Hội Ngộ Melbourne: Hồi trống Việt Nam

Hồi trống Việt Nam, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Những ngày cuối cùng của tuần Hội Ngộ Việt Nam tại Melbourne đang gõ nhịp. Thứ Bẩy tuần trước, 5 tháng 7, là thánh lễ tại nhà thờ St. John chào đón phái đoàn 1964 đến từ Việt Nam. Bây giờ thứ Bẩy, 12 tháng 7, Hội Ngộ Việt Nam tiếp tục rộn ràng tại Hội trường Robert Blackwood của trường Đại Học Monash chào đón những bước chân Việt Nam đến từ khắp các nẻo đường của thế giới. Dọc theo hai bên của hội trường rộng mênh mông của Monash, người ta nhận ra trùng trùng điệp điệp những bảng tên đánh dấu địa danh nơi các phái đoàn xuất phát, Giới trẻ Lasan San Jose; Giới trẻ Bắc Ninh, Giới Trẻ Thanh Hóa, Giới Trẻ Sài Gòn, Giới Trẻ Mỹ Tho, và Giới Trẻ Springvale, Sun Shine, Keysborough, St. Albans của đất nhà Melbourne, và còn nhiều nữa, không thể kể ra hết.

Thời tiết của Melbourne vào những ngày mùa đông tiếp tục buốt rét, lạnh tái tê da thịt, lạnh thổi xám đen phố phường. Nhưng buổi Hội Ngộ Việt Nam vẫn rộn ràng với 10 giờ sáng khai mạc Hội Thảo Giáo Lý. Bên trong hội thảo, bên ngoài Ban Trật Tự và những người Veronica nhanh nhanh gói lại những ổ bánh mì kẹp chả cho một bữa ăn trưa. Tôi ghé vào hỏi nhanh,

— Chị ơi, bánh mì bán nhiêu một ổ?

— Cha ơi, buôn bán gì. Một chút nữa tới giờ ăn trưa, mỗi người sẽ được một ổ…

Đoàn vũ Dân Tộc Lasan, San Jose, Cali
Rời bỏ khu vực bánh mì, tôi quay ngang chỉ để nhận ra trước cửa của rạp hát là những em thanh niên vận y phục thời Hồng Bàng với khăn đống áo dài của Lạc Tướng Lạc Hầu, và Bà Trưng Bà Triệu đang tập dượt màn vũ trống. Tôi biết đây là Đoàn Vũ Dân Tộc xuất phát từ San Jose, Cali do Frère An Phong tổ chức. Đoàn Vũ Dân Tộc nổi tiếng đã từng mang trống Văn Lang gõ vang Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Denver, Hoa Kỳ, Toronto, Canada, và Cologne, Đức, rồi bây giờ là Sydney, Úc Đại Lợi. Trời lạnh tái tê, mặc hai ba lần áo len mà vẫn còn thấy lạnh, thế mà Frère Phong vẫn đứng đó, đứng ngay ngoài trời với đoàn vũ để điều khiển tuổi trẻ Việt Nam dợt lại những hồi trống.

Frère Phong đó, Trưởng Ban Giáo Lý của tôi vào thập niên 90, khi đó tôi còn là lính của Frère, dạy Giáo Lý và dạy Việt Ngữ cho Ban Giáo Lý San Jose (một Ban Giáo Lý chắc là đông đảo chưa từng có trong lịch sử dạy Giáo Lý và dạy Việt Ngữ ở hải ngoại). Frère Phong của tiếng hô lớn vang xa trong sân Hội Chợ Tết San Jose rộng lớn mênh mông điều khiển tuổi trẻ xếp thành hàng dài cúi xuống nhặt từng cọng rác. Frère hô lớn, những cái lưng thẳng băng tuổi trẻ cúi xuống, đi đều tới trong một hàng thẳng tắp… Tích tắc! Tích tắc! Tích tắc… Thế là cả một sân vận động rộng lớn mênh mông bỗng dưng sạch trơn, không còn một cọng rác.

Frère Phong đấy, trong giờ dạy Kinh Thánh cho thầy cô Giáo Lý giỡn vui thân tình còn hơn cả một người thân ruột thịt… “Ối giời ơi! Ai mà lại giống như Đức Giêsu, ông Giakêu chưa mở miệng mời, Chúa đã tự động mời mình về nhà người ta ăn cơm”.

— Frère ơi, vui quá, một nửa vòng trái đất xa vời vợi mà giờ lại được gặp Frère ở đây rồi.

— Ờ, vui quá, lại gặp nhau rồi.

— Em phục Frère quá, Frère ác liệt thật. Lúc nào cũng thấy Frère tráng kiện khỏe mạnh…

— Không có đâu em ơi, đứt hơi lúc nào không hay bây giờ đó.

— Sao vậy hả Frère?

— Thì Frère mới đưa tụi hắn (đoàn vũ) đi làm thiện nguyện cho những người thiểu số ở bên Việt Nam xong. Vừa mới xong một cái là bay thẳng tới Sydney, rồi lái xe xuống Melbourne cho kịp Đại Hội. Chu choa ơi, mấy ngày hôm nay mệt quá, muốn đứt thở rồi.

— Frère ơi, Frère phải giữ sức khỏe nhé.

— Ừ, cũng cố gắng thôi.

— Em cầu xin Chúa chúc lành cho Frère.

— Frère cám ơn em nhiều.

Sa mạc Monash, Melbourne
Giờ Hội Thảo Giáo Lý đã chấm dứt, giới trẻ dẫn nhau ra sân ăn trưa. Từng ổ bánh mì chả lụa đưa lên, từng cánh tay vươn cao nhận lấy. Nhìn cứ y như câu truyện ngày xưa Con Trời làm phép lạ hóa bánh mì ra nhiều cho đám đông trong hoang mạc no lòng (Jn 6:1-14).
Sa mạc Monash, Ảnh Nguyễn Trung Tây


— Bác ơi, một ổ bánh mì của bác đây.

— Thêm một ổ bánh mì cho người đẹp mặc áo dài.

— Em nhỏ này, sao đi một mình vậy? Mommy đâu? Đây, đây, một ổ bánh mì của em…

...Chú bé đi lạc ơi, chú có phải là chú bé vô danh của ngày xưa đã từng dâng tặng hết lên cho Thiên Chúa năm ổ bánh mì và hai con cá hay không (Jn 6:9)?

Từng ổ, rồi từng ổ bánh mì lần lượt rủ nhau biến mất.

Giờ ăn trưa cũng là giây phút đoàn tụ của lâu rồi không gặp mặt nhau…

— Lâu quá giờ mới gặp cha, từ Nhật về từ bao giờ? Mục vụ bên đó vui không?

Giờ ăn trưa cũng là giờ đi kiếm người thân,

— Cha ơi, con đang đi kiếm cái người nấu nướng cho bữa ăn trưa cho phái đoàn Việt Nam tại Đan viện Cát Minh hôm thứ Sáu vừa qua đó…

— Cái này thì chị phải đi kiếm chú Nhượng, đó, đó, ổng đang đứng ở bên kia kià.

— Cha ơi, con đang đi kiếm cha ở xứ Tân Mai…

Những Veronica tốt lành của Melbourne vẫn nhanh nhanh những cánh tay phân phát những ổ bánh mì để những tấm lòng Việt Nam từ khắp các nẻo đường trên thế giới có lương thực no lòng. Phép lạ ngàn vạn ổ bánh mì của năm xưa tại sa mạc đang hiện ra tại khuôn viên trường Đại Học Monash vào ngày thứ Bẩy, 12 tháng 7, của tuần Hội Ngộ Việt Nam.

Hồi xưa có Chúa cho nên dân sa mạc no lòng. Hôm nay có Niềm tin Việt Nam ở sân trường Monash, cho nên những khuôn mặt tuổi trẻ Việt Nam xám đen vì gió lạnh mùa đông không còn xám đen nữa, nhưng trở nên hồng hào bởi vì những ổ bánh mì kẹp chả Việt Nam…

Từng ổ bánh mì chả lụa vẫn nhân lên, được phân phát…

Hồi trống Việt Nam
Hai giờ chiều! Giờ của văn nghệ Hội Ngộ Việt Nam. Hội trường sân khấu chật nghẹt người. Từng màn văn nghệ của tuổi trẻ Việt Nam lần lượt bước lên sân khấu.

Dẫn đầu là tuổi trẻ Việt Nam hát vang,

“…How great is our God… Mời mọi người chúng ta cùng hát chung… How great is our God...”

Tiếp nối là màn vũ Trúc Xinh. Hội Ngộ Việt Nam mà, cho nên,

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.


Để rồi hội trường sân khấu nổ tung với vũ đoàn Dân Tộc của Lasan San Jose. Từng cái trống Việt Nam lần lượt đưa ra sân khấu. Diễn viên tuổi trẻ Việt Nam trong y phục Văn Lang Mỵ Nương bước ra.

Cúi chào.

Yên lặng.

Cả hội trường nín thở chờ đợi…

Hồi trống Việt Nam 2, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Và rồi hội trường nổ tung với những hồi trống Văn Lang vang vọng gọi về. Cả một hội trường mênh mông dồn vang từng hồi trống. Trống dồn dập giây phút Vua Hùng bước lên ngôi đặt tên nước là Văn Lang. Trống trận thúc giục đoàn quân Hai Bà cưỡi voi tiến ra trận. Trống Phong Châu hào hùng gọi trống Mê Linh. Trống theo đoàn quân vua Lý Công Uẩn rời bỏ Hoa Lư tiến vào thành Đại La đặt tên thủ đô Thăng Long. Trống thúc giục từng hồi vào ngày mùng Bốn Tết, Ất Dậu, kinh thành Thăng Long chào đón người hùng áo vải Quang Trung. Trống dục vang từng hồi chào đón tấm lòng sắt son của thánh Dũng Lạc, “dù kiếm sắt hay đầu rơi, mà long vàng đá không hề phai”. Trống mời gọi con dân nước Việt chạy đến rừng hoang La Vang kêu cầu, “Mẹ Ơi”. Trống đi theo đoàn con tới San Jose, Bắc Cali từ những năm 1990, rồi là Đại Hội Giới Trẻ Denver 1993, Toronto 2002, Cologne 2005. Giờ này trống Việt hồn thiêng sông núi đi tới Melbourne 2008.
Hồi trống niềm tin, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Từng hồi trống Việt thiết tha tiếp tục dội vang trong thánh lễ đại trào tiếp theo ngay sau. Thánh lễ đông đảo chật nghẹt giới trẻ Việt Nam đến từ nhiều nơi trên thế giới. Thánh lễ với đông đảo linh mục đồng tế, và các nữ tu. Thánh lễ với ba vị Giám Mục. Thánh lễ với ca đoàn hát vang hùng hậu. Từng hồi trống Việt Nam vẫn vang dội. Trống giục giã những bước chân nhanh nhanh tiến về Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008

Tùng tùng! Tùng! Trống Việt Nam vẫn vang vang… Đừng để lỡ một chuyến đò niềm tin.

Tùng tùng! Tùng! Trống Niềm Tin Việt Nam khua dội trong lòng người Việt. Đây là trống Dũng Lạc, kia là trống của nữ thánh Đê và thánh Chủng sinh Nguyễn Văn Thiện.

Đêm đã khuya, gió vẫn lạnh, nhưng trống Việt Nam vẫn tiếp tục khua vang Hội Trường Monash. Trống xuyên vào màn đêm dầy đặc của Melbourne.

Tùng tùng! Tùng! Trống của Hội Ngộ Việt Nam vẫn vang vang từng hồi mời gọi giới trẻ Việt Nam nhanh nhanh bước chân tiến về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney.

www.nguyentrungtay.com