HUẾ - Nhiệt độ tăng, đến các giảng đường vấn đề phòng trọ bỗng được các sinh viên bàn luận sôi nổi.

Khổ càng thêm khổ.

Giá cả tăng vọt, không ít sinh viên đã nghĩ đến việc dọn về sống chung để giảm tiền thuê phòng. Cứ thế, phòng thêm người và cả vật dụng cá nhân cũng thêm theo. Đã chật nay càng thêm chật, hầu hết các phòng dành cho sinh viên thuê đều khoảng 6-10 m2, thế mà bao nhiêu đồ đạc đều bị bó gọn trong số không gian ít ỏi đó. "Bây chừ muốn mua thêm đồ tụi mình cũng phải tính xem có đủ chỗ để mới dám mua"- Huệ, Đại học Ngoại ngữ Huế kể. Còn với cái lắc đầu ngao ngán khi cầm chìa khoá mở phòng trọ - Châu. ĐH nghệ thuật tâm sự: "Nhiệt độ tăng mọi thứ đều như bốc hơi, đi học từ trường về mồ hôi nhẽ nhại lại phải đối mặt với phòng trọ nóng như "lò nung" ". Điều đáng nói ở đây là các phòng trọ phần lớn lợp bằng mái tôn nên độ hấp nhiệt cao, lại khó thoát nhiệt vì xây khép kín nên nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài trời không chênh lệch nhau là mấy. Sương Lớp tin k31 Đại học Khoa học Huế phàn nàn: " Phòng của mình nóng quá không mần răng chịu được". Còn Nga, trọ tại số 13 Trần Quang Khải than: "Phòng tụi mình không có cửa thông gió, ban ngày cũng phải bật điện nên không khác nào cái lò vi sóng".

Nhiều bạn sinh viên may mắn thuê được những phòng có lớp xốp lót trần nên phần nào "thoát" được cái nóng. Phương, quê Quảng Ninh đã không ngớt kể về căn phòng của mình với bạn bè trong tiếng cười.

Cảnh sống giữa thành phố đông đúc chật chội quả thực đã quá lạ lẫm với những sinh viên ban đầu xa nhà. "ráng chịu vậy mong sao cho mau qua mùa hè"- một bạn sinh viên thở dài.

Giải pháp tạm bợ

Để chống lại cái nóng các sinh viên đã không ngừng tìm tòi những giải pháp. Đức Hùng lớp Báo chí k31 trường ĐH Khoa học Huế thấy tương đối ổn với việc nhúng giẻ ướt rồi lau lên nền nhà. Hùng giải thích:" lau như thế nền nhà sẽ hút bớt khí nóng từ trên trần xuống". Vất vả hơn với phòng trọ mái tôn Công Mạo –ĐH Khoa học kể: "cứ 23 giờ tụi mình lại múc nước té lên trên mái, nhờ thế mới có thể ngủ qua đêm được." Có vẻ hiện đại hơn Minh Hiển - Quảng Trị lại hạ nhiệt bằng cách xả nước ra các thau rồi đem đặt dưới gầm giường. Hiển tâm đắc: " hơi nước từ dưới bốc lên nên ngủ nghỉ đỡ cực hơn."

Nhiều bạn lại dùng phương pháp kết hợp, đặt thau nước lên bàn rồi bật quạt cho hơi nước tạt vào … Nhưng với tất cả phương pháp tạm bợ đó cũng chỉ đỡ được phần nào, mùa hè mới chỉ có bắt đầu, liệu đó có phải những phương án lâu dài không? Nhiều bạn sinh viên đã không ngần ngại cầm số tiền dành dụm cả tháng trời đi mua một chiếc quạt mới toanh để " đầu tư lâu dài" cho "chiến dịch mùa hè".

Nguy cơ tăng tiền điện nước.

Để đáp ứng nhu cầu hạ nhiệt, hầu hết các sinh viên đều cho quạt máy hoạt động hết công suất, có khi cả ngày lẫn đêm quạt vẫn không ngừng quay. "Biết tiền điện, nước tăng nhưng không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại được"- Phúc lớp Y41 ĐH Y dược Huế nói. Trên khuôn mặt bần thần khi nghĩ đến khoản tiền điện nước sắp phải chi trả, Quỳnh - Đại học Ngoại Ngữ tâm sự: "Mình cũng lo, cuối tháng lại vài chục tiền điện, nước chứ chẳng chơi. Biết vậy nhưng làm thế nào được !"