngài nói thêm: các nhà lãnh đạo Ả Rập cũng nên được “hỗ trợ trong việc phát huy các hệ thống phúc lợi y tế và xã hội và nhà ở” để làm nhẹ các khó khăn kinh tế đang châm ngòi cho nhiều cuộc cách mạng.
Thượng Phụ mô tả việc bất ổn của chính Syria như là “một tình thế bi thảm” đối với người liên hệ, một sự bất ổn đã đưa tới các cuộc phản đối công khai và phản ứng mỗi ngày một gia tăng bạo lực từ phía chính phủ của Tổng Thống Bashar al-Assad. Nhưng ngài bác bỏ ý niệm lật đổ chính phủ. Nhiều Kitô hữu Syria không ủng hộ các cuộc phản đối, vì sợ rằng một kết liễu đột ngột đối với chế độ Assad sẽ đẩy xứ sở vào sâu trong cuộc tranh chấp quyền lực có tính phe phái, giống như tình thế Iraq vậy.
Thượng Phụ nhận định rằng: “Tình thế đã trở nên tồi tệ hơn rồi: (đủ cả) tội ác có tổ chức, cướp bóc, sợ sệt, lẫn đồn thổi đe dọa đối với các giáo hội… Tất cả đang tạo ra ác mộng hãi hùng”.
Dưới chính phủ hiện nay, Syria đang cố gắng duy trì một thế cân bằng tế nhị giữa đa số Hồi Giáo và thiểu số Kitô Giáo của đất nước. Thượng Phụ mô tả xứ sở ngài như một “mô thức thế tục trung thành và cởi mở” và cho hay Damascus là “một trong những kinh thành quan trọng nhất nếu nói về sự hiện diện của Kitô Giáo tại thế giới Ả Rập”. Nhưng sự hiện diện này có thể kết thúc nếu xẩy ra một cuộc trống vắng quyền lực bất thình lình, khiến những người cực đoan Hồi Giáo và những người khác thừa cơ chiếm quyền kiểm soát đất nước. Ngài bảo: “Đứng trước những cơn khủng hoảng và cách mạng đẫm máu, các Kitô hữu đặc biệt là những người rất dễ bị thương tổn. Họ là các nạn nhân đầu tiên của những cuộc cách mạng này, nhất là ở Syria. Ngay sau chúng, lập tức có những đợt di dân mới”.
Thượng Phụ Gregorios cũng yêu cầu Tây Phương đặt ưu tiên hàng đầu cho diễn trình hòa bình giữa Do Thái và Palestine. Theo ngài, tương lai của Kitô giáo tại Trung Đông tùy thuộc kết quả của diễn trình này, một diễn trình hiện bị ngưng đọng từ năm ngoái, tiếp theo vấn đề các khu định cư của người Do Thái.
Các biến cố Bắc Phi đang gây ngạc nhiên cho Giáo Hội
Trong khi ấy, theo tin Zenit ngày 13 tháng 5, Đức Cha Mario Toso, hiện là thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cho hay: Giáo Hội hết sức ngạc nhiên trước các biến cố tại Bắc Phi và quyết định quốc tế sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp tại Libya. Tình hình tại Bắc Phi là một trong các chủ đề được Đức Cha Toso thảo luận trong cuộc họp báo diễn ra hôm Thứ Năm tại trụ sở của Hội Đồng. Cuộc họp báo được tổ chức để giới thiệu hội nghị ba ngày, bắt đầu ở Rôma, để kỷ niệm 50 năm ngày công bố Thông Điệp “Mẹ và Thầy” của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Đức cha Toso nhận định: “Có ai dự đoán được là sẽ có cuộc can thiệp của một số quốc gia ngay cả trước khi LHQ có nghị quyết?”. Theo ngài, “Học thuyết xã hội của Giáo Hội (chỉ) khuyến khích việc dùng các phương tiện hòa bình; đó là đường hướng được Giáo Hội cung hiến cho mọi người, cả giáo dân lẫn các nhà lãnh đạo các quốc gia. Các nhà lãnh đạo này có nhiệm vụ thẩm lượng những dụng cụ hòa bình này là những dụng cụ gì và xét xem chúng có hữu hiệu để đạt tới hoa bình hay không”. Giáo Hội, theo ngài, “không có các đạo quân hay oanh tạc cơ. Vũ khí của Giáo Hội là việc tin mừng hóa và đào tạo lương tâm” cũng như thúc đẩy mọi phương thế hòa bình, trong đó có phương thức ngoại giao, để xét xem liệu có thể đưa ra một giải pháp nào đó hay không cho cuộc tranh chấp và bất công.