NHỮNG HUYỀN NHIỆM NƠI THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Con người là một huyền nhiệm. Và vì thế, con người không sợ hãi trước các điều nhiệm mầu. Và có thể khẳng định rằng, chính các mầu nhiệm mới làm nên những lẽ sống có khả năng đáp ứng khát vọng vô biên của con người.

Đức Piô XII nói rất đúng: "Sự cao cả của mỗi hành vi của con người thể hiện ở chỗ nó có thể vượt qua giây phút mà nó đang hoàn thành để định hướng cho cả một đời người và đặt cuộc đời đó trong tương quan với Tuyệt đối".

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã mạc khải cho chúng ta Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì trong ánh sáng của Mầu nhiệm vô cùng cao cả này, những vấn nạn nền tảng của con người có thể tìm thấy những giải đáp cách thoả đáng và tuyệt diệu. Đó là những vấn nạn muôn thuở về cội nguồn, về đau khổ, về cứu cánh tối hậu.

Vấn nạn đầu tiên là vấn nạn về cội nguồn. Mãi cho tới hôm nay, con người vẫn đi tìm tông tích của chính mình. Cách đây không lâu, một khám phá mới làm nức lòng người Dân Việt: khi chuẩn bị xây toà nhà Quốc Hội, người ta đã đào gặp cả một Hoàng Thành Cổ xưa và từ đó đến nay, các nhà khảo cổ đang say sưa bới tìm các dấu vết để dựng lại lịch sử người dân Việt hào hùng... Và rồi trên báo Xuân, đã có nhiều bài viết thật cảm động về những anh em Việt Kiều nhớ về và tìm về nguồn cội của mình: Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã đưa hết cả bộ sưu tập quý giá về nhạc cổ truyền VN về tặng cho Quê Hương và xin gửi xác lại cho Quê Hương... Một cầu thủ bóng đá Việt lai Pháp cũng đã tìm về xin đầu quân "hụt" cho Sea Games 22... vì nỗi nhớ cội nguồn.

Phải chăng nhận biết cội nguồn là một bản năng sinh tồn của vạn vật và là một bản năng tôn giáo nơi con người? Nơi loài vật, bản năng này cũng mang tầm quan trọng của sự sống còn: nhìn những con rùa biển phải bơi xa hàng ngàn dặm, lê lết tìm về một bãi cát quen thuộc trên hoang đảo để đào hố đẻ trứng mới thấy cái giá trị của cội nguồn. Phải chăng khả năng nhận ra bầy đàn của mình nơi hoang dã đối với loài bò mộng, trâu hoang, nai rừng...là điều kiện để sống còn?

Phải chăng cũng chính vì vậy mà đối với con người, một sinh vật, nhận ra và tìm về đúng nguồn cội là một lẽ sống đem lại hạnh phúc? Phải chăng vì thế mà qua các thời đại con người vẫn miệt mài đi tìm cội nguồn của chính mình? Con người từ đâu đến? Vũ trụ này đã được hình thành thế nào? Đó vẫn là những vấn nạn muôn thuở mà con người muốn đi tìm giải đáp? Bởi vì con người không chấp nhận thực tại của một kiếp người "từ bụi tro, sẽ trở về bụi tro"!

Công Đồng Vatican II đã tái khẳng định một điểm nền tảng trong Giáo Lý Kitô Giáo: "Con người không sai lầm khi cho rằng mình cao trổi hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì con người có nội giới nghĩa là biết suy tư về chính mình, nên con người cao vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là trở về với nội giới thâm sâu nầy; ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và cũng nơi đó, chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa." Bởi vì theo Mạc khải, con người là 'tạo vật duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa muốn có vì bản thân nó' và chỉ một mình con người được gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa nhờ sự hiểu biết và tình mến yêu. Con người đã được tạo thành vì cùng đích này và đó là lý do làm nên phẩm giá con người."

Hai vấn nạn kia là vấn nạn về đau khổ và sự chết. Hai vấn nạn này thường gắn liền với nhau: Tại sao con người phải đau khổ? Tại sao con người phải chết và chết rồi đi đâu? Bởi vì, nếu không còn gì sau cái chết, thì tìm đâu ra một ý nghĩa cho cuộc sống nhiều gian khổ và hy sinh trên dương gian?

Đức Phật đã xếp các đau khổ thành 8 thứ: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ (ghét nhau mà phải chung sống), ái biệt ly khổ (thương nhau mà phải sống xa nhau), cầu bất đắc khổ (ước mong mà không thành đạt), ngũ thạnh âm khổ (khổ vì yếu tố cấu tạo nên bản thân ta: khổ vì xác đòi ăn, trí huệ đòi hiểu biết, ý chí đòi yêu, nhục dục đòi ham muốn)... Tuy nhiên, những đau khổ không thể lý giải được căn nguyên vẫn là đau khổ và cái chết của trẻ thơ và của những người công chính, vô tội?

Để có thể đối mặt với vấn đề đau khổ và sự chết, lý trí con người cần phải vươn tới tầm cao đủ để đón nhận giá trị của những thực tại tinh thần và tôn giáo. Theo Đức GP II, trước tiên, cần phải công nhận vấn đề đau khổ là một mầu nhiệm liên quan đến mầu nhiệm của tội đã được mạc khải trong Thánh Kinh. Thực vậy, Thiên Chúa toàn năng, Đấng vô cùng tốt lành, chắn chắn sẽ không thể cho phép sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài, nếu Ngài không đủ quyền năng và lòng tốt để có thể rút ra từ trong chính sự dữ những gì hữu ích cho con người. Nếu Ngài cho phép đau khổ xảy ra, chính là vì đau khổ cần thiết cho sự cứu rỗi của nhân loại. Trong ánh sáng của Đức tin, niềm đau và cái chết của trẻ thơ vẫn luôn là một mầu nhiệm. Một mầu nhiệm ẩn chứa nhiều mảng tối, nhưng cũng không thiếu ánh sáng chói chang. Lời thư của một người cha, đồng thời là một triết gia - Emmanuel Mounier - viết về cái chết của đứa con gái nhỏ của mình là một lời chứng sống động cho xác quyết này: "Sẽ có ý nghĩa gì nếu đứa con gái nhỏ của chúng ta chỉ là một đống thịt bệnh hoạn, một chút sự sống đau đớn và không phải là một tấm bánh trắng hiến tế mà giá trị cao vượt trên tất cả? Một mầu nhiệm chan chứa yêu thương làm chói mắt chúng ta khi chúng ta nhìn mặt đối mặt... Chúng ta đừng nghĩ về đau khổ như một mất mát mà như một lễ dâng... Tôi không muốn đánh mất những ngày đời của tôi, nhưng đón nhận chúng vì chúng là những ngày đầy tràn những ân sủng bất ngờ". Chính nhờ tin vào ơn Cứu độ của ĐGK Đấng đã phục sinh mà Emm. Mounier đã có được cái nhìn cao cả này về con người.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Và chắc hẳn, không phải là chuyện tình cờ, khi sai các tông đồ đi rao giảng, ĐK phục sinh đã không truyền lệnh gì ngoài lệnh truyền hãy rửa tội muôn dân nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi? Bởi vì toàn bộ lịch sử cứu độ được gói trọn trong Mầu nhiệm cao cả này: Tuyên xưng vào TC Ba Ngôi là tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha là Đấng, vì yêu thương, đã tạo thành muôn loài muôn vật và trao cho con người quyền làm chủ để thăng tiến và phụng sự Ngài. Tuyên xưng vào TC Ba Ngôi là tuyên xưng niềm tin yêu vào Chúa Con là Đấng, vì yêu thương nhân loại, đã thương nhập thể làm người cứu chuộc nhân loại tội lỗi và giải thoát nhân loại khỏi vòng luẩn quẩn của đau khổ và sự chết. Tuyên xưng vào TC Ba Ngôi là tuyên xưng niềm tin yêu vào Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng hằng ban ơn sủng để tẩy sạch và tác thánh nhân loại cho xứng đáng với Ơn làm nghĩa tử vĩnh cửu của Cha trên trời.

Sứ mạng của Giáo Hội là phải công bố sự thật mạc khải về chiều kích huyền nhiệm và tính thống nhất của con người trong nguồn cội, trong thực tại cũng như trong cùng đích. Chính chiều kích huyền nhiệm này khiến cho con người trở nên thực tại của tôn giáo, đối tượng của tự do và trách nhiệm trong lãnh vực đạo đức luân lý cũng như của sự thưởng phạt tối hậu. Có thể nói, chưa bao giờ con người được đề cao và tôn trọng như hôm nay. Tuy nhiên, để bảo vệ phẩm giá đích thực của con người, cần phải tái khám phá Tin Mừng về Mầu nhiệm Thiên Chúa. Muốn xây dựng "nền văn minh tình thương", cần phải hiểu rằng bên trên "mầu nhiệm con người" còn có mầu nhiệm lớn lao hơn là "mầu nhiệm Thiên Chúa".