Bài 21 GIÁO HỘI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ.

Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Dân thì có bổn phận thờ phượng và ca ngợi Chúa mình. Giáo hội chu toàn bổn phận này nhờ Phụng vụ.

1. PHỤNG VỤ.

Phụng vụ là lời cầu khẩn và những nghi thức thờ phượng chính thức của Giáo hội.

Phụng vụ có ba đặc tính : chính thức (nhân danh Giáo hội), cộng đồng (mọi người hiện diện đều tham gia chủ động) và hữu hình (tâm tình được diễn tả bằng lời và cử chỉ).

Qua nghi thức Phụng vụ, người tham dự và toàn thể Giáo hội tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa, đồng thời tạ lỗi và xin ơn cùng Ngài.

2. ĐỨC GIÊSU TRONG CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ.

Trong mọi cuộc họp mừng phụng vụ, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu, Ngài hiện diện vì chính Ngài triệu tập cộng đoàn và cũng chính Ngài cử hành phụng vụ (qua trung gian hữu hình của linh mục chủ tế).

Mặc dầu có nhiều hình thức phụng vụ và có nhiều lễ khác nhau, trong bất cứ cuộc họp mừng phụng vụ nào, Giáo hội cũng mừng kính mầu nhiệm cứu chuộc, đặc biệt là sự chết và sống lại của Đức Giêsu, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hoá loài người.

3. NĂM PHỤNG VỤ.

Năm phụng vụ mở đầu với Chúa nhật I Mùa Vọng và kết thúc với Lễ Kitô Vua. Đỉnh cao là Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh.

Năm phụng vụ chia làm 5 mùa : Mùa Vọng (chuẩn bị Giáng sinh), Mùa Giáng sinh, Mùa Chay và Tuần Thánh (chuẩn bị Phục Sinh), Mùa Phục Sinh, Mùa quanh năm (các tuần còn lại).

4. THAM GIA PHỤNG VỤ.

Phụng vụ có tính hữu hình và cộng đồng, vì thế các tín hữu phải tham gia chủ động vào cuộc cử hành. Tham gia bằng tâm tình. Tham gia bên ngoài, bằng cử chỉ, ca hát, đối đáp. Mọi cuộc cử hành phụng vụ phải là một hình ảnh sống động của Dân Thiên Chúa.