LTS. Nhân dịp lễ giỗ mãn tang của Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Tòa Giám Mục Thanh Hóa đã cho xuất bản cuốn “Những bài giảng Tĩnh Tâm Năm cho các Linh Mục Giáo Phận Đà Lạt”. VietCatholic đã liên lạc với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hoá để xin cho được phép đăng lại những bài giảng này trên mạng lưới VietCatholic ngõ hầu chia sẻ với qúy độc giả. VietCatholic chân thành tri ơn Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh.

NHỮNG BÀI GIẢNG TĨNH TÂM NĂM 1987 - 1989 - 1993 CHO CÁC LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT



Lời Mở Đầu

Được nhờ viết lời mở đầu cho cuốn "Những bài giảng Tĩnh Tâm Năm cho các Linh mục Giáo phận Đà Lạt" của Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, tôi không biết phải viết gì về một "bậc Thầy", một "người Cha" rất kính mến. Có rất nhiều điều để nói về ngài mà tôi sợ rằng, với một hai trang giấy này làm sao có thể diễn tả cho hết được.

Mọi người đều đã biết: "Lúc 0g15' ngày 09 tháng 06 năm 2003, cánh cửa cuộc đời đã khép lại và cánh cửa vĩnh hằng đã mở ra đón Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đi vào". Thế là cuộc đời của một con người không còn hiện diện tại thế, mà từ nay bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Cha Bartôlômêô cũng đã để lại nơi lòng mọi người sự tiếc thương vô hạn, kể cả trong Nam cũng như ngoài Bắc, trong nước cũng như ở nước ngoài. Vì sự ra đi của Ngài quá đột ngột và có những người không tin, khi Tòa Giám Mục Thanh Hóa báo tin buồn về cái chết của ngài. "Làm sao ngài chết nhanh như thế được?", không tin rồi cũng phải tin, đó là sự thật. Thân phận người là như thế, "nay còn mai mất", đời người thật là mong manh!

Khi một người chết đi thì: "Cái quan luận định", nghĩa là sau khi nắp áo quan đậy lại thì lúc đó người ta mới bình phẩm về con người đã khuất bóng. "Khen, chê đủ điều" đó là lẽ đương nhiên, không nên căn cứ vào lời người đời, mà tin Thiên Chúa thẩm định qua Hội Thánh. Trước ngày an táng Đức Cha Bartôlômêô, Tòa thánh đã gửi điện chia buồn với Giáo Phận Thanh Hóa, trong đó đã đánh giá về cuộc đời của Đức Cha Bartôlômêô là "người tôi tớ trung thành của Chúa" (Le Saint - Père demande à Dieu d'accueillir dans son Royaume de tumière et de paix son fidèle serviteur).

Quả thật, ngài là tôi tớ trung thành của Chúa từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, không lúc nào là ngài không kêu cầu Danh Thánh Chúa: "Lạy Chúa! Xin thương xót con". Trong thời gian đau đớn vì bệnh tật lâu ngày, nhất là trong những ngày cuối cùng, lúc tỉnh cũng như khi mê, ngài luôn kêu cầu: "Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Xin cứu con". Cuộc đời của Ngài là thuộc về Chúa, ngài luôn chiêm niệm và suy tư về Đức Giêsu Kitô, là hình ảnh và mẫu gương sống động cho ngài. Vì thế, bất cứ một bài giảng nào, một giáo huấn hay câu chuyện khi gặp gỡ mọi người, ngài đều nói với họ về Đức Giêsu Kitô.

Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse một cách đặc biệt. Khi ở nhà hay khi ngồi trên xe, ngài vẫn lần hạt kính Đức Mẹ. Ngài thích đi hành hương đến các đền kính Thánh Cả Giuse. Khi biết rõ bệnh tình không thể chữa được, ngài đã nhiều lần đi khấn Thánh Cả Giuse.

Cuộc đời 74-75 năm của Đức Cha Bartôlômêô có thể nói là ngắn, nhưng lại là một cuộc đời đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét nơi những người được gặp ngài hay sống với ngài. Những dấu ấn đó không thể xóa nhòa. Sắp sửa đến ngày giỗ đoạn tang, ngay chính tôi cũng luôn nghĩ là ngài vẫn còn sống. Ngài chưa rời bỏ các con cái của ngài và ngài vẫn còn sống trong lòng thương mến của mọi người.

Ngài vẫn còn sống động nơi những con người mà ngài quan tâm giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là nơi những môn sinh của ngài ở Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long và nhất là ở Huế. Có thể nói, chưa một Cha Giám đốc nào như ngài, được học trò yêu mến và quí trọng. Vì thế, theo truyền thống của Xuân Bích, hằng năm có ngày Giỗ tổ tại Đà Lạt, nhằm ngày 21.11, các cựu sinh viên Xuân Bích thích được quây quần bên Cha Cựu Giám đốc của mình. Tuy là Giám mục, nhưng khi ở Đà Lạt hay ở Thanh Hóa, ngài vẫn sắp xếp công việc để đến tham dự với họ tại Đà Lạt.

Cuộc đời của ngài còn để lại nhiều tác phẩm dịch thuật như cuốn "Trong Đức Kitô Cứu Thế", "Học thuyết Kitô Giáo" hay cuốn "Dẫn vào Cựu Ước - Tân Ước" của nhóm Kinh Thánh TOB, ngoài ra còn rất nhiều bản dịch khác nữa. Ngài có một khả năng viết tuyệt vời. Trong một ngày, ngài viết tới 3 bài giảng dài trong những cuốn "Giải nghĩa Lời Chúa năm A - năm B và năm C", trong năm 1975 - 1976 tại Đà Lạt. Mỗi năm ngài còn được mời giảng tĩnh tâm cho các Hội Dòng, cho các Linh mục các Giáo phận. Những bài giảng này đều được ngài viết và ghi chép cẩn thận trong rất nhiều cuốn sổ.

Nhân kỷ niệm ngày giỗ đoạn tang của ngài, anh em lớp Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm gồm 10 Linh mục Thanh Hóa, đã ghi chép lại những bài giảng tĩnh tâm năm mà ngài đã giảng cho các Linh mục thuộc Giáo phận Đà Lạt vào các năm 1987,1989 và năm 1993 để như một món quà quí giá làm kỷ niệm.

Dịp tĩnh tâm năm 1987, Hội thánh dành một năm đặc biệt kính Đức Mẹ, ngài đã giảng về đề tài Đức Mẹ là thiếu nữ Sion, là dòng dõi đặc tuyển của Israel, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là tôi tớ Chúa, là môn đệ Chúa, là Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ của ơn giảng hòa.

Trong kỳ tĩnh tâm năm 1989, ngài đã giảng về đề tài "Đổi mới" với 10 đề mục gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, vì Linh mục là thành phần của hàng Tư tế. Linh mục phải đổi mới sứ mạng vì là người xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Linh mục cũng phải đổi mới công tác vì là người dâng lễ. Linh mục còn phải đổi mới để thi hành chức năng ngôn sứ....

Đặc biệt, kỳ tĩnh tâm năm 1993, ngài giảng về hai môn đệ trên đường Emmaus, như tôi được biết, thì ngài muốn nói tiên tri về việc ngài sẽ ra Thanh hóa, như hai môn đệ sẽ trở về làng cũ mà chính ngài biết rõ nhất. Trên hành trình Emmaus, một người tên là Cléophas, còn người thứ hai là ai? Không có tên. Người thứ hai là chính ngài, hai môn đệ vẫn còn chuyện vãn với nhau, còn ngài có ai để chia sẻ bây giờ? Không sao! Ngài vẫn tin Đức Giêsu xuất hiện với ngài và cùng đồng hành với ngài như đã đồng hành với hai môn đệ kia. Như Chúa Giêsu, ngài cũng giải thích cho các linh mục, cho mọi người về Kinh Thánh, về những điều đã viết về Chúa. Ở môi trường mới ngài sẽ phải làm cho người ta nhận rõ nét về Chúa Giêsu qua đời sống của ngài cũng như qua những điều ngài giảng dạy. Một khi mọi người đã nhận ra Chúa Giêsu, họ phải chỗi dậy và ra đi làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Cuộc sống của Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm có rất nhiều nét đặc sắc mà không ngòi bút nào có thể chuyển tải hết được. Vì thế, để hiểu rõ về "con người của ngài", xin mời mọi người đọc "những bài giảng tĩnh tâm năm" của Đức Cha Bartôlômêô thì sẽ am tường hơn.

Thanh Hóa, ngày 09 tháng 06 năm 2006

Lm. Grêgôriô Nguyễn Quí Trung